Thí sinh xuất trình giấy tờ trước khi vào phòng thi
|
Năm 2012, có đến 33 cơ sở đào tạo TCCN không tuyển được học sinh. Năm nay, Bộ GD-ĐT chính thức cắt giảm 20% chỉ tiêu tuyển sinh bậc TCCN trong các trường ĐH và tiến tới chấm dứt hẳn việc giao chỉ tiêu này vào năm 2017.
Không chỉ riêng bậc ĐH-CĐ, tại Hội nghị thi và tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ ra những yếu kém của khâu tuyển sinh TCCN và lý giải nguyên nhân bậc đào tạo này chưa thu hút người học.
Chưa đầy 65% thí sinh nhập học
Theo thống kê của bộ, năm qua, cả nước có 591 cơ sở giáo dục (chưa kể các trường quân sự tỉnh) đào tạo trình độ TCCN với tổng gần 374.790 chỉ tiêu. Qua báo cáo các trường gửi về bộ, số lượng thí sinh các trường xét tuyển đạt trên 90% tuy nhiên con số nhập học chỉ đạt gần 64%, thua hẳn năm ngoái (năm 2011 có gần 72% thí sinh nhập học).
Bốn nhóm ngành nghề mà thí sinh tập trung học nhiều nhất là: Sức khỏe (chiếm khoảng 34%); kinh doanh và quản lý (22%); công nghệ kỹ thuật (17%) và đào tạo giáo viên (14%). Thấp nhất là hai lĩnh vực môi trường sản xuất và chế biến, chỉ 1% thí sinh nhập học. Không những thế, nhóm ngành nông lâm nghiệp và thủy sản, môi trường, sản xuất và chế biến có khá ít người đăng ký dự tuyển và nhập học.
Bộ GD-ĐT nhìn nhận, công tác tuyển sinh TCCN năm qua còn nhiều hạn chế. Nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu, dù thời gian xét tuyển kéo dài nhưng hiệu quả vẫn thấp. Đã thế, một số trường thông báo thông tin mập mờ, gây hiểu nhầm cho thí sinh và xã hội, cụ thể ở việc có thể liên thông ĐH-CĐ khi theo học TCCN. Thực tế, để được học liên thông, thí sinh phải đảm bảo các điều kiện theo quy định về đào tạo liên thông do bộ quy định. Không ít trường đã tuyển vượt chỉ tiêu, không phù hợp điều kiện đảm bảo chất lượng, chủ yếu ở các ngành sư phạm, y dược. Những trường không thu hút được thí sinh tập trung chính ở nhóm tư thục và một số trường văn hóa nghệ thuật, lĩnh vực nông, lâm, ngư…
Có 5 nguyên nhân được chỉ ra đối với vấn đề khó khăn trong tuyển sinh ở các trường TCCN. Cụ thể, số học sinh tốt nghiệp THPT một vài năm gần đây giữ ổn định và có xu hướng giảm trong khi tổng chỉ tiêu tuyển vào ĐH-CĐ vẫn tăng. Thời gian tuyển sinh ĐH, CĐ quá dài kéo theo việc giảm hiệu quả tuyển của các trường TCCN. Thực tế, năm 2012, có đến 33 cơ sở đào tạo TCCN không tuyển được học sinh. Sự suy thoái kinh tế toàn cầu, nhất là đối với các doanh nghiệp trong nước khiến người học không “mặn” trung cấp vì lo ngại khó kiếm việc làm, thu nhập thấp. Trong khi đó, công tác hướng nghiệp ở bậc phổ thông còn nhiều hạn chế nên nhiều học sinh và gia đình vẫn “ưu tiên” chọn con đường vào ĐH-CĐ để phát triển sự nghiệp trong tương lai. Chính sách hỗ trợ cho phân luồng và giáo dục nghề nghiệp của Trung ương lẫn địa phương chưa được chú trọng. Việc đăng ký xét tuyển TCCN thường đến sau khi kết thúc tuyển sinh ĐH-CĐ, thực tế thời gian diễn ra không nhiều, kéo theo sự thiếu nghiêm túc tại một số nơi. Công tác bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ tuyển sinh còn yếu nên hiệu quả tuyển sinh chưa cao.
Siết chặt kỷ luật
Năm 2013, bộ tiếp tục quy định thống nhất việc tuyển sinh TCCN theo hình thức xét tuyển. Riêng các trường đào tạo ngành năng khiếu, môn văn hóa xét tuyển và môn năng khiếu do hiệu trưởng quyết định xét hoặc thi. Việc xét tuyển dựa trên kết quả học tập phổ thông hoặc kết quả thi ĐH-CĐ. Các trường được xét tuyển nhiều đợt trong năm và tuyển nhiều loại đối tượng theo quy định cho phù hợp tiêu chí và chỉ tiêu xét tuyển của mình.
Bộ GD-ĐT cho biết, khâu thanh tra, kiểm tra năm nay tiếp tục được tăng cường nhằm đảm bảo trật tự, an toàn, nghiêm túc cho công tác tuyển sinh TCCN. Bộ sẽ phối hợp các bộ ngành có cơ sở đào tạo TCCN và các sở GD-ĐT địa phương thành lập các đoàn thanh tra nhằm kiểm tra sự minh bạch, chính xác về thông tin tuyển sinh, xác định chỉ tiêu, điều kiện đảm bảo chất lượng… của các cơ sở đào tạo TCCN trên cả nước.
Năm 2013, Bộ GD-ĐT sẽ giảm chỉ tiêu đào tạo TCCN trong các trường ĐH theo lộ trình giảm 20%/năm và chấm dứt hẳn sự “dính dáng” của các trường ĐH đối với TCCN trước năm 2017. Thí sinh có nguyện vọng đăng ký dự tuyển vào TCCN sẽ nộp hồ sơ và lệ phí tuyển sinh về trường qua đường bưu điện hoặc trực tiếp. Đồng thời, tùy tình hình cụ thể của việc thu nhận hồ sơ và công tác tuyển sinh TCCN tại địa phương, các sở GD-ĐT có thể tổ chức nhận hồ sơ của thí sinh địa phương mình và chủ động bàn giao cho các trường theo kế hoạch và yêu cầu thu nhận hồ sơ của từng trường.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Đẩy mạnh chống tiêu cực trong thi tốt nghiệp THPT 2013
Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ GD-ĐT cũng đẩy mạnh công tác thanh tra, kịp thời phát hiện và xử lý các hiện tượng tiêu cực nhất là trong công tác coi thi.
Năm qua, công tác coi thi được bộ nhìn nhận là một trong những khâu yếu kém nhất. Giám thị ở một số phòng thi chưa làm tròn chức trách, thiếu nghiêm túc hoặc non kém về nghiệp vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm để thí sinh quay cóp bài nhau, mang tài liệu vào phòng thi để gian lận dẫn đến nhiều bài thi giống nhau, kể cả điểm sai. Đặc biệt, tại Hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) đã để xảy ra tình trạng giám thị và người không có trách nhiệm trong hội đồng coi thi tham gia giải bài, ném cho thí sinh. Giám thị thì buông lỏng trách nhiệm để thí sinh nhận tài liệu từ bên ngoài và quay cóp, sao chép của nhau ngay tại phòng thi.
Qua khâu chấm thẩm định của bộ đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả tăng đột biến so với các năm trước, có thể thấy một số cán bộ chấm thi không thực hiện đúng quy định, thiếu trách nhiệm, hạ thấp yêu cầu đánh giá bài làm của thí sinh so với hướng dẫn chấm, đáp án của bộ. Vì vậy, có nhiều bài thi bị chấm sai, không đúng đáp án, thang điểm hoặc bị cộng điểm sai. Có một lượng đáng kể bài thi đạt điểm khác biệt so với kết quả chấm thẩm định, chủ yếu điểm công bố cao hơn từ 1 đến 2 điểm (cá biệt là 3 điểm) so với đáp án và thang điểm của bộ…
|
Bình luận (0)