Dù có vô vàn lựa chọn, nhưng thời gian gần đây, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch Covid-19, các hình thức giải trí cho trẻ em có không ít thay đổi, hướng đến những giá trị thiết thực nhiều hơn.
Nhiều phụ huynh ngày càng kiểm soát chặt hơn việc cho trẻ xem YouTube.
Nhiều thách thức
Những ngày giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, hai cậu con trai của chị Ngọc Yến (quận Bình Tân, TPHCM) luôn chọn YouTube là phương tiện giải trí sau giờ học. Chị Ngọc Yến cho biết: “Gia đình tôi ưu tiên chọn các chương trình theo sở thích của bé. Có thể là bé trai nên các con tôi không thích các chương trình ca nhạc hay gameshow truyền hình. Lựa chọn hàng đầu của con là phim hoạt hình Doraemon, Đội bay siêu đẳng, các chương trình về siêu nhân, lắp ráp lego, động vật hoang dã…”. Trong khi đó, chị Minh Ngọc (quận Gò Vấp, TPHCM) dù hạn chế cho con xem YouTube nhưng vẫn sử dụng kênh này giúp bé bổ trợ kiến thức, học tiếng Anh. Cả chị Ngọc Yến và chị Minh Ngọc đều thừa nhận, hiện nay các nội dung giải trí cho trẻ trên truyền hình còn khá đơn điệu và buồn chán.
Đáp ứng nhu cầu giải trí cho trẻ em chưa bao giờ dễ dàng. Bà Trần Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Hãng Phim hoạt hình Việt Nam, nhìn nhận, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, trước sự du nhập ồ ạt của nhiều luồng văn hóa ngoại lai, thanh thiếu niên Việt Nam hàng ngày, hàng giờ được tiếp xúc với những sản phẩm văn hóa ngoại nhập như phim ảnh, truyện tranh, game online… Các em bị hấp dẫn và ảnh hưởng mạnh bởi các sản phẩm giải trí nước ngoài, có khi quen thuộc với văn hóa nước ngoài nhiều hơn cả văn hóa Việt Nam thì việc tiếp cận của phim hoạt hình Việt Nam với trẻ càng khó.
Đồng quan điểm, đạo diễn Quách Khoa Nam cho rằng, trong khi phần lớn các gameshow chạy theo tính giải trí, rất cần thiết phải có những nội dung mang tính giáo dục, nhân văn. Bà Hiền cũng nhìn nhận: “Tuần phim hoạt hình Việt trên VTVGo” sau khi ra mắt dù nhận được khá nhiều phản hồi tích cực, nhưng hãng luôn ý thức nâng cao chất lượng: tổ chức các lớp nâng cao tay nghề cho đội ngũ làm nghề, bồi dưỡng đội ngũ kế cận, đồng thời đầu tư về mặt máy móc, kỹ thuật… Hiện hãng đang lưu tâm 2 mảng phim về đề tài lịch sử và cổ tích – truyền thuyết.
So với thời điểm cách đây 1 năm, các chương trình giải trí cho trẻ có không ít thay đổi. Trên sóng truyền hình, nhiều gameshow không thể tiếp tục sản xuất một phần do ảnh hưởng dịch bệnh, phần khác không còn thu hút khán giả, dẫn đến không có tài trợ, quảng cáo. Những chương trình hiện đang sản xuất phải tìm cách tự thay đổi, nâng chất, tăng tính tương tác với khán giả. Do có ít lựa chọn, sự dịch chuyển sang các nền tảng trực tuyến ngày càng mạnh, nhưng bản thân các bậc phụ huynh ngày càng khắt khe hơn nhằm bảo vệ con em mình trước nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Sau phản ứng dữ dội của dư luận, nhiều kênh YouTube hay các nội dung xấu, độc liên tiếp bị xóa sổ.
Kết hợp học – chơi
Anh Lê Vương (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết: “Quản lý triệt để việc trẻ xem YouTube khó vô cùng. Cách chúng tôi thực hiện là tạo riêng một tài khoản cho con, luôn mở âm thanh lớn để mình có thể giám sát bé đang xem gì và xem lại lịch sử trình duyệt”. Còn chị Ngọc Yến áp dụng thời gian biểu chỉ cho phép con ngày 2 lần, sau khi ăn sáng và tối, mỗi lần được coi YouTube từ 30 đến 45 phút. “Nhà tôi thống nhất từ đầu không cho bé coi YouTube trên điện thoại, chỉ coi trên tivi để dễ kiểm soát. Bố mẹ luôn ngồi xem cùng con để nếu chuyển kênh có nội dung không ổn sẽ chuyển hay tắt ngay”, chị Ngọc Yến cho biết.
Nhiều trẻ rất thích xem YouTube
Hiện nay, khái niệm giải trí cho trẻ không đơn thuần là xem gì, nghe gì mà còn bao hàm các bé học được gì. Chị Ngọc Yến cho biết: “Ngoài giải trí, các con tôi học Anh văn, học vẽ qua YouTube với rất nhiều bài học hấp dẫn. Mỗi ngày, tôi dành 90 phút học tiếng Anh cùng con, rồi tự kiểm tra cho bé. Nếu chán, con sẽ chuyển qua học vẽ. Vừa học, vừa nghe nhạc, vừa xem khiến các con rất hứng thú”.
Trong bối cảnh trẻ phải ở nhà nhiều do ảnh hưởng dịch Covid-19, xu hướng tham gia các khóa học online, vừa học vừa giải trí ngày càng nở rộ. Có thể dễ dàng tìm kiếm những kênh học tiếng Anh, vẽ, đàn, hát, chữ cái… trên YouTube. Các khóa học trực tuyến cũng rất nở rộ. Dù khó tin nhưng chị Trà My (quận 11, TPHCM) vẫn đăng ký cho con học vẽ online với thầy giáo. Chị thừa nhận học theo cách này có khá nhiều rào cản, nhưng quan trọng bé vẫn rất hào hứng, sáng tạo.
Đầu tháng 6, nhà báo, nghệ sĩ Hoàng Mạnh Hà, Hiệu trưởng Đồng hành Art School vừa mở lớp dạy kèn harmonica online. Cũng theo anh Hoàng Mạnh Hà, môn học này là một môn giải trí lành mạnh, sẽ kéo các em ra khỏi màn hình smartphone, máy tính bảng, vi tính… – những thứ luôn là ác mộng với các bậc phụ huynh. “Quan niệm như khẩu hiệu của tôi là thêm một người mê nhạc sẽ làm cho thế giới bớt đi một người nghiện game”, nghệ sĩ Hoàng Mạnh Hà nói.
“Tuần phim hoạt hình Việt trên VTVGo” lúc 10 giờ và 20 giờ hàng ngày đang phát sóng 50 bộ phim hoạt hình Việt đặc sắc của Hãng Phim hoạt hình Việt Nam với 8 chủ đề: giả tưởng, viễn tưởng, sự tích – cổ tích, lịch sử, môi trường, gia đình, cuộc sống hiện đại – kỹ năng sống, tổng hợp thuộc nhiều thể loại phim 2D, 3D, cắt giấy vi tính, với các thời lượng phim ngắn 10 phút, phim dài 20-30 phút, phim series nhiều tập… Thể loại phim cổ tích có: Gái khôn được chồng (19 giờ 45 chủ nhật trên THVL1); loạt phim hoạt hình cổ tích 3D (20 giờ 50 thứ hai đến thứ tư trên THVL1); Rồng rắn lên mây (20 giờ thứ ba, thứ tư trên HTV3 – Dreams TV)…
Từ đầu tháng 6, trên kênh YouTube và ứng dụng POPS Kids cập nhật nhiều series hoạt hình được yêu thích: Doraemon mùa 9, FrienZoo, Quân đoàn ếch xanh, B-family, Doong Doong Friends…, cũng như các chương trình giáo dục vui học: Toddler Fun Learning, POPS Kids Lesson mùa 2, STEM Season 2 – Thế giới khoa học mùa 2, Giờ chơi đến rồi…
|
VĂN TUẤN (theo SGGP)
Bình luận (0)