Y tế - Văn hóaDinh dưỡng học đường

Giảm cân nhanh và bom từ người nổi tiếng

Tạp Chí Giáo Dục

Từ năm 2011 đến nay, gần 200 sản phẩm giảm cân FDA bắt được đều chứa các chất cấm trên, nhưng người tiêu dùng vẫn như “thiêu thân” lao vào dùng mà không hề ý thức mình đang rước họa vào thân.

Những ngày qua, truyền thông Hàn Quốc đồng loạt đưa đậm những thông tin động trời về sản phẩm trà giảm cân Vy&Tea (sản xuất và nhập khẩu từ Việt Nam). Tiếp tay cho những sản phẩm độc hại, kém chất lượng tràn ngập thị trường, không thể không nhắc đến những người nổi tiếng.

Chất cấm nguy hại 

Vài tháng trước, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, cơ quan này đã nhận được thông tin từ Đại sứ quán Hàn Quốc, thông báo về việc lô hàng trà thảo mộc nhãn hiệu Vy&Tea của Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ thương mại Hà Vy (Công ty Hà Vy), nhập vào Hàn Quốc, bị phát hiện có chất Sibutramine và Phenolphthaleine – vốn là những chất cấm sử dụng trong thực phẩm.

Giam can nhanh va bom tu nguoi noi tieng

Theo truyền thông Hàn Quốc, nước này đã cấm hoàn toàn sản phẩm này trên thị trường. Cục An toàn thực phẩm Việt Nam cũng đã thành lập đoàn kiểm tra và quyết định tạm dừng lưu thông, thu hồi lô sản phẩm Trà thảo mộc Vy&Tea của Công ty Hà Vy.

Hà Vy đã phủ nhận nguồn gốc sản phẩm, cho rằng đó là sản phẩm giả – động thái tương tự cách công ty Golean Detox từng làm khi bị Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phát hiện viên nang Golean Detox chứa chất độc hại Sibutramine và Phenolphthaleine. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Golean Detox đã ra thông báo tự nguyện thu hồi tất cả lô sản phẩm ở dạng viên nang, còn hạn sử dụng, trên toàn nước Mỹ. Thực tế, người dùng không hề biết những chất giúp họ giảm cân nhanh chóng là chất độc và họ đã thản nhiên đưa vào cơ thể mình.

Sibutramine là chất ức chế sự thèm ăn, đã bị rút khỏi thị trường Mỹ, vì những lo ngại về an toàn. Trong khi đó, Phenolphthaleine từng là thành phần được sử dụng trong thuốc nhuận tràng, nhưng vì lo ngại về nguy cơ ung thư, nó không còn được chấp nhận tại Mỹ. Từ năm 2011 đến nay, gần 200 sản phẩm giảm cân FDA bắt được đều chứa các chất cấm trên, nhưng người tiêu dùng vẫn như “thiêu thân” lao vào dùng mà không hề ý thức mình đang rước họa vào thân.

“Bom” từ người nổi tiếng

Bất chấp những thông tin từ Hàn Quốc, trang web trathaomocgiamcanvytea.com hiện vẫn còn nguyên danh sách dài hàng chục người nổi tiếng quảng bá cho sản phẩm này.

Ngày 19/4 vừa qua, hai nữ diễn viên Trung Quốc Zhao Dan và Guio Jing đã bị kết án tù vì bán thuốc giảm cân giả trên WeChat. Cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết, loại thuốc họ bán không được đăng ký và theo luật thì đây được gọi là thuốc giả.

Cả hai nữ diễn viên đều phạm tội với cùng cách thức: dùng uy tín của mình thu hút mọi người, thường xuyên livestream để tăng lượt tương tác và lấy mình làm hình mẫu để mọi người tin vào hiệu quả của thuốc giảm cân.

Người nổi tiếng hoặc không quan tâm, hoặc biết nội dung mình quảng cáo không đáp ứng chất lượng nhưng vẫn lao theo, vì số tiền béo bở được chi trả. Nàng rapper Cardi B, sau khi sinh con, cũng lên mạng xã hội quảng cáo cho một loại trà giảm cân. Hình ảnh hoàn hảo, gọn gàng và săn chắc của cô đầy sức thuyết phục với bất cứ ai. Tuy nhiên, Cardi B cũng như nhiều người nổi tiếng đang nỗ lực quảng cáo cho các loại thực phẩm, thuốc giảm cân đã bị Jameela Jamil “lột trần”.

Jamil từng gặp hội chứng rối loạn ăn uống và khi cô nhìn thấy những quảng cáo nhan nhản, bất chấp thật – giả từ những người nổi tiếng, cô đã quyết tâm nói ra sự thật. Trên trang cá nhân, Jamil viết: “Hãy cho chúng tôi mã giảm giá của những chuyên gia dinh dưỡng, đầu bếp cá nhân, huấn luyện viên cá nhân và cả những bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nữa mới đủ, những kẻ nói dối trắng trợn à”.

Một nhân vật khác bị Jameela Jamil công kích công khai là Kim Kardashian. Không khó để tìm được loại kẹo mút giảm cân mà Kim quảng bá trên Instagram, Twitter. Nhưng với Jamil – người hiểu quá rõ về hội chứng rối loạn ăn uống thì việc trông chờ vào những loại thực phẩm, thuốc giảm cân chỉ càng khiến người ta tăng rối loạn ăn uống. Jamil cũng chỉ ra sự thật rằng, để có một thân hình bốc lửa, Kim phải nỗ lực dao kéo rất nhiều và chẳng ai xác nhận được việc Kim có sử dụng sản phẩm kẹo mút cô quảng cáo hay không. Kim có một chuyên gia dinh dưỡng riêng, tên Calabasas và đây mới chính là người giúp cô có thân hình khỏe mạnh, gợi cảm bằng các chế độ ăn uống, luyện tập.

Giáo sư – bác sĩ Stephen Powis thuộc Cơ quan Y tế quốc gia Anh cho rằng, người dùng đang bị “dội bom” từ hình ảnh hoàn hảo của người nổi tiếng, đi kèm sản phẩm giảm cân. Ông cho rằng, cần có luật cấm người nổi tiếng dùng mạng xã hội để quảng cáo sản phẩm giảm cân.

Theo ông, người nổi tiếng luôn là hình mẫu lý tưởng nhiều người hướng đến và những lựa chọn của họ được mặc nhiên xem là lựa chọn đúng mà không cần kiểm tra lại. Việc người nổi tiếng ở nhiều quốc gia rầm rộ trở thành gương mặt đại diện, quảng bá cho các sản phẩm giảm cân, theo bác sĩ Stephen Powis, là mối nguy hại đến sức khỏe cộng đồng.

Thiên Như/Phunuonline

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)