Nhịp cầu sư phạm

Giảm áp lực cho giáo viên từ giảm sĩ số lớp

Tạp Chí Giáo Dục

Dù số liệu chính xác về sĩ số học sinh tại các trường học ở TP.HCM có thể thay đổi tùy theo từng năm học và từng khu vực cụ thể nhưng nhìn chung, nhiều nơi đang có sĩ số học sinh khá cao, nhất là bậc tiểu học. Điều đó ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy cũng như là một thách thức lớn cho giáo viên.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Đống Đa (Q.4, TP.HCM) tựu trường ngày 19-8-2024 (ảnh minh họa). Ảnh: Lê Phương Trí

Sĩ số học sinh còn cao ở khu vực trung tâm và vùng ven

Ở nhiều trường tiểu học, sĩ số trung bình của mỗi lớp thường dao động từ 40 đến 50 học sinh. Một số trường có sĩ số còn cao hơn, đặc biệt là ở các khu vực đông dân cư như Q.1, Q.3, Q.5 và khu vực vùng ven như Q.Bình Tân, TP.Thủ Đức… Thí dụ, tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Q.3), sĩ số trung bình từ 45 đến 50 học sinh/lớp. Đây là một trong những trường tiểu học có uy tín và chất lượng giáo dục cao, trường thường có số lượng học sinh đăng ký lớn; đồng thời có nhiều cơ quan tập trung ở khu vực trung tâm nên nhiều người có xu hướng muốn đưa con học gần nơi làm việc, dẫn đến sĩ số lớp học cao.

Ở vùng ven, Bình Tân là quận có dân số rất đông, trong đó có nhiều người từ các địa phương khác đến sinh sống và làm việc. Do đó, một vài trường tiểu học có sĩ số lớp đến 50 học sinh cũng không phải cá biệt. Có một số trường tiểu học, sĩ số lên đến gần 60 em, bàn ghế kê gần như kín lớp, không gian trong lớp trở nên chật chội, việc đi lại trong lớp trở nên rất khó khăn, môi trường học tập cho học sinh không thực sự thuận lợi. Và vì vậy, việc quản lý lớp của giáo viên là vô cùng vất vả.

Ở bậc THCS, sĩ số lớp thường dao động từ 40 đến 45 học sinh. Các trường ở khu vực trung tâm thành phố thường có sĩ số cao hơn so với các khu vực ngoại thành. Ở bậc THPT, sĩ số lớp thường nằm trong khoảng từ 35 đến 40 học sinh. Một số lớp có sĩ số cao hơn, đặc biệt ở các trường có uy tín và tuyển sinh đông.

Một số giải pháp khắc phục

Để khắc phục tình trạng trên, nhiều năm qua, thành phố có nhiều nỗ lực xây dựng thêm trường học và mở rộng cơ sở vật chất. Tính đến ngày 31-7-2024, TP.HCM đã khánh thành 12 ngôi trường với tổng cộng 325 phòng học mới, sẵn sàng đưa vào sử dụng ngay đầu năm học mới 2024-2025. Trong đó, riêng Q.Bình Tân đã khánh thành được 7 trường công lập mới, gồm 1 trường mầm non, 5 trường tiểu học và 1 trường THCS với 204 phòng học mới, nâng tổng số phòng học ở quận lên 4.061 phòng (công lập là 2.131 phòng).

Tính chung, trong năm 2024, thành phố sẽ đưa vào sử dụng 23 dự án với 476 phòng học mới với tổng mức đầu tư hơn 2.237 tỷ đồng. Trong đó, ngày 5-9, thành phố sẽ đưa vào sử dụng 18 dự án với 413 phòng học mới với tổng mức đầu tư hơn 1.970 tỷ đồng. Số trường lớp mới này góp phần đáng kể vào giảm sĩ số, tăng chất lượng giảng dạy cho các địa phương. Bên cạnh đó, thành phố cũng tăng cường tuyển dụng giáo viên, nhằm bổ sung giáo viên nghỉ hưu, chuyển công tác khác và nhằm đảm bảo tỷ lệ giáo viên/học sinh hợp lý, giúp giảm tải công việc cho giáo viên, từ đó nâng cao chất lượng dạy học.

Trong năm học 2024-2025, TP.HCM cần tuyển 4.013 giáo viên cho các bậc học từ mầm non đến THPT. Trong đó, bậc mầm non cần tuyển 691 giáo viên, tiểu học cần 1.386 giáo viên, THCS cần 1.588 giáo viên, THPT cần  263 giáo viên và các trường chuyên biệt cần tuyển 85 giáo viên. Thế nhưng, số giáo viên trúng tuyển chỉ đạt khoảng 50% so với nhu cầu, thậm chí có môn học không có ứng viên. Nhiều môn như mỹ thuật, âm nhạc, tiếng Anh… còn thiếu nhiều giáo viên.

Hướng đến giảm áp lực cho giáo viên

Tại TP.HCM, vấn đề sĩ số học sinh đông đúc trong các lớp học đang trở thành một thách thức lớn đối với hệ thống giáo dục, đặc biệt là ở bậc tiểu học. Sĩ số học sinh cao không chỉ làm tăng áp lực cho giáo viên mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giảng dạy và sự phát triển toàn diện của học sinh. Để giải quyết vấn đề này, cần áp dụng một số giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Đó là tiếp tục xây dựng thêm trường học mới và mở rộng các cơ sở hiện tại là một giải pháp căn bản và quan trọng. Cần ưu tiên đầu tư vào việc xây dựng các lớp học mới để giảm số học sinh trong mỗi lớp. Chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan nên thực hiện quy hoạch đồng bộ và phân bổ ngân sách hợp lý cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục. Trong đó, cần chú trọng ở các khu vực vùng ven, nơi đang đô thị hóa nhanh, có số dân nhập cư nhiều, quỹ đất công còn lớn như TP.Thủ Đức, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh… Đó là không ngừng ứng dụng công nghệ vào giảng dạy. Điều này có thể hỗ trợ giáo viên trong việc quản lý lớp học và cung cấp tài liệu học tập phong phú. Các nền tảng học trực tuyến và các công cụ học tập điện tử có thể giúp giảm bớt khối lượng công việc cho giáo viên và tạo điều kiện cho việc học tập hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cần đảm bảo cơ sở hạ tầng công nghệ và đào tạo cho giáo viên để sử dụng công nghệ một cách hiệu quả. Đó là các phương pháp dạy học tích cực và sáng tạo, chẳng hạn như dạy học theo nhóm nhỏ hoặc theo dự án, có thể giúp giáo viên quản lý lớp học hiệu quả hơn và giảm áp lực. Trong đó, nên tạo điều kiện để học sinh có sự chủ động hơn trong học tập, từ việc nghiên cứu bài trước, tự tìm tư liệu, trình bày kết quả tìm hiểu của mình cho đến đổi mới cách thức kiểm tra đánh giá. Việc áp dụng các phương pháp này không chỉ tạo ra môi trường học tập tích cực mà còn giúp học sinh phát triển các kỹ năng hợp tác, giao tiếp và giải quyết vấn đề.

Đó là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình, từ đó tạo điều kiện giảm áp lực cho giáo viên. Các hoạt động phối hợp này có thể bao gồm việc tổ chức các buổi họp phụ huynh, cung cấp thông tin về tiến độ học tập và khuyến khích sự tham gia của phụ huynh trong quá trình học tập của con em họ. Khi phụ huynh chủ động tham gia, giáo viên có thể tập trung hơn vào việc giảng dạy và hỗ trợ học sinh. Đó là tăng cường áp dụng chế độ lớp học bán trú. Giải pháp này có thể giúp giảm tải cho các lớp học chính thức và tạo cơ hội cho học sinh tham gia các hoạt động học tập bổ trợ. Chế độ này không chỉ giúp giảm sĩ số trong lớp học chính mà còn hỗ trợ học sinh trong việc phát triển kỹ năng xã hội và cảm xúc.

Tóm lại, việc giảm sĩ số học sinh trong các lớp học tại TP.HCM không chỉ là một mục tiêu quan trọng mà còn là một thách thức lớn. Cần phải có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, giáo viên và phụ huynh để triển khai các giải pháp hiệu quả. Khi sĩ số học sinh giảm bớt và áp lực cho giáo viên được giảm, chất lượng giáo dục sẽ được nâng cao, góp phần phát triển toàn diện cho học sinh và nâng cao hiệu quả giáo dục.

Nguyễn Minh Hải

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)