Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giảm chỉ tiêu CĐ ở ĐH: “Cứu cánh” cho trường nghề?

Tạp Chí Giáo Dục

Sau bài viết Trường ĐH bắt đầu giảm chỉ tiêu CĐ số ra ngày 9-12, Giáo dục TP.HCM nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các trường CĐ và các chuyên gia giáo dục về vấn đề này.

Một tiết thực hành của sinh viên Trường CĐ Nghề Việt Nam – Singapore

Với dự thảo quy định việc xác giảm quy mô đào tạo và dần tiến tới tách bạch bậc CĐ khỏi các trường ĐH, các trường TC, CĐ khá phấn khởi nhưng vẫn cho rằng việc làm này khó “cứu cánh” được trường nằm trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp trước số lượng lớn các trường ĐH hiện nay.

Phân tầng mạnh mẽ hơn

Trường ĐH nhưng vẫn đào tạo bậc CĐ xuất phát từ việc “trăm hoa đua nở” của các trường đào tạo CĐ đi lên ĐH, đặc biệt là các trường CĐ cộng đồng trước đây. Tuy nhiên, các trường đào tạo CĐ đi lên ĐH chưa chuẩn bị hết nên hạn chế tuyển sinh, kể cả trường công lập. Vì vậy, các trường này đã tích cực tuyển sinh bậc CĐ từ nhiều năm nay.

Nếu đã xác định là trường ĐH, không còn là trường CĐ nữa thì phải tập trung đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, tập trung vào nghiên cứu để vận dụng vào thực tiễn là hàng đầu. Dù các trường ĐH đào tạo hướng nghiên cứu hay thực hành thì mục đích thực hành cũng phải cao hơn CĐ. Hiện nhiều trường ĐH vẫn đang lơ lửng giữa nghiên cứu và thực hành nên sinh viên ra trường bậc cao không với tới, thấp cũng không xong. Nhiều doanh nghiệp tuyển sinh viên ĐH giao việc làm cao hơn thì không làm được, thấp thì họ lại không làm. Bởi vậy mới dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ, hàng ngàn cử nhân thất nghiệp như hiện nay.

Từ những lý do này, tôi cho rằng việc chấm dứt đào tạo bậc CĐ ở trường ĐH là cần thiết. Tuy nhiên, để đào tạo phù hợp với nhu cầu nhân lực hơn nữa tôi cho rằng cần có sự phân tầng rõ ràng hơn giữa các bậc đào tạo, ĐH nên đào tạo ngành gì, CĐ đào tạo ngành gì và TC đào tạo ngành gì? Hiện có một số ngành CĐ không đào tạo được nhưng cũng có một số ngành không cần phải đào tạo đến bậc ĐH. Chẳng hạn như giao dịch viên, nhân viên bán hàng… thì không cần thiết phải đào tạo ĐH mà chỉ đào tạo bậc thấp hơn, thậm chí là đào tạo nghề ngắn hạn…

(Ông Trần Thanh Hải
– Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông)

Cần phân chia lại chỉ tiêu đào tạo từng bậc

Việc giảm chỉ tiêu đào tạo bậc CĐ ở các trường ĐH để dần tách bậc này ra khỏi ĐH mang một ý nghĩa lớn khi các trường đào tạo được chuyên môn hóa, không ôm đồm như ngày xưa mà bậc nào đào tạo bậc nấy để nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, việc cắt giảm chỉ tiêu đào tạo CĐ ở trường ĐH thì các trường TC cũng khó tuyển sinh được.

Cả nước hiện có hơn 370 trường ĐH, CĐ. Nếu tính bình quân mỗi năm các trường này tuyển khoảng 3.000 thí sinh thì hệ thống này cũng tuyển hơn 1,1 triệu thí sinh. Trong khi đó, mỗi năm cả nước chỉ có hơn 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT, đó là chưa kể số học sinh đi du học hoặc tham gia ngay vào thị trường lao động. Như vậy, quy mô các trường ĐH mỗi năm có khoảng 5.000-6.000 sinh viên là vừa, trong khi theo dự thảo quy định tối đa là 15.000 sinh viên thì các trường ĐH cũng không tuyển đủ nói gì đến TC, CĐ.

Tôi cho rằng dự thảo tách dần đào tạo CĐ ra khỏi ĐH là phù hợp thì nên có sự phân chia rõ ràng, hợp lý chỉ tiêu đào tạo theo từng bậc. Có thể chia theo hình tháp như bậc ĐH đào tạo khoảng 25-30%, CĐ khoảng 35%, TC và các lớp đào tạo nghề ngắn hạn khoảng 40% để phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.

(Ông Đặng Văn Sáng
– Hiệu trưởng Trường TC Ánh Sáng)

Bộ nên hậu kiểm chặt chẽ chỉ tiêu

Việc các trường ĐH cắt giảm đào tạo bậc CĐ là điều kiện thuận lợi cho các trường CĐ tiếp cận với số lượng học sinh vào CĐ nhưng cơ hội tiếp cận không nhiều. Tâm lý phụ huynh là chạy đua theo bằng cấp, muốn con vào ĐH. Trong khi đó, số lượng các trường ĐH ngày càng nhiều, phương thức tuyển sinh lại có phần dễ hơn những năm trước nên đa số các em đều đăng ký vào ĐH. Vì vậy, dù nhiều trường ĐH đã chủ động giảm chỉ tiêu đào tạo CĐ thì các trường CĐ trong những năm gần đây vẫn khó tuyển sinh. Theo tôi, cơ sở đào tạo từ TC đến ĐH còn nhiều, Bộ GD-ĐT nên rà soát lại, đồng thời đã xác định chỉ tiêu tuyển sinh thì phải có khâu hậu kiểm chặt chẽ có chính xác hay không…?

(Ông Nguyễn Lê Đình Hải
– Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nguyễn Trường Tộ)

Minh Châu (ghi)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)