Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giải trình về cơ sở xây dựng Chiến lược giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT vừa có bản giải trình về dự thảo Chiến lược giáo dục 2009-2020 với 4 câu hỏi lớn do ngành tự đặt và tự trả lời với hy vọng sẽ giải đáp rốt ráo cho những băn khoăn của dư luận sau khi bản Dự thảo chính thức ra mắt.

4 câu hỏi lớn bao gồm: 1. Việc xây dựng dự thảo chiến lược giáo dục 2009-2020 được tiến hành như thế nào? 2. Chiến lược có gì mới? 3. Tại sao lại chọn quản lý giáo dục và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là những giải pháp mang tính đột phá? 4. Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020 có chú trọng tới người học không?

Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục được khởi động từ sau khi Bộ GD-ĐT tiến hành tổng kết, đánh giá thực hiện giai đoạn I của Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010 (tháng 7 năm 2007). Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo đánh giá thực hiện giai đoạn I Chiến lược giáo dục 2001-2010, lãnh đạo Bộ đã giao cho Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục (nay là Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) khởi thảo đề cương xây dựng chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2008-2020.

Để có cơ sở khoa học xây dựng chiến lược phát triển giáo dục, Bộ trưởng đã ký quyết định thành lập 27 nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học và chuyên gia giáo dục trong và ngoài ngành theo 27 chuyên đề tập trung vào các vấn đề: đánh giá thực trạng giáo dục Việt Nam.

Tháng 4/2008, Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục (CLPTGD) được hoàn thành và tổ chức xin ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các nhà hoạt động chính trị, văn hoá – xã hội.

Sau mỗi hội nghị, hội thảo góp ý cho dự thảo chiến lược phát triển giáo dục, Ban soạn thảo lại tiến hành chỉnh sửa. Đến tháng 12/2008, phiên bản thứ 13 mới được chính thức ra mắt dư luận để xin ý kiến đóng góp của toàn xã hội.

Với câu hỏi: Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020 có gì mới? Bộ đã đưa ra các nhận định: Chiến lược đã đánh giá thực trạng giáo dục Việt Nam một cách khách quan toàn diện với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật. Không tô đậm thành tích, nhưng cũng không phủ nhận những thành tự to lớn của giáo dục trong những năm gần đây, đồng thời cũng chỉ ra những yếu kém, thiếu sót cơ bản của giáo dục làm cho toàn xã hội lo lắng.

Quan điểm phát triển giáo dục có những điểm mới so với trước đây như đưa ra 6 quan điểm phát triển giáo dục được trình bày một cách cụ thể hơn, có những điểm mới thích ứng với bối cảnh trong nước và quốc tế, thích ứng với các xu thế của thời đại.
 
Bộ GD-ĐT cũng nhận định: Người học là tâm điểm của Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020. Vì thế Chiến lược đã đề cập tới nhiều giải pháp hướng vào người học, từ việc xây dựng môi trường sư phạm thân thiện ở mỗi nhà trường…

Chiến lược cũng đề cập đến các giải pháp hỗ trợ những đối tượng học sinh được ưu tiên, thông qua việc thực hiện các cơ chế học bổng học phí, tín dụng cho học sinh, sinh viên dân tộc, miền núi, vùng có khó khăn và các học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách xã hội với phương châm không để học sinh nào nghèo mà không được học.

M.M (Dân trí)

Bình luận (0)