Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giảm đầu tư công, tăng đầu tư tư

Tạp Chí Giáo Dục

Chủ trương cắt giảm đầu tư công được đề ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đang được thực hiện với những kết quả ban đầu. Về cơ bản và lâu dài, đây cũng là cơ hội để tăng đầu tư của tư nhân, thực hiện việc chuyển đổi mô hình phát triển, cơ cấu lại vốn đầu tư xã hội, nhằm phát triển đất nước một cách bền vững.

Đầu tư công: thành tựu lớn, nhưng giá quá đắt
Đầu tư công hiện nay ở nước ta bao gồm bốn nguồn chính: ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, tín dụng đầu tư của Nhà nước và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Trong nhiều năm qua, đầu tư công thường chiếm khoảng 40% tổng vốn đầu tư toàn xã
hội.

Công trình nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 5 từ cầu Chui, Hà Nội đi cảng Chùa Vẽ, Hải Phòng với tổng chiều dài 106km là một trong những công trình đầu tư có tổng vốn đầu tư bổ sung nhiều lần lên tới hàng ngàn tỉ đồng, đã để xảy ra nhiều vi phạm gây thất thoát tiền của Nhà nước

Chúng ta khẳng định rằng trong những năm đầu đổi mới, để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế – xã hội đất nước, việc duy trì đầu tư công là cần thiết, và trong thực tế, đầu tư công đã góp phần quan trọng tăng cường cơ sở vật chất – kỹ thuật bảo đảm cho tăng trưởng kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân, làm thay đổi bộ mặt đất nước.

Song điều đáng tiếc là hiệu quả kinh tế của không ít dự án đầu tư công còn rất hạn chế. Đầu tư dàn trải, chồng chéo, thiếu đồng bộ giữa các dự án, chất lượng thấp…là tình trạng khá phổ biến; có công trình lại gây ô nhiễm môi trường, xâm phạm di tích văn hóa, lịch sử cần gìn giữ.
Hệ số ICOR của đầu tư công lên tới 7-8, cao hơn nhiều so với đầu tư tư nhân và đầu tư của nước ngoài. Không ít nhà máy mua về những thiết bị công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng (như than cho sản xuất điện, điện cho sản xuất thép), năng suất thấp và
làm ra những sản phẩm chất lượng thấp.
Đường sá thường chóng hư hỏng, xuống cấp chỉ sau ít năm sử dụng (thậm chí chỉ sau thời gian ngắn, như một số đường xây dựng vội vàng để kịp lễ kỷ niệm); tình trạng đầu tư không đồng bộ, “cầu chờ đường” gây lãng phí lớn (ở TP. Hồ Chí Minh, cầu Phú Mỹ, cầu Gò Dưa và cầu Thủ Thiêm xây dựng xong từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa sử dụng tốt vì còn thiếu đường nhánh vào cầu là một ví dụ).
Việc phân cấp, phân quyền đầu tư cho các địa phương, cơ sở kinh tế mà thiếu sự kiểm soát lại gây ra tình trạng đầu tư dàn trải trầm trọng hơn, đôi khi đầu tư không vì mục đích kinh tế. Địa phương đua nhau xây dựng công nghiệp tràn lan (xây dựng nhà máy đường, luyện cán thép, xi măng, cảng biển,…), phá vỡ quy hoạch và cơ cấu của nền kinh tế.
Tập đoàn kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước mở rộng quy mô, đẻ thêm “con”, “cháu”, đua nhau đầu tư ngoài ngành mà không chịu trách nhiệm về hiệu quả. Cơ quan quản lý cấp trên không còn vai trò kiểm soát thực tế đối với các dự án đầu tư của địa phương và doanh nghiệp nhà nước.
Ví dụ điển hình là dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội năm 2008, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị dừng đầu tư, nhưng UBND TP. Hà Nội vẫn cứ đầu tư, kết quả là công trình hàng trăm tỉ đồng xây xong mà sử dụng chưa được bao nhiêu.
Đầu tư công thiếu sự giám sát chặt chẽ đang là một lĩnh vực xảy ra tham nhũng nghiêm trọng. Ăn “đất” và ăn “dự án” đang là hai dạng tham nhũng chủ yếu làm hư hỏng không ít cán bộ có chức quyền, tạo cơ hội cho họ thu về những lợi ích vật chất không chính đáng, gây ra bất công xã hội, làm xói mòn niềm tin của dân đối với Nhà nước.
Tóm lại, có thể nói không ít công trình đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước tuy có đem lại kết quả song đã phải trả bằng một giá quá đắt: không chỉ là sự lãng phí lớn tiền bạc của dân (thông qua tiền thuế do dân đóng góp), gây méo mó về cơ cấu của nền kinh tế mà còn gây ra sự suy giảm nền tảng đạo đức xã hội, niềm tin của dân.
Trách nhiệm chính của tình trạng này là ở các cơ quan có quyền lực xét duyệt dự án đầu tư cũng như cơ quan có trách nhiệm thẩm định, giám sát và cơ quan thi công. Đã đến lúc không thể kéo dài tình trạng này nếu muốn bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Vừa qua, thực hiện Nghị quyết 11, đã cắt giảm được 3.400 tỉ đồng; nếu so với 197.000 tỉ đồng đầu tư công (mới chỉ gồm chi ngân sách và trái phiếu, chưa kể đầu tư của doanh nghiệp nhà nước), thì rõ ràng con số này còn quá nhỏ. Thực tế cho thấy: trong tình hình hiện nay, cắt giảm đầu tư công là một việc vô cùng khó khăn, phải có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa.
Cơ cấu lại vốn đầu tư xã hội
Cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11 không chỉ là một biện pháp tình thế mà cần được đặt trong tổng thể quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại vốn đầu tư xã hội góp phần nâng cao sự bền vững của kinh tế đất nước. Cần giảm mạnh hơn nữa đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, tăng mạnh đầu tư bằng nguồn vốn của kinh tế tư nhân.
Đầu tư công chiếm tỷ trọng quá lớn trong ngân sách tất yếu dẫn đến hạn chế chi tiêu cho dịch vụ công, sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế; đây là một vấn đề lớn trong cơ cấu thu, chi ngân sách nhà nước cần được phân tích một cách nghiêm túc.
Trong lúc ngân sách có hạn, để bảo đảm chi tiêu, lại phải phát hành trái phiếu và vay bên ngoài, thế nhưng lãi suất trái phiếu phải đủ sức thu hút người mua, còn vay nước ngoài thì ODA sẽ dần dần giảm bớt, phải chuyển sang vay thương mại với lãi suất cao và điều kiện khó khăn hơn.
Bội chi ngân sách cũng không phải là không có giới hạn. Bội chi ngân sách quá lớn và nợ công quá nhiều sẽ dẫn đến những hệ quả xấu cho nền kinh tế, để lại nợ nần khó trả cho thế hệ sau.
Trước mắt, đầu tư công quá lớn và kém hiệu quả đang là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lạm phát; muốn thực sự chống lạm phát, không thể không cắt giảm mạnh đầu tư công.
Đầu tư công quá rộng tất sẽ không còn đường cho đầu tư tư nhân, hạn chế việc tiếp cận nguồn vốn và đất đai cho khu vực này và cuối cùng là hạn chế việc phát huy nguồn lực đang còn rất dồi dào của kinh tế tư nhân cho phát triển đất nước.
Đầu tư công phải được tập trung vào những công trình cần thiết đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, theo quy hoạch tổng thể phát triển đất nước, khắc phục tình trạng chạy theo lợi ích cục bộ, địa phương hoặc nhóm lợi ích, gây ra chồng chéo, lãng phí: đầu tư của địa phương và doanh nghiệp nhất thiết phải theo quy hoạch ngành, bố trí hợp lý giữa ngành và lãnh thổ; chú trọng các biện pháp bảo vệ môi trường.
Thực tế cho thấy đó là những vấn đề cần được cân nhắc, tính toán để đầu tư công đạt hiệu quả; song đó cũng là những vấn đề thường được thông qua một cách dễ dãi, đôi khi hình thức.
Chủ trương đầu tư, do đó, phải được cân nhắc thật kỹ lưỡng, toàn diện cả về kinh tế và xã hội, xem có cần phải đầu tư ngay hoặc có thể lùi lại thời gian sau, nhất là xem có nhất thiết phải đầu tư bằng vốn nhà nước hoặc có thể chuyển sang mời gọi tư nhân đầu tư.
Mỗi chủ trương đầu tư công phải được giám sát thật chặt chẽ, qua điều trần tại Quốc hội, HĐND các cấp và qua công bố công khai để được sự góp ý của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội dân sự.
Để việc báo cáo, điều trần được thực hiện một cách thực chất, tránh hình thức, những số liệu, tài liệu báo cáo phải thực sự trung thực, minh bạch, chính xác, khắc phục tình trạng khi trình dự án thì hiệu quả của dự án bị khuếch đại, đôi khi hiệu quả xã hội được cường điệu hơn là hiệu quả kinh tế (như giải quyết được bao nhiêu việc làm, tác động xóa đói giảm nghèo…) hoặc dựa vào ý nghĩa to lớn chào mừng ngày lễ, ngày kỷ niệm mà xem nhẹ tác dụng thiết thực của công trình.
Cũng cần cảnh giác tình trạng dự án đầu tư được thông qua do tác động của những nhóm lợi ích, tình trạng “chạy dự án” đang có nguy cơ lan rộng. Do đó, việc công bố công khai, minh bạch các dự án đầu tư công, thực hiện nghiêm túc quy trình đầu tư là rất cần thiết.
Trách nhiệm cá nhân của người quyết định đầu tư cũng cần làm rõ và có quy chế thực hiện. Không nên kéo dài tình trạng công trình đầu tư bằng vốn nhà nước được quyết định dễ dàng vì là “tiền chùa”, không có địa chỉ chịu trách nhiệm.
Cũng nên khắc phục tình trạng chủ trương đầu tư mang danh nghĩa là đã được tập thể lãnh đạo nhất trí thông qua, nhưng thực chất là bị sự chi phối của cá nhân có quyền lực để thu về lợi ích bất chính cho cá nhân hoặc phe nhóm hoặc tạo dấu ấn cá nhân trong nhiệm kỳ, dù hiệu quả đầu tư thấp cũng vẫn hạ cánh an toàn.
Quy định rõ trách nhiệm cá nhân sẽ buộc người quyết định đầu tư cân nhắc kỹ trước khi hạ bút ký, chắc chắn sẽ tăng thêm ý thức trách nhiệm, hạn chế được những dự án đầu tư công kém hiệu quả.
VŨ QUỐC TUẤN/ DNSG

Bình luận (0)