Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Giảm các yếu tố tác động đến tử vong mẹ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Qua phân tích các yếu tố liên quan đến tử vong mẹ là: Nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế, năng lực cán bộ y tế tại các tuyến còn thiếu và yếu. Ngoài ra còn có một số yếu tố khác liên quan như: Nhân khẩu học, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, dân tộc, phong tục, tập quán… cũng đã tác động không nhỏ đến tỷ lệ tử vong mẹ thời gian qua.


Nhân viên trạm y tế xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà (Ðiện Biên) tư vấn chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em.  Ảnh: DƯƠNG NGỌC  

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản (SKSS), có hai nguyên nhân chính dẫn đến tử vong mẹ là: nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp. Nguyên nhân trực tiếp là những bệnh tật hoặc biến chứng chỉ xảy ra khi mang thai và sinh đẻ như: băng huyết; nhiễm khuẩn sau đẻ; sản giật; đẻ khó… Nguyên nhân gián tiếp là những bệnh tật mắc phải có thể từ trước hoặc trong khi mang thai nhưng bị tình trạng thai nghén làm cho trầm trọng thêm dẫn đến tử vong như: bệnh tim; lao; viêm gan; sốt rét… Ở Việt Nam, nguyên nhân tử vong trực tiếp gây tử vong mẹ chủ yếu là do băng huyết (từ 34,7 đến 43,4%), sản giật (từ 10,7 đến 18,4%), nhiễm khuẩn (từ 7 đến 14,3%), tắc ối (từ 4,1 đến 4,9%), còn lại thuộc nguyên nhân gián tiếp gây ra.
Theo thống kê các yếu tố về văn hóa, phong tục, tập quán, sự đói nghèo, trình độ văn hóa, đi lại khó khăn, số lần sinh con, độ tuổi sinh con, nghề nghiệp…, cũng góp phần làm cho tỷ lệ tử vong tăng cao. Theo số liệu điều tra của Bộ Y tế cho thấy, nhóm phụ nữ có tỷ suất tử vong thấp nhất trong độ tuổi từ 20 đến 24 và 25 đến 34 tuổi (51 và 67/100 nghìn ca sinh sống), trong khi đó tỷ suất tử vong mẹ tăng dần theo độ tuổi, cao nhất là đối với phụ nữ ở độ tuổi trên 44 (2.578/100 nghìn ca sinh sống). Xu hướng tử vong mẹ giảm dần theo mức độ tăng trình độ học vấn, nếu như đối với nhóm các bà mẹ mù chữ, hoặc chỉ biết đọc, biết viết tỷ suất tử vong mẹ lên đến 299/100 nghìn ca sinh, thì đối với nhóm các bà mẹ có trình độ THPT trở lên chỉ là 22/100 nghìn ca sinh sống. Về nghề nghiệp, tỷ suất tử vong đối với phụ nữ nông thôn hoặc lâm nghiệp là 112/100 nghìn ca sinh sống, tỷ suất này cao hơn rất nhiều so với những phụ nữ làm nghề nghiệp khác như làm công ăn lương, buôn bán, dịch vụ, nội trợ là 24/100 nghìn ca sinh sống. Tỷ suất tử vong mẹ của nhóm dân tộc thiểu số là 107/100 nghìn ca sinh sống so với các phụ nữ thuộc nhóm dân tộc Kinh với tỷ suất chỉ là 39/100 nghìn ca sinh sống. Tử vong mẹ do nhận thức hạn chế và tập quán lạc hậu của người dân chiếm tới 46,7%, nhiều nhất là do thai phụ/sản phụ tự điều trị tại nhà hoặc không điều trị khi có các dấu hiệu bất thường.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, với mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, duy trì mức sinh hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số và phân bố dân số, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ðể thực hiện thành công những mục tiêu đã đề ra, trong đó có mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản xuống còn 58,3/100 nghìn trẻ đẻ sống vào năm 2015 và xuống còn 52/100 nghìn vào năm 2020.
Thời gian tới, ngành y tế triển khai các biện pháp hạn chế và khắc phục nhưng yếu tố tác động đến tỷ số tử vong như: Ðầu tư, kiện toàn mạng lưới cung cấp dịch vụ theo phân tuyến kỹ thuật, tập trung vào những vùng khó khăn, bảo đảm cung cấp các gói dịch vụ dân số, chăm sóc SKSS thiết yếu ở tất cả các tuyến, nhất là tuyến cơ sở. Nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc hoàn thiện các quy định, quy trình kỹ thuật, nâng cấp cơ sở hạ tầng, bổ sung trang thiết bị, nguồn nhân lực, cũng như tập huấn, cập nhật kiến thức cho đội ngũ những người cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khỏe. Tăng cường thông tin, giáo dục nhằm nâng cao kiến thức cho phụ nữ  trong độ tuổi 15 đến 49 tuổi, gia đình và cộng đồng về làm mẹ an toàn, trong đó tập trung vào việc cung cấp những thông tin về các dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai, khi sinh và sau sinh. Tập trung truyền thông vào nhóm người mù chữ, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Theo KHÁNH HUY
(NDDT)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)