Nhu cầu vui chơi giải trí giúp con người giải tỏa những căng thẳng do lao động chân tay và trí óc đưa lại, tạo điều kiện để con người phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tình cảm và nhân cách xã hội. Sự tăng trưởng về kinh tế, nhất là ở các đô thị đã kéo theo sự phát triển các nhu cầu về văn hóa, trong đó đặc biệt là nhu cầu sử dụng thời gian rỗi vào các hoạt động giải trí. Do đó, nhu cầu vui chơi giải trí đã trở thành một hoạt động mang “chức năng kép”, vừa đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người, vừa là một hoạt động kinh tế, đem lại lợi nhuận đầy hấp dẫn cho các chủ thể tham gia loại dịch vụ này. Từ đây, đã xuất hiện các ngành công nghiệp văn hóa.
Vui chơi không chỉ là giải trí…
Giải trí là một từ Hán Việt. Theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh giải thích: Giải trí là khi làm các việc rỗi, làm cho trí não được khoan khoái. Gần nghĩa với giải trí là tiêu khiển. Tiêu khiển là giải muộn, khuây sầu. Giải trí còn đồng nghĩa với vui chơi, cho nên người ta cũng thường nói vui chơi giải trí. Từ giải trí ở đây được giải thích phổ biến theo quan niệm của xã hội truyền thống. Trong xã hội phương Tây từ giải trí thường gắn liền với các hoạt động trong thời gian rỗi, cho nên các từ leisure (tiếng Anh), loisirr (tiếng Pháp) và Docyt (tiếng Nga) lúc đầu có nghĩa là thời gian rảnh rỗi, sau chuyển nghĩa thành hoạt động trong thời gian rỗi, tức là giải trí hay hoạt động giải trí.
Vui chơi giải trí là một dạng hoạt động xã hội, nó sinh ra cùng với xã hội loài người và gắn bó như hình với bóng trong suốt cuộc đời của một con người. Từ thuở ấu thơ vui chơi giải trí là phương thức tập dượt để làm người lớn, đến tuổi trưởng thành hoạt động giải trí là đối trọng của lao động, nhằm giải tỏa những căng thẳng về tâm sinh lý, để lập lại sự cân bằng nội tại. Với ý nghĩa này, vui chơi giải trí được xem là phương thức nghỉ ngơi tích cực, nhằm tái sản sinh ra sức lao động ở cấp cao hơn, và khi về già thì vui chơi giải trí được xem là hoạt động di dưỡng tinh thần để hoàn tất cuộc đời.
Trong lịch sử xã hội, không một dân tộc nào, dù trình độ phát triển cao thấp đến đâu, lại không có các hoạt động vui chơi giải trí như: lễ hội, thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật… Bước sang xã hội công nghiệp, các hoạt động giải trí vui chơi không hề giảm đi, mà còn phát triển rầm rộ cùng với sự tăng trưởng kinh tế của xã hội. Từ những cuộc thi đấu thể thao ở khu vực như SEA Games, Tiger Cup đến các cuộc tranh tài về bóng đá tại các châu lục, từ Olympic đến World Cup… mỗi cuộc thi đấu như vậy đã thực sự náo động hành tinh trong suốt thời gian dài.
Như vậy, vui chơi giải trí không phải là hoạt động xa xỉ như quan niệm của xã hội truyền thống, mà trở thành một dạng hoạt động sống tích cực của xã hội công nghiệp. Đặc biệt, trong cuộc sống đương đại, không ít hoạt động vui chơi giải trí đã được các nước phát triển quan tâm và tạo thành ngành công nghiệp văn hóa – một lĩnh vực kinh tế mũi nhọn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nó thật sự là một sức mạnh mềm của mỗi quốc gia trên trường quốc tế.
Giải trí là nhu cầu của thời đại
Đặc trưng nổi bật của xã hội công nghiệp là xã hội bận rộn, lao động căng thẳng diễn ra với tiết tấu nhanh, phân công lao động sâu sắc, khiến mỗi người có thể thành thạo và gắn chặt với một nghề. Do đặc điểm này, trong xã hội công nghiệp nhu cầu giải trí gia tăng, nhằm phóng xả những dự trữ của năng lượng thừa, giải tỏa những mỏi mệt tâm thần, lập lại thế cân bằng nội tại, để tái sản xuất lao động ngày một cao hơn. Với ý nghĩa đặc biệt này, giới khoa học ở các nước phương Tây, kể từ giữa thế kỷ XX, họ quan tâm nhiều đến văn hóa thời gian rỗi, và coi đó là kỷ nguyên phát triển của thời đại.
Nhà xã hội học người Pháp, Joffre Dumazedier (1915-2002), tiên đoán về triển vọng của xã hội hậu công nghiệp sẽ là một “xã hội giải trí”, trong đó thời gian lao động được rút ngắn tới mức tối thiểu, nhường phần áp đảo cho thời gian rỗi, mối quan tâm của xã hội không phải là làm gì đề sống, mà làm thế nào để giải trí được tốt hơn. Theo ông, thời gian rỗi có ba chức năng chính: nghỉ ngơi, vui chơi giải trí và phát triển. Không phải ngẫu nhiên, các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết: “1/3 thời gian sống của họ dành cho giải trí và dành 1/3 thu nhập chi tiêu cho các hoạt động có mục đích giải trí”. Khi nhìn lại thế kỷ 20, người Mỹ nói: “Thành quả lớn nhất của nền công nghiệp Mỹ không phải là ô tô hay máy bay, mà là công nghiệp giải trí, với thế giới kỳ diệu của Công viên Disneyland, trung tâm điện ảnh Hollywood, hệ thống truyền hình giải trí, thị trường âm nhạc, trò chơi điện tử… Công nghiệp giải trí đã đem lại cho ngân sách quốc gia những khoản tiền khổng lồ, góp phần đẩy mạnh nền kinh tế địa phương, đưa những nhà kinh doanh trong lĩnh vực này lên hàng tỷ phú”. Từ đây, xuất hiện một nền công nghiệp giải trí phát triển vượt bậc nhằm thỏa mãn nhu cầu văn hóa thời gian rỗi/tự do ngày càng cao của con người. Đến cấp độ này thì thời gian rỗi dường như đã trở thành thời gian tất yếu.
Theo thời gian, việc sử dụng thời gian rỗi theo truyền thống được bổ sung bằng những dạng thức mới mẻ, hiện đại và được hỗ trợ bằng những công cụ giải trí, thư giãn công nghệ cao hữu ích. Khu vực chịu ảnh hưởng đầu tiên và nhiều nhất từ đặc điểm bối cảnh lịch sử – xã hội chính là những thành phố lớn, và đối tượng chịu sự tác động mạnh mẽ là những người trẻ. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến những giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống đương đại.
Vui chơi giải trí hiện nay đã trở thành một hoạt động xã hội đích thực, hơn thế nó còn trở thành một hướng đi đầy triển vọng trong hoạt động kinh tế của đất nước. Chính vì vậy, văn hóa giải trí đã được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Năm 2016, Chính phủ đã xây dựng và triển khai “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu chung nhằm phát triển 12 ngành văn hóa, sáng tạo ở Việt Nam. Chương trình này đã gợi mở và định vị được tầm quan trọng và sự cần thiết phát triển của “công nghiệp văn hóa”, “công nghiệp sáng tạo”, “công nghiệp giải trí”, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho người dân. Đồng thời đáp ứng được các nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước, tiến tới xuất khẩu nhiều sản phẩm và dịch vụ sáng tạo, có giá trị cao về kinh tế, xuất khẩu ra thị trường khu vực và thế giới, xác lập được thương hiệu sáng tạo của Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín
Bình luận (0)