Sự kiện giáo dụcTin tức

Giải việc “nóng” đầu năm

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn một tuần sau ngày tổng khai giảng, các trường đang dần dần ổn định và thực hiện nhiệm vụ của năm học đầu tiên sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Năm nay có nhiều đổi mới trong chương trình, phương pháp, thi cử và thêm các đề án phổ cập, tăng cường… Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, trong buổi họp giao ban lãnh đạo sở đầu tuần đã yêu cầu các phòng chức năng của sở sớm đi cơ sở để nắm tình hình, hướng dẫn thực hiện kế hoạch, góp ý tháo gỡ vướng mắc… nhằm đưa tất cả các hoạt động ở các trường đi vào nền nếp, nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ năm học đúng chỉ đạo của ngành và thành phố.

Trong số nhiều việc phải làm đầu năm học, thì việc giảm tải chương trình theo hướng dẫn của bộ là việc làm ưu tiên hơn. Tuy bộ hướng dẫn chậm nhưng cần thực hiện ngay vì nó liên quan tới việc dạy và học từ đầu năm. Việc này cần sự bàn bạc thống nhất trong hội đồng bộ môn, cân nhắc lựa chọn các nội dung chương trình giảm tải, tránh tạo lỗ hổng kiến thức cho học trò khi học lên trên. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM. Ông cũng cho rằng việc giảm tải chương trình tại TP.HCM sẽ được thực hiên gắn liền với việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng cá thể hóa và tăng cường thực hành cho học sinh, có như vậy mới nâng cao được chất lượng giáo dục.
Vấn đề chương trình dạy học tiếng Anh, nhất là ở bậc tiểu học, cũng đang “nóng” khi có dư luận cho là “loạn chương trình tiếng Anh”. Thực ra, hiện có ba chương trình chính thống: Tiếng Anh tăng cường (tuần học 8 tiết), chỉ có một số trường đủ điều kiện thành phố mới cho phép thực hiện và đã thực hiện hơn 10 năm; gần đây có chương trình Tiếng Anh tự chọn do bộ đưa ra (hai tiết một tuần), tùy lớp tùy trường, do học sinh tự chọn; và chương trình song ngữ Cambridge hai môn toán và khoa học, cũng mới triển khai. Trường, phụ huynh, học sinh… khi đã chọn chương trình này thì không chọn chương trình kia… Sở GD-ĐT đã chỉ đạo khá cụ thể, các trường cần lên phương án thực hiện và công khai hướng dẫn phụ huynh, không nên để “nhiễu” thông tin “nóng” trong dư luận xã hội.
Tiền trường, học phí cũng là vấn đề nhiều người quan tâm nhân dịp đầu năm. Năm nay ở thành phố không “nóng” hiện tượng “lạm thu” như Hà Nội và vài nơi khác. Sở GD-ĐT đã chỉ đạo cụ thể và các trường cũng đã thực hiện nghiêm túc quy định về thu chi đầu năm học. Tuy nhiên, do giá cả leo thang, chi phí vật tư vệ sinh phòng ngừa dịch bệnh tăng cao… đã làm cho các trường rất khó khăn. Với tính năng động, sự bàn bạc dân chủ, công khai với ban đại diện cha mẹ học sinh…, chắc chắn ban giám hiệu các trường cũng sẽ tìm được lời giải cho bài toán kinh phí đầu năm.
HAI ĐỨC

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)