ThS. tâm lý Tô Nhi A |
Bước vào mùa thi, nhiều học sinh không tránh được áp lực dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe và kết quả làm bài. Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ThS. tâm lý Tô Nhi A (giảng viên Trường CĐ Sư phạm TW TP.HCM) nhằm tìm ra nguyên nhân, giải pháp giúp các em tránh căng thẳng, tự tin hơn trong phòng thi.
PV: Thưa bà, áp lực trong thi cử sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe, kết quả làm bài của học sinh? Những biểu hiện khi bị áp lực?
– ThS. Tô Nhi A: Ngay từ khi còn nhỏ, học sinh luôn phải đối mặt với áp lực thi cử, từ những cuộc thi văn nghệ, TDTT, kể chuyện… cho đến thi các môn trong chương trình chính khóa. Với nhiều em, đây là nỗi ám ảnh vì phải suy nghĩ, tập trung ôn thi trong khoảng thời gian nhất định. Cụ thể, bình thường thời gian ôn bài trung bình khoảng 1 giờ/ngày thì nay tăng gấp hai, gấp ba khiến não bộ bị ức chế, mất cân bằng. Ngoài ra, suy nghĩ và cố học nhiều làm lượng máu tăng cường lên não, tim tăng cường hoạt động dẫn đến ăn uống, hấp thụ chất dinh dưỡng bị hạn chế. Nếu nhẹ, các em thường run rẩy, hồi hộp trước giờ thi, học trước quên sau, nhầm lẫn kiến thức giữa các bài, dễ sai sót khi làm bài so với lúc bình thường. Còn nặng sẽ căng thẳng, mệt mỏi, biếng ăn, người xanh xao, mặt tái, nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, sút kí, ngất xỉu, thậm chí rối loạn tâm thần.
Bà có thể nói cụ thể hơn về nguyên nhân dẫn đến áp lực thi cử?
– Có nhiều nguyên nhân tạo nên áp lực thi cử cho học sinh. Xuất phát từ chính cái gọi là “thi”, “rất quan trọng” cộng với thời gian giới hạn, tập trung cao độ khiến các em áp lực trước kỳ thi. Riêng bản thân học sinh giỏi sợ làm bài điểm kém, sợ thua thiệt bạn bè; học sinh yếu kém lại sợ trượt. Cũng không thể không nhắc đến những lời nói xung quanh của phụ huynh, thầy cô như “chuẩn bị thi”, “sắp thi”, “tuần sau thi”… góp phần tạo ra áp lực. Mặt khác, việc chọn nghề, chọn trường giống như một cuộc “sàng lọc tự nhiên” nhưng kết quả chỉ cần chênh lệch 0,25 điểm cũng đã có thể quyết định đến kết quả xét tuyển – điều này tác động một cách trực tiếp, tạo nên sự lo lắng cho học sinh.
Thí sinh xem lại đề trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2016. Ảnh: D.Bình |
Thưa bà, để bình tĩnh, tự tin bước vào phòng thi, các em phải làm gì? Đồng thời phụ huynh cần làm gì để giảm áp lực cho con em?
– Đối với học sinh có thói quen “nước đến chân mới nhảy” cần bỏ ngay thói quen này, thay vào đó phải tạo thói quen ôn tập thường xuyên giúp kiến thức được khắc sâu hơn. Trong quá trình học, ôn tập kiến thức theo chủ đề và hệ thống lại kiến thức là rất cần thiết. Tuyệt đối không ôn bài trước phòng thi hoặc thảo luận kiểu “đề sẽ cho”, “chắc sẽ có”… vì bản thân sẽ bị chi phối, kiến thức bị đảo lộn. Cũng lưu ý, thức khuya học bài sẽ làm mất đi khả năng tập trung của não vào sáng hôm sau, gây kết quả “đã học rồi mà quên”.
Đặc biệt, các em phải chú ý đến trước phòng thi 30 phút, đảm bảo ăn sáng vừa đủ. Tránh ăn quá no khiến máu tập trung vào hệ tiêu hóa, ảnh hưởng khả năng động não và tư duy trong phòng thi bị hạn chế. Ngược lại, nhịn đói lại khiến cơ thể thiếu năng lượng, kiệt sức. Cần nắm chính xác địa điểm, phòng thi, số báo danh, số thứ tự… Các vật dụng như thẻ dự thi, Atlat địa lý, máy tính cầm tay, thước kẻ, bút mực, compa… không được thiếu. Khi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các em sẽ có được tâm thế sẵn sàng, tự tin.
Suốt chặng đường học tập, mỗi học sinh trải qua rất nhiều kỳ thi, hãy xem đó là quá trình trải nghiệm thì bản thân sẽ có được tâm lý thoải mái. |
Về phía phụ huynh, cách ứng xử là một trong những yếu tố tác động tích cực hoặc tiêu cực đến tâm lý làm bài thi của con cái. Cho dù kết quả thi có cao hay thấp thì khích lệ tinh thần bằng nụ cười, lời động viên góp phần tạo thêm động lực to lớn cho các em. Nên quan tâm kịp thời, nhắc nhở con cái thư giãn, vui chơi đan xen việc học. Tránh lặp các câu hỏi “chừng nào con thi”, “mấy giờ vào phòng”, “đã chuẩn bị sẵn vật dụng hết chưa”, “hôm nay thi, con muốn ăn gì…” bởi các em sẽ cảm thấy ngày thi là một ngày đặc biệt và áp lực. Cũng không nên hỏi “có bút, thước, máy tính không, compa chưa…”, thay vào đó nhắc các em kiểm tra ba lô trước ngày thi. Nếu các em phải thi nhiều môn liên tục, không hỏi những lỗi sai trong thời điểm thi; không nhắc lại câu “con đừng để sai như vậy nữa”. Và tuyệt đối không nói: “Nếu con thi tốt cha, mẹ sẽ thưởng”… Khi chở con cái đến địa điểm thi nên ra về hoặc đến một địa điểm khác thay vì ngồi chờ trước cổng trường. Tất cả sự lo lắng, kỳ vọng của người lớn vô tình khiến các em cảm thấy đó là gánh nặng, vì hơn ai hết, các em chính là người muốn đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi.
Xin cảm ơn bà!
Ngọc Trinh (thực hiện)
Bình luận (0)