Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giải tỏa những cơn “khát” thông tin

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Giảng viên Trường ĐH Hoa Sen đang hướng nghiệp cho các em Trường THPT Bùi Thị Xuân. Ảnh: V.M
Với sáu trường THPT trên địa bàn TP.HCM, có thể nói, chương trình Hướng nghiệp do Báo Giáo Dục TP.HCM và Trường ĐH Hoa Sen phối hợp tổ chức đã đi được 1/3 chặng đường “kết nối”. Hàng trăm câu hỏi, thắc mắc băn khoăn của học sinh (HS) đã được giải đáp thỏa mãn, rất nhiều trường học đã chuẩn bị chu đáo cho buổi tư vấn hướng nghiệp này.
ThS. Phùng Thị Nguyệt Thu, Phó hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi cho biết: “Trường chúng tôi đánh giá rất cao công tác tư vấn, hướng nghiệp cho HS. Các em rất “khát” những thông tin về việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng, sở thích và điều kiện kinh tế của mình. Nhà trường đã lên kế hoạch cụ thể và cho HS đăng ký trước câu hỏi để Ban tổ chức (BTC) dễ tiếp cận với các em”. Quả thực, không riêng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, HS các trường THPT khác cũng rất cần thông tin để giải tỏa “cơn khát” của mình. Hàng trăm cánh tay đã giơ lên để đặt câu hỏi, để “chất vấn” BTC về vấn đề tuyển sinh, hướng nghiệp… Mỹ Uyên, lớp 12A3 Trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết, em đã được thầy cô và ban cán sự lớp thông báo trước là sẽ có chương trình Hướng nghiệp này. “Trong suốt những ngày chờ đợi em đã suy nghĩ về ngành mình yêu thích và phân tích với những điều kiện mà em đã có. Em đã đặt câu hỏi tại chương trình và đã được các thầy cô giải đáp tận tình. Nhờ những lời tư vấn đó mà em có thêm niềm tin để theo đuổi ngành học mà mình đã lựa chọn”, Uyên “bật mí”.
Dù đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, giám thị các trường THPT đã tham gia để đảm bảo trật tự, nhưng hội trường vẫn “nóng” lên bởi sự tham gia của đông đảo HS lớp 12, những “sĩ tử” đang cận kề với những kỳ thi quyết định tương lai của mình. Đặc biệt, theo đánh giá của BTC, các em đã biết đặt nhiều câu hỏi “thông minh”, câu hỏi khó để… bắt bí người trả lời. Có em hỏi “Em muốn thi vào những ngành “hot”, nhưng như thế nào thì mới được gọi là ngành “hot”? Liệu các công ty có “đặt hàng” bọn em sau khi đã tốt nghiệp những ngành này?”. Trả lời câu hỏi này, ThS. Lê Tấn Tuấn, giảng viên Khoa Kinh tế thương mại Trường ĐH Hoa Sen cho biết: “Ngành “hot” là những ngành có nhu cầu tuyển dụng cao và hiện nay đang rơi vào ngành kinh tế – thương mại. Tuy nhiên, ngành nào được gọi là “hot” thì còn tùy theo cảm nhận của từng người và từng giai đoạn. Theo tôi, các em không nên chọn ngành “hot” để thi vì những ngành này thường có số lượng thí sinh đăng ký rất đông, tỷ lệ “chọi” cao. Đồng thời, do có nhiều trường ĐH, CĐ cùng đào tạo ngành nghề này nên khi các em ra trường sẽ có nhiều “đồng nghiệp” cùng đổ xô về các công ty để xin việc. Do đó, cơ hội để các em tiếp cận công việc theo đúng chuyên ngành mình được đào tạo không dễ và không có nghĩa, những người không thi ngành “hot” không có cơ hội việc làm”. Ông Tuấn cũng nêu một bài học kinh nghiệm được rút ra từ chính bản thân mình: “Cách đây 10 năm, tôi cũng như các em, cũng bỡ ngỡ trước sự lựa chọn tương lai cho mình. Lúc bấy giờ ngành CNTT được coi là ngành “hot” và tôi cũng là một trong số rất nhiều người đăng ký thi ngành nghề này. Năm đó tôi thi rớt ĐH. Nhưng từ cột mốc đó, tôi lựa chọn cho mình một ngành khác thuộc nhóm ngành xã hội và thành đạt như ngày hôm nay”.
Vy Vy
Góc tư vấn hướng nghiệp
Ngành nào thiếu nhiều chỉ tiêu và có việc làm ngay?
Mai Thu Hiền (Trường THPT Mạc Đỉnh Chi)
ThS. Nguyễn Mạnh Cường (Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Hoa Sen TP.HCM): Thực tế có những ngành nhu cầu tuyển dụng rất cao nhưng SV không mặn mà. Ví dụ ở nhóm ngành kỹ thuật: hầu hết các em cứ nghe ngành điện tử là ngon, lao vào, điểm ngành này có thể từ 16 trở lên. Nhưng thực tế hiện nay, kỹ sư điện tử phải đi làm nhiều công việc khác. Theo tôi, SV ra trường có kết quả học tốt và trình độ ngoại ngữ sẽ dễ tìm việc làm.
 
Em rất thích báo chí, nhưng em lại học giỏi toán. Em nghe nói ra trường nghề này rất khó xin việc và có phải học báo chí sẽ trở thành MC?
Mai Phú Thứ
ThS. Nguyễn Mạnh Cường: Việc em học giỏi toán và học ngành báo chí cũng hoàn toàn bình thường. Thông thường giỏi văn là một ưu thế chứ không hẳn là sẽ viết báo giỏi. Nghề báo chí cần có sự đam mê và năng khiếu, đồng thời phải có năng lực thực sự bằng những cố gắng học tập trong trường đại học.
Việc ra trường khó xin việc đúng ngành là một thực tế hiện nay ở hầu hết các ngành nghề chứ không riêng gì báo chí. Tuy nhiên, với sự học hành nghiêm túc, chịu khó, trang bị đầy đủ những kỹ năng cần thiết thì một việc làm khi ra trường cũng không khó lắm.
Học nhiều ngành khác vẫn có thể làm tốt công việc MC chứ không hẳn là phải học báo chí. Ưu thế để trở thành MC như: hình thức bên ngoài, khả năng diễn đạt tốt, phản ứng nhanh, có kiến thức chung về các lĩnh vực thật tốt… Nghề này hấp dẫn với các bạn trẻ, đặc biệt là những bạn trẻ thích hoạt náo. Tuy nhiên các em cần xem sở thích năng lực, hình thức của mình có phù hợp với nghề này không.
 
 “Sự khác nhau giữa ngành sinh học và công nghệ sinh học?
Mai Phương Thúy
ThS. Nguyễn Mạnh Cường: Ngành sinh học là ngành có trước còn công nghệ sinh học là ngành có sau. Ngành công nghệ sinh học là ngành chuyên nghiên cứu về sự sống. Tùy theo đối tượng mà người ta phân ra các lĩnh vực chuyên sâu như: sinh lý, sinh hóa, thực vật… ngành công nghệ sinh học ứng dụng các thành tựu của ngành sinh học.
T.An – K.Dung

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)