Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giải trình về phát hiện và xử lý tham nhũng

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 18-7, tại Hà Nội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên giải trình “Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng thuộc trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước”.
Tham dự phiên giải trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các cơ quan của Quốc hội.
Về số tiền và tài sản, đất đai thất thoát do tham nhũng gây ra, ông Huỳnh Phong Tranh cho biết: Năm 2009 tổng số tiền tham nhũng bị phát hiện trên 700 tỷ đồng, thu hồi 350 tỷ đồng; năm 2010 phát hiện 193 tỷ đồng, 516ha đất, thu hồi 56 tỷ đồng, 432ha đất; năm 2011 thu hồi trên 300 tỷ đồng; năm 2012 lực lượng cảnh sát điều tra đã thu hồi trên 410 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2012 ngành thanh tra đã phát hiện 89 vụ, 107 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với tổng số tài sản 104 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 2 tập đoàn, 56 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 24 vụ, 42 người, xử lý trách nhiệm 20 người đứng đầu.
Để khắc phục vấn đề này, Tổng thanh tra cho rằng, cần xây dựng đội ngũ tốt, tăng cường giám sát, công khai, minh bạch hoạt động thanh tra, tăng cường thẩm quyền cho cơ quan thanh tra. Ngay trong nội bộ thanh tra Chính phủ từ 2009 đến nay đã xử lý 11 trường hợp vi phạm có liên quan đến hành vi tham nhũng.
Từ góc độ cơ quan kiểm toán, Phó tổng kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái cho biết: Từ năm 2009-2012, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức kiểm toán 104 đầu mối là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã điều chỉnh giảm tổng tài sản – nguồn vốn 8.501 tỷ đồng, tổng doanh thu – thu nhập thuần 6.804 tỷ đồng, tổng chi phí 2.818 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.986 tỷ đồng.
Từ lĩnh vực quản lý ngân sách, quản lý, sử dụng vốn, tài sản trong doanh nghiệp Nhà nước và các giải pháp khắc phục, Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh cho biết: Hành vi tham nhũng chủ yếu là lập hợp đồng khống để chiếm đoạt, nâng khống giá hoặc “gửi giá” khi mua bán vật tư, tài sản, dịch vụ để trục lợi, chuyển giá hay chuyển lợi nhuận cho các công ty khác, công ty là “sân sau” để trục lợi.
Theo ông Phạm Sỹ Danh, sở dĩ có tình trạng này là do một số cơ quan và người đứng đầu chưa quyết liệt, thể chế – chính sách trên một số lĩnh vực còn sơ hở, chưa minh bạch trong các hoạt động có liên quan đến người dân, doanh nghiệp, quản lý tài chính, tài sản Nhà nước còn nhiều hạn chế.
Ông Phạm Sỹ Danh cho biết thêm: Kết quả thanh tra, kiểm tra của ngành tài chính từ 2009 đến nay đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 32.735 tỷ đồng. Qua công tác kiểm tra nội bộ của Tổng cục Thuế đã phát hiện 10 vụ tham nhũng, xử lý kỷ luật 12 người, cơ quan điều tra phát hiện 12 người, xử lý hình sự 28 người. Qua công tác kiểm soát chi, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã từ chối thanh toán 1.681 tỷ đồng chi ngân sách không đúng chế độ.
Trên lĩnh vực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu cho biết: Nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, được thể hiện ở một số khâu như phân bổ vốn đầu tư, xác định chủ đầu tư dự án, công tác đấu thầu, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA.
Biện pháp phòng ngừa được đưa ra là thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng, chống tham nhũng; tổ chức kê khai, công khai tài sản, thu nhập; xây dựng kế hoạch phòng, chống tham nhũng hàng năm; xử lý dứt điểm, kịp thời các tố cáo về tham nhũng…
Đến nay, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã xử lý một số vụ việc cụ thể như xử lý kỷ luật một số cục trưởng Cục Thống kê các địa phương, công chức quản lý cấp phòng…
Lê Sơn
 

Bình luận (0)