Năm nay, số thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực trên cổng trực tuyến Đại học Quốc gia TP.HCM giảm một nửa so với năm ngoái. Trong khi đó, một số trường dành chỉ tiêu xét tuyển tối đa phương thức này lên tới 40 – 45%.
Điều này có khiến điểm chuẩn xét tuyển phương thức thi đánh giá năng lực giảm so với năm ngoái?
Giảm mạnh thí sinh đăng ký xét tuyển
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay. NGỌC DƯƠNG
Số liệu thống kê ở từng trường cũng cho thấy mức độ sụt giảm tương tự. Theo thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế – Luật, năm nay trường có khoảng 13.500 TS đăng ký với xấp xỉ 27.000 nguyện vọng (giảm 50% so với năm trước).
Trường ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM cũng trong tình trạng tương tự. Chẳng hạn, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM năm nay nhận được trên 3.400 hồ sơ, bằng phân nửa so với năm ngoái. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng cho biết trường chỉ nhận được khoảng 50% TS đăng ký xét bằng điểm thi năng lực so với năm ngoái, khoảng 6.000 hồ sơ.
TS cân nhắc kỹ giữa nguyện vọng và năng lực bản thân
Phân tích về số liệu này, tiến sĩ Quốc Chính cho rằng có nhiều nguyên nhân số lượng TS đăng ký xét tuyển giảm, trong đó chủ yếu TS đã cân nhắc kỹ giữa nguyện vọng và năng lực bản thân. Số nguyện vọng trung bình mỗi TS đăng ký năm nay giảm hơn so với năm ngoái. Cụ thể, năm ngoái trung bình mỗi TS đăng ký trên 6 nguyện vọng thì năm nay chỉ khoảng 4,75. Bên cạnh đó, kết quả phân tích dữ liệu sơ bộ cho thấy, hầu hết TS đạt điểm cao kỳ thi này đã thực hiện đăng ký xét tuyển. Trong khi đó, nhóm TS không tham gia đăng ký trên hệ thống rơi nhiều ở nhóm từ 600 – 700 điểm.
"Có thể nhóm TS này sau khi phân tích không thấy có cơ hội trúng tuyển ở nhóm ngành "hot" nên quyết định lựa chọn phương thức xét tuyển khác", ông Chính cho hay. Ngoài ra, một bộ phận TS có thể vẫn cho rằng chỉ cần đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT mà không cần đăng ký phương thức sớm tại các trường.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Cù Xuân Tiến cũng nhìn nhận: "Năm nay TS đã có lựa chọn sát hơn với khả năng trúng tuyển của bản thân. Như tại Trường ĐH Kinh tế – Luật, năm trước TS có điểm thi dưới mức 700 điểm (dưới điểm chuẩn của trường) khá nhiều, nhưng năm nay đã ít hơn".
Bên cạnh đó, theo thạc sĩ Tiến, một phần lý do là năm nay số lượng đơn vị tổ chức và xét tuyển bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực tăng lên. Do đó, nguồn TS có thể bị san sẻ ở nhiều trường. Ngoài ra, có lẽ một số TS vẫn hiểu nhầm về cách thức đăng ký xét tuyển năm nay nên không tham gia đăng ký xét tuyển sớm ở các trường.
Điểm chuẩn sẽ không biến động nhiều
Dù số TS đăng ký giảm mạnh nhưng đại diện các trường vẫn cho rằng điểm chuẩn phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực sẽ không có nhiều biến động so với năm ngoái.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, dự đoán với phổ điểm năm nay và sự cân nhắc của TS so với điểm chuẩn các năm trước, điểm chuẩn năm nay sẽ khó có sự dịch chuyển, biến động mạnh. Ông Hạ nói: "Điểm chuẩn phương thức thi năng lực của trường khó có thể thấp hơn mức năm rồi, có thể bằng hoặc nhỉnh hơn chút". Năm 2022, điểm chuẩn của trường này dao động từ 610 – 900 điểm. Trong đó, ngành có điểm chuẩn ở mức 900 là truyền thông đa phương tiện.
Nhiều trường đã công bố điểm chuẩn thi năng lực Nhiều trường ĐH ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM đã công bố điểm chuẩn phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực. Học viện Hàng không VN có ngành điểm chuẩn ở mức 850 gồm: kỹ thuật hàng không và quản lý hoạt động bay. 7 ngành của trường có điểm chuẩn ở mức 700 điểm và 3 ngành mức 600. Nhiều trường ĐH ngoài công lập đã công bố điểm chuẩn phương thức này như: Nguyễn Tất Thành, Gia Định, Hùng Vương TP.HCM… |
"Những năm trước TS chỉ tập trung vào một số ngành "hot" và đăng ký ít hơn vào những ngành còn lại. Do đó, ở những ngành nhiều TS đăng ký, trường sẽ xét tuyển tới mức tối đa 45% chỉ tiêu của ngành. Những ngành không tuyển đủ TS, trường sẽ chuyển chỉ tiêu cho phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp chứ không giảm điểm chuẩn", tiến sĩ Hạ cho hay.
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cũng cho hay mặc dù số lượng nguyện vọng đăng ký giảm so với năm ngoái nhưng điểm chuẩn năm nay khó giảm. Bởi lẽ, số lượng TS tốp đầu vẫn cao như năm ngoái. Năm 2022, điểm chuẩn các ngành của trường khá cao, thấp nhất là 800 điểm.
Dù số thí sinh đăng ký giảm mạnh nhưng đại diện các trường vẫn cho rằng điểm chuẩn phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực sẽ không có nhiều biến động so với năm ngoái. NHẬT THỊNH
Trường ĐH Kinh tế – Luật năm nay dành tối đa 40% chỉ tiêu xét điểm thi năng lực, tương đương gần 1.000 TS. Theo thạc sĩ Cù Xuân Tiến, điểm chuẩn năm nay có thể vẫn ở mức tương đương năm ngoái. Năm 2022, trường có 4 chương trình điểm chuẩn từ mức 900 trở lên gồm: kinh tế đối ngoại, marketing, kinh doanh quốc tế, thương mại điện tử. Trong đó, kinh doanh quốc tế có điểm chuẩn cao nhất với 928 điểm.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết điểm chuẩn năm nay dự kiến bằng năm ngoái. Cụ thể, ngành công nghệ thực phẩm khoảng 750 điểm, ngành marketing khoảng 730 điểm. Các ngành còn lại nằm ở mức từ 600 – 700 điểm.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân thì cho rằng điểm chuẩn các ngành của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM xét dựa vào điểm kỳ thi năng lực có thể giảm từ 10 – 40 điểm tùy ngành. Năm ngoái, điểm chuẩn của trường này dao động từ 650 – 900 điểm. Ngành có điểm chuẩn cao nhất là kinh doanh quốc tế.
Theo Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)