Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giải tỏa mối lo thi cử

Tạp Chí Giáo Dục

Khi ôn tập, các em học sinh nên tránh việc học từng câu, thuộc lòng từng chữ… Ảnh: N.Anh

Kì thi tốt nghiệp THPT 2012 đang cận kề, không ít học sinh (HS) lớp 12 học ngày học đêm với mong muốn đạt kết quả tốt nhất.
Nhưng làm thế nào để ôn đến đâu nhớ đến đó, tránh tình trạng học trước quên sau hay “học tủ”?
Học theo “bản đồ”, mô hình
Đối với những môn cần học thuộc lòng các em HS cần học ý chính, học theo gạch đầu dòng cốt lõi của bài, nhớ chính xác sự kiện sau đó triển khai theo lối hiểu của mình về bài học. Vừa ngắn gọn dễ nhớ lại có thể phát huy tốt tính sáng tạo khi dùng ngôn ngữ của mình để diễn tả vấn đề, phát triển từ ý nhỏ đến ý lớn. Dùng hình tượng thường ngày vào trong bài học, khi quên chỉ cần nhớ mình đã ví chi tiết này với hình ảnh nào thì sẽ dễ dàng nhớ lại. Ý chính được xếp ở giữa trong vòng tròn lớn các ý phụ là vòng tròn nhỏ “râu ria” xung quanh. Xếp theo hình cột cao nhất là quan trọng rồi cứ thấp dần…
Không học tủ, học hết từng câu chữ
Tránh việc học từng câu, thuộc lòng từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy vì không phải thi một môn mà các em sẽ thi nhiều môn. Học như vậy sẽ rơi vào tình trạng lẫn lộn, học môn này quên môn kia. Thêm nữa, trong cùng một lúc ta cũng không thể học hết, nhớ hết tất cả lượng kiến thức của cả năm học hoặc nhớ hết từng chữ của cả một cuốn sách. HS không nên nghe “phong thanh” đề sẽ ra ở bài nào rồi chỉ học bài đó hoặc tự đoán đề để học kẻo bị “tủ đè”. Tâm lí khi bị “tủ đè”, quên kiến thức làm các bạn dễ rơi vào tình trạng hồi hộp, lo sợ khiến đầu óc  trống rỗng.
Chậm mà chắc
Áp lực thời gian bao giờ cũng là nỗi ám ảnh của HS đang ngồi trong phòng thi. Học ở lớp 45 phút trôi qua “chậm như rùa” vậy mà trong phòng thi 60 phút, 90 phút hay 120 phút sao nhanh như “tên bắn”. Vì vậy mà bạn nào cũng hối hả làm bài. Nhưng vội vàng, hối hả chưa chắc đã tốt, dễ dẫn đến tính sai kết quả, ghi sai chữ phải tẩy xóa dơ bài thi, nhớ nhầm ý… Các em nên nhẩm cho mình câu thần chú “Cứ từ từ!”, nghe có vẻ như vô lí nhưng ngẫm lại thấy khá hay. Từng bước làm bài dễ trước khó sau, hết ý này sang ý khác, hết câu này sang câu khác, xong câu nào là “ăn điểm” câu đó. Từ đó bạn sẽ tạo cho mình tâm lí bình tĩnh tự tin làm hết bài thi.
Giải tỏa tâm lí
Điểm 10 thì ai cũng mong ước nhưng không phải lúc nào cũng nên đặt mục tiêu là điểm 10 tuyệt đối, để tự tạo áp lực cho mình khi làm bài thi. Biết tới đâu làm tới đó, không dành quá nhiều thời gian để giải một bài toán khó mà để dành lại cuối giờ, sau khi hoàn thành những câu dễ.
Đừng để bị phân tán khi làm bài thi. Đa số HS đều nghĩ: “Không lẽ đề thi lại cho câu dễ như vậy?” khi gặp một câu dễ “ngoài sức tưởng tượng”. Vậy là các bạn cứ loay hoay tìm cách giải khác và cuối cùng khi hết giờ thì chỉ biết ngồi tiếc hùi hụi.
Không quay cóp khi thi
Sử dụng “phao” là điều “tối kị” trong tất cả các kì thi. Thành công trong các phi vụ này cực kì thấp mà rủi ro thì cao ngất ngưởng. Không may bạn có thể bị ăn “trứng ngỗng” như chơi kèm nhiều hình phạt phía sau đó như đình chỉ thi… Để tránh cái tật tay chân “táy máy” thì tốt nhất các bạn không nên mang “phao” vào phòng thi.
Không nên thức quá khuya trước ngày thi
Sai lầm nhất là không ít HS thức quá khuya trước ngày thi để ôn bài. Hệ quả là cộng với áp lực tinh thần các em dễ mệt mỏi, ngủ gục khi đang làm bài. Ngủ đủ giấc rất quan trọng vì sẽ giữ cho tinh thần thoải mái mới có thể nhớ hết kiến thức đã học, đã ôn tập. Muốn như vậy thì phải có kế hoạch ôn tập khoa học, hợp lý. Lên lịch môn nào học thuộc nên học trước, học lại các công thức, không đợi “nước đến chân mới nhảy”.
Cuối cùng khi bước vào phòng thi hít thở thật sâu, tin vào kiến thức mà mình đã lĩnh hội để làm bài thi cho tốt, phát huy hết “phong độ” vốn có của chính mình.
Phạm Quyên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)