Ông Nguyễn Thanh Tú, Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM trao giải tập thể
|
Sau gần hai tháng tranh tài, 25 thí sinh (TS) thuộc các trường THCS, THPT trên địa bàn TP.HCM đã bước vào vòng chung kết cuộc thi giải Trần Đại Nghĩa “Ươm mầm tài năng – Cúp YOLA” năm 2012 tổ chức tại Nhà Văn hóa Sinh viên ngày 20-5.
Có thể nói, 25 TS tham dự vòng chung kết năm nay đều là những “hạt giống tốt” của các trường THCS, THPT – không chỉ được xếp thứ hạng cao trong số hơn 30.000 lượt bài dự thi ở vòng sơ khảo, các em còn xuất sắc vượt qua 141 TS ở vòng chung khảo bằng việc thể hiện kiến thức, tài năng và sự hiểu biết ở tất cả các phần thi: Toán, tiếng Anh, kiến thức xã hội và năng khiếu (hùng biện, hát bằng tiếng Việt và tiếng Anh).
Những sắc màu cá tính
Đến với vòng chung kết, các TS càng chứng tỏ khả năng vượt trội của mình qua những phần thi đầy tự tin và cá tính. Ban giám khảo dù đã làm việc công tâm nhưng vẫn không tránh khỏi ngạc nhiên và phân vân khi nhiều em thể hiện xuất sắc ở phần thi năng khiếu. Khán giả có mặt trong buổi thi ngày hôm ấy trải qua nhiều cung bậc cảm xúc với những màu sắc, cá tính riêng ấy. Họ tự hào về “Áo dài Việt Nam” qua phần thi hùng biện bằng tiếng Anh của Trương Huỳnh Như, HS lớp 10A1 Trường THPT Trung Phú. Là người con của vùng đất Củ Chi anh hùng nên em đã không ngần ngại giới thiệu về tính cách, vẻ ngoài hiền lành, giản dị của người dân nơi đây. Ấy vậy mà vẻ ngoài ấy dường như đẹp hơn khi họ khoác lên mình những tà áo dài truyền thống của dân tộc Việt. Rồi hình ảnh những nữ sinh thướt tha trong tà áo trắng tinh khôi mỗi buổi đến trường cũng là niềm tự hào của không ít thế hệ HS Việt Nam. Từ dẫn chứng cụ thể đó, Huỳnh Như đã gửi gắm một thông điệp vô cùng ý nghĩa “Áo dài đẹp khi được khoác lên người Việt Nam và người Việt Nam đẹp hơn nhờ có áo dài”. Khán giả “phiêu” cùng chất giọng trầm ấm, truyền cảm qua ca khúc Cho bạn cho tôi của Nguyễn Đức Anh, HS lớp 11CT Trường THPT Gia Định.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã chúc mừng và biểu dương sự thể hiện xuất sắc của 25 TS tại vòng chung kết. “Đây là sân chơi mang đậm tính chuyên môn và thiết thực để các em HS sáng tạo, thể hiện khả năng của mình. Từ những sân chơi trí tuệ này, các em sẽ tự phát hiện được khả năng, thấy mình trưởng thành hơn, hiểu biết hơn và từ đó cũng chủ động hơn trong tất cả các hoạt động khác. Tôi mong rằng, cuộc thi giải Trần Đại Nghĩa trên Báo Giáo Dục TP.HCM năm sau sẽ có sức lan tỏa nhiều hơn nữa để nhiều HS có thể tham gia sân chơi này”, ông Sơn khẳng định.
|
So với vòng chung khảo, Đức Anh đã thể hiện sự bứt phá ngoạn mục với những phần luyến, láy chuyên nghiệp… Ca khúc này cũng là lời gửi gắm tới tất cả bạn bè đã ủng hộ, sát cánh cùng em trong suốt thời gian qua. Và với phần thể hiện xuất sắc này, em là TS duy nhất “giật” giải “TS thể hiện ấn tượng nhất”. Rồi tất cả cũng trở về với hiện thực, với vấn đề dường như trở thành mối quan tâm của xã hội: “Tình yêu ở tuổi học trò” của TS Trần Tú Thanh, HS lớp 8TC Trường THCS Chánh Hưng (Q.8). Dù mới chỉ là HS lớp 8 nhưng những lập luận chặt chẽ của em về những lợi ích, tác hại và hậu quả của vấn đề yêu sớm đã khiến không ít người phải ngậm ngùi, đau xót trước “căn bệnh” khó chữa hiện nay. Và với cách thể hiện đó, Ban giám khảo, khán giả dường như không còn thấy vẻ ngoài “trẻ con” của một HS mới chỉ học THCS. “Em lấy đề tài này từ một tiết sinh hoạt môn giáo dục công dân và những diễn biến cuộc sống hàng ngày. Em thấy một số bạn có những biểu hiện đặc biệt về tình cảm và quá xem trọng dẫn đến ảnh hưởng tới sinh hoạt, học tập và nhất là tâm sinh lý ở tuổi mới lớn. Chính vì thế, đề tài em chọn cũng là để người lớn có cách nhìn nhận và cảm thông về vấn đề tế nhị này”, Tú Thanh nói.
Ngồi dưới hàng ghế khán giả, các bậc phụ huynh, giáo viên, HS cũng hồi hộp dõi mắt theo từng phần thi mà các TS thể hiện. Không chỉ cổ vũ cho TS “người nhà”, khán giả còn nhiệt tình ủng hộ cho một vài TS bị mất bình tĩnh trên sân khấu, nhún nhảy, reo hò trong từng bài hát của “nhà người ta” với một tinh thần fair-play trong sáng. Phụ huynh em Trần Thị Mỹ Duyên, HS lớp 8A1 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết, gia đình rất ủng hộ khi biết em tham gia sân chơi này. Ngày hôm đó, Duyên còn có tên trong danh sách tham gia vòng chung kết giải Lê Quý Đôn do Sở GD-ĐT tổ chức. Thế nhưng, em đã lựa chọn cuộc thi Trần Đại Nghĩa“Ươm mầm tài năng – Cúp YOLA” như một sự thử sức mới…
Dấu ấn một mùa thi
Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM trao cúp cho các thí sinh đoạt giải nhất cuộc thi. Ảnh: Như Hùng
|
Có thể nói, cuộc thi giải Trần Đại Nghĩa do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức là một trong những hoạt động được nhiều HS các trường THPT trên địa bàn TP.HCM đón đợi trong 9 năm qua. Ông Nguyễn Thanh Tú, Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM, cho biết: Ngoài việc củng cố và nâng cao kiến thức đã học, tăng cường các kỹ năng cần thiết trong học tập và rèn luyện, cuộc thi còn tạo ra một sân chơi bổ ích để các em HS được giao lưu, học hỏi và thể hiện khả năng của mình. Trải qua 9 năm tổ chức, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Sở GD-ĐT, sự phối hợp nhiệt tình của Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TP.HCM), các nhà tài trợ, ban giám hiệu và HS các trường THPT tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Năm nay, với việc làm phong phú hình thức cũng như đối tượng dự thi (thêm hai khối 8, 9 bậc THCS), cuộc thi đang ngày một mở rộng và thu hút nhiều HS tham gia, thể hiện tài năng và bản lĩnh của một thế hệ trẻ năng động, xứng đáng với vai trò chủ nhân của đất nước trong tương lai. Ông Helmy Sulaiman, Tùy viên giáo dục Lãnh sự quán Malaysia tại TP.HCM – đơn vị tài trợ – cũng cho rằng, cuộc thi giải Trần Đại Nghĩa trên Báo Giáo Dục đã thúc đẩy sự thi đua và học tập giữa các TS ở các khối lớp, trường với nhau. “Điều này sẽ góp phần tạo nên một thế hệ tương lai với những phẩm chất đáng quý, cần thiết cho sự phát triển lâu dài của đất nước. Tôi mong qua cuộc thi này, HS sẽ hiểu biết nhiều hơn về đất nước, con người qua những hình ảnh, lời giới thiệu của từng em tham gia vòng chung kết. Với các bậc phụ huynh, họ nên tự hào với thành quả con em mình đạt được trong ngày hôm nay vì đó sẽ là những tiền đề quan trọng cho sự hình thành và phát triển nhân cách các em sau này”, ông Helmy Sulaiman khẳng định.
Đồng tình với quan điểm đó, bà Ngô Thụy Ngọc Tú, Giám đốc chiến lược Học viện YOLA, đơn vị tài trợ chính cũng cho rằng, phần thể hiện của các TS thực sự thiết thực và xuất sắc. “Là Ban giám khảo nhưng chúng tôi đã học được rất nhiều từ chính các em. Khi tập huấn tôi cũng đã hỏi về ước mơ và con đường thực hiện ước mơ đó của các em và tôi dường như đã tìm thấy mình trong đó… Trên bước đường đi thực hiện ước mơ sẽ có những rào cản vô hình gây trở ngại cho chính bản thân các em nhưng tôi nghĩ cuộc thi này sẽ giúp các em có thêm niềm tin và sự quyết tâm để thực hiện ước mơ của mình”, bà Ngọc Tú nói.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Danh sách những TS đoạt giải
Giải nhất: Trần Tú Thanh lớp 8TC Trường THPT Chánh Hưng (Q.8), Trần Thiên Minh lớp 9A10 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Trương Huỳnh Như lớp 10A1 Trường THPT Trung Phú, Nguyễn Đức Anh lớp 11CT Trường THPT Gia Định,Hoàng Thị Phương Thanh lớp 12A8 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
Giải nhì: Huỳnh Nhật Như Vy lớp 12D1 Trường THPT Thủ Đức, Nguyễn Thị Thanh Trang lớp 11A1 Trường THPT Long Trường, Trần Hoàng Khanh lớp 10A6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Lê Hữu Minh Đức lớp 9A4 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Trần Thùy Dung lớp 8A4 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
Giải ba: Đỗ Andre’ Khôi Nguyên lớp 8A9 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Lương Toàn lớp 9A4 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Võ Hoàng Phi Yến lớp 10A1 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Đỗ Thị Lan Hương lớp 11CT Trường THPT Gia Định, Nguyễn Minh Tân lớp 12A8 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
Ngoài ra, BTC cũng trao 9 giải khuyến khích, giải TS có phong cách trình diễn ấn tượng và giải TS hùng biện hay nhất.
|
Bình luận (0)