Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giảm bậc thang giá điện sinh hoạt: Người dùng nhiều hưởng lợi?

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo sư – viện sĩ Trần Đình Long, phó chủ tịch Hội Điện lực VN, cho rằng giảm số bậc thang điện sinh hoạt rất có thể người sử dụng nhiều điện sẽ hưởng lợi.

Nhân viên điện lực lắp đặt hệ thống điện cho hộ gia đình ở xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long - Ảnh: Thúy Hằng
Nhân viên điện lực lắp đặt hệ thống điện cho hộ gia đình ở xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long – Ảnh: Thúy Hằng

Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh phương án giảm số bậc thang điện sinh hoạt từ sáu hiện nay xuống còn ba, giáo sư – viện sĩ Trần Đình Long, phó chủ tịch Hội Điện lực VN, cho rằng rất có thể người sử dụng nhiều điện sẽ hưởng lợi.

Ông Long nói: “Về nguyên tắc, việc giảm số bậc thang sẽ vẫn phải đảm bảo tổng số tiền điện sinh hoạt mà người dân cần nộp không đổi, trung bình giá điện bán cho các hộ tiêu dùng điện vẫn phải bằng mức giá điện bình quân.

Chỉ có thay đổi là một số người dùng sẽ được tính tiền theo mức giá khác đi, bởi sẽ phải gộp các bậc thang vào với nhau và giá của từng bậc cũng thay đổi. Rất có thể người đang sử dụng nhiều điện sẽ có lợi hơn”.

* Vậy đối tượng nào sẽ chịu thiệt nhiều nhất nếu giảm bậc thang giá điện sinh hoạt?

– Trước hết, tôi cho rằng giá điện bậc thang là công cụ để Nhà nước điều tiết nhằm tránh lãng phí, bởi càng sử dụng nhiều giá điện càng cao.

Hay nói cách khác, chúng ta không khuyến khích sử dụng điện nhiều. Với sáu bậc như hiện nay, có thể phân biệt rõ hơn các đối tượng dùng điện và người nghèo được hỗ trợ tốt hơn.

Ngoài ra, người sử dụng ít, giá điện thấp hơn. Chẳng hạn, ngay cả khi tăng giá điện, mức tăng giá ở bậc thang đầu tiên (từ 0 đến 50 kWh/tháng) cũng rất ít. Bậc thang thứ hai cũng thường có mức giá thấp hơn giá bán điện bình quân nên người nghèo cũng “dễ thở” hơn. Nếu chỉ còn ba bậc thang, sự phân biệt ít đi và đối tượng thu nhập trung bình có thể sẽ chịu thiệt nhiều nhất.

* Vậy theo ông, nếu giảm còn ba bậc phải tính toán thế nào để tránh chuyện người giàu được giảm giá còn người nghèo, thu nhập chưa cao lại phải “gánh”?

– Để tính toán phải có số liệu hết sức cụ thể xem số người dùng điện ở các bậc thang hiện nay như thế nào. Mỗi bậc thang từ bao nhiêu kWh đến bao nhiêu kWh phải tính rất kỹ. Nhưng theo tôi, bậc đầu tiên nên có tính ưu đãi, hỗ trợ. Nếu có tăng giá điện, chẳng hạn như tăng 7,5% vào ngày 16-3 vừa qua, bậc thang này chỉ nên tăng ở mức thấp hơn.

Nếu chỉ còn ba bậc thang, bậc thang giữa rất quan trọng vì thường nhiều người dùng và đem lại doanh thu lớn cho ngành điện. Do đó, cơ quan chức năng cần phải xem mức tiêu dùng bình thường là bao nhiêu để ấn định điểm đầu và điểm cuối của bậc này, đặc biệt là mức giá.

Còn bậc thang cuối cùng, tức là bậc tiêu dùng trên mức bình thường, phải có giá cao để bù lại những ưu đãi đã có trong các bậc thang trước. Tóm lại, đây là bài toán cân bằng, có tổng số tiền không đổi, chỉ phân đối tượng nào chịu bao nhiêu mà thôi.

* Các nước họ có áp dụng bậc thang nhiều bậc như ở VN không? Theo ông, có nên giảm số bậc thang vào thời điểm này?

– Có một số nước áp dụng chỉ một bậc thang. Tuy nhiên, rất nhiều nước áp dụng nhiều bậc thang. Ví dụ như Pháp, họ chia rất nhiều bậc và từng đối tượng nhằm đảm bảo mức công bằng, hợp lý và đúng chính sách xã hội 
của họ hơn.

Theo tôi, chính sách xã hội chỉ đảm bảo khi đúng đối tượng. VN cần xác định mức sử dụng điện trung bình cho một gia đình để áp đặt giá chấp nhận được, không bắt những người này bù đắp cho các đối tượng khác, đặc biệt là người có thu nhập thấp phải 
được ưu ái hơn.

Còn tiến tới một bậc thang, theo tôi, chỉ trong trường hợp cung hoàn toàn đáp ứng thoải mái cầu, cần bao nhiêu cấp bấy nhiêu, coi tất cả đối tượng như nhau. VN thì chưa nên. Hiện tại VN đang thiếu tài nguyên, cần có điều tiết, tránh sử dụng phí phạm. Tóm lại, theo tôi, nên tính toán kỹ và hợp lý, xem bao nhiêu bậc trong điều kiện ở VN là thích hợp rồi giữ ổn định thay vì thay đổi xoành xoạch.

Đang tính toán

Trả lời câu hỏi liệu việc giảm bậc thang giá điện sẽ giúp người dùng nhiều điện giảm tiền điện phải trả, ông Nguyễn Anh Tuấn – cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (ERAV), Bộ Công thương – cho rằng chưa thể khẳng định được điều này.

Theo ông Tuấn, khi điều chỉnh số bậc thang điện sinh hoạt, chắc chắn có đối tượng sẽ tăng tiền điện lên và ngược lại, nên ERAV vẫn đang nghiên cứu, tập hợp số liệu xem tác động của biểu giá điện sinh hoạt mới với bậc thang rút gọn đến từng đối tượng người dân để đưa ra đề xuất…

Theo TTO

Bình luận (0)