Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia vừa được Quốc hội thông qua.
Quốc hội vừa quyết định điều chỉnh giảm diện tích đất trồng lúa từ 3,22 triệu ha xuống còn gần 3,13 triệu ha – Ảnh: Chí Quốc |
Theo đó, Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm diện tích đất trồng lúa từ 3,22 triệu ha xuống còn gần 3,13 triệu ha, giảm gần 93.000 ha; đất rừng sản xuất từ hơn 8,1 triệu ha được nâng lên gần 9,3 triệu ha, tăng hơn 1,1 triệu ha.
Nghị quyết cũng quy định rõ diện tích đất dành cho khu công nghệ cao là 3,63 nghìn ha; đất cho khu kinh tế gần 1,59 triệu ha; đất đô thị hơn 1,9 triệu ha.
Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ thời gian qua “việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn còn một số hạn chế, bất cập.
Chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn thấp; tính liên kết vùng chưa đạt yêu cầu, quản lý quy hoạch còn yếu; việc chấp hành pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch chưa nghiêm; tình trạng sử dụng đất sai mục đích, lãng phí, kém hiệu quả còn xảy ra ở nhiều nơi; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa kịp thời gây bức xúc trong nhân dân”.
Quốc hội yêu cầu “sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả; duy trì quỹ đất trồng lúa hợp lý nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang diễn biến nhanh hơn dự báo; tăng cường, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai”.
“Xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt; quản lý chặt chẽ diện tích đất trồng lúa được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bảo đảm khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa được”.
Vẫn theo nghị quyết, Quốc hội lưu ý: “Điều tiết phân bổ nguồn lực bảo đảm lợi ích giữa các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp với các địa phương giữ nhiều đất trồng lúa; tăng đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến, tiêu thụ lúa hàng hóa tại các địa phương giữ nhiều đất trồng lúa; có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất”.
“Điều tra, đánh giá thực trạng đất sản xuất nông nghiệp bỏ hoang; hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý đất đai, chính sách tài chính về đất đai để khuyến khích việc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, tránh bỏ hoang gây lãng phí đất đai”.
“Chỉ đạo điều tra, đánh giá tình hình đất đai bị xâm nhập mặn, tình trạng khô hạn, đất đai bị bỏ hoang không sản xuất được để có các giải pháp kịp thời giúp người dân chủ động trong việc ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phân bố dân cư, phát triển cơ sở hạ tầng và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi một cách bền vững”.
Đồng thời, nghị quyết cũng nêu rõ: “Thực hiện thủ tục hành chính về đất đai công khai, minh bạch; bố trí đủ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ cho công tác đăng ký đất đai điện tử, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.
Quốc hội giao “Thủ tướng Chính phủ phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; chỉ đạo công tác điều chỉnh quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của các địa phương và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh”.
LÊ KIÊN/TTO
Bình luận (0)