Từ năm 2023, tuyển sinh đại học, cao đẳng thay đổi theo hướng giảm dần điểm ưu tiên cho đến 0, khi tổng điểm thi 3 môn của tổ hợp dự xét đạt từ 22,5 điểm trở lên.
Việc giảm dần điểm ưu tiên nhằm đảm bảo công bằng cho thí sinh và không xảy ra tình trạng điểm chuẩn trên 30.
Tuy nhiên, thay đổi này có thể gây thiệt thòi cho thí sinh (TS) vùng khó khi xét tuyển tổ hợp có ngoại ngữ và toán, bởi vì, để đạt điểm cao các em phải nỗ lực rất lớn, có khi vượt hàng chục cây số để học thêm ngoại ngữ.
Thí sinh trong phòng thi môn toán kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại TP.HCM. ĐÀO NGỌC THẠCH
Chính sách ưu tiên tạo cơ hội học tập cho học sinh vùng khó
Theo xu hướng của thế giới, những năm gần đây, tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) nước ta giao cho các trường tự chủ, với nhiều phương thức xét tuyển: kết quả học tập cấp THPT, kết quả thi THPT, tuyển thẳng đối với học sinh giỏi, kết quả bài thi đánh giá năng lực, thi chuẩn hóa… và các yếu tố nhân thân khác, như người dân tộc, vùng khó khăn, con thương binh, liệt sĩ…
Điểm ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ là mức điểm nhà nước dành cho các TS diện đặc biệt thuộc một trong các đối tượng/khu vực. Điểm ưu tiên được cộng thêm vào số điểm thi của TS và là căn cứ để các trường xét tuyển. Mục tiêu cộng điểm ưu tiên là tạo sự công bằng cho các đối tượng/vùng miền, do điều kiện tiếp cận giáo dục phổ thông chưa đồng đều; mở ra cơ hội trúng tuyển ĐH cho những TS vùng khó, sau khi tốt nghiệp họ kiếm việc làm, phát triển cá nhân và góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Mức độ điểm ưu tiên giảm dần, cho thấy khoảng cách chất lượng giáo dục vùng miền ngày càng giảm. Trước năm 2003, TS được cộng nhiều nhất 3,0 điểm, giai đoạn 2004 – 2017, nhiều nhất là 1,5 điểm và từ 2018, nhiều nhất là 0,75 điểm. Cộng điểm ưu tiên chia làm 4 khu vực (KV): KV1 (vùng dân tộc và miền núi) là 0,75 điểm, KV2-NT (khu vực 2 nông thôn) là 0,5 điểm, KV2 là 0,25 điểm và KV3 (thành phố, thị xã) không được cộng điểm ưu tiên.
Dù đã nhiều lần điều chỉnh, nhưng cơ chế cộng điểm ưu tiên vẫn có nhiều ý kiến trái chiều. Theo các chuyên gia giáo dục, không nên bỏ điểm ưu tiên trong tuyển sinh vì điều kiện học tập ở các vùng/khu vực vẫn có sự chênh lệch, các vùng miền núi, hải đảo, nông thôn còn nhiều khó khăn về trường lớp, về giáo viên, về môi trường học tập, chất lượng đầu vào THPT thấp… Đặc biệt là thiếu giáo viên khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thứ hạng trung bình điểm các môn thi năm 2021 của 10 tỉnh tốp đầu, tốp cuối
Cộng điểm ưu tiên còn nhiều bất cập
Tuy nhiên, việc cộng điểm ưu tiên quá nhiều dẫn đến không công bằng cho những TS không có điểm ưu tiên. Năm 2021, nhiều ngành tại các trường ĐH tốp đầu ghi nhận điểm chuẩn cao “ngất ngưỡng”, không ít ngành trên 29 điểm, thậm chí là 30 hoặc trên 30 điểm. Chẳng hạn, với 30,34 điểm khối C00 (văn, sử, địa), TS là nữ mới đỗ vào ngành xây dựng lực lượng Công an nhân dân của Học viện Chính trị Công an nhân dân. Nếu không có điểm ưu tiên, TS nữ đạt mỗi môn 10 điểm vẫn trượt.
Hay như ngành Hàn quốc học của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) có điểm chuẩn 30/30 khối C00. Tức là, TS phải đạt 10 điểm/môn. Năm 2021 cả nước chỉ có 3 TS đạt điểm 10 môn văn, nên đa số TS đỗ vào ngành này đều có cộng điểm ưu tiên.
Đây là những bất hợp lý, nên cần phải tính toán cộng điểm ưu tiên phù hợp để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thay đổi điểm ưu tiên dựa vào dữ liệu
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, từ năm 2020, tỷ lệ TS có điểm cao tăng lên. Ở một số ngành/trường, có điểm chuẩn cao thì tỷ lệ TS không được ưu tiên trúng tuyển thấp, còn tỷ lệ TS có điểm ưu tiên trúng tuyển cao.
Phổ điểm “lạ” môn tiếng Anh Đáng chú ý, phổ điểm môn tiếng Anh năm 2021 có 2 đỉnh đại diện cho hai vùng riêng biệt: khu vực có điều kiện khó khăn ứng với đỉnh thứ nhất, ở quãng 3,2 – 4 điểm, và khu vực thuận lợi hơn với đỉnh thứ hai, ở quãng 8 – 9 điểm. Trong cùng một địa phương, môn tiếng Anh cũng có sự phân hóa. Chẳng hạn, phổ điểm tiếng Anh của Hà Nội năm 2021 cũng có 2 đỉnh. Đây là minh chứng cho thấy chênh lệch lớn về điều kiện dạy học, cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên, sự quan tâm đầu tư của phụ huynh và học sinh đối với môn ngoại ngữ của 2 khu vực khác nhau. Ở thành phố lớn có nhiều trung tâm ngoại ngữ, việc học thêm, luyện thi tiếng Anh tốt hơn nên có tới 43,1% số TS đạt từ 9 điểm trở lên tập trung ở 4 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và TP.HCM, trong khi 59 tỉnh còn lại chỉ chiếm 57%. |
Thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT cho thấy, nhóm TS không được cộng điểm ưu tiên chiếm 25%, luôn có tổng điểm 3 môn theo khối xét tuyển ĐH cao hơn hẳn so với các nhóm TS được cộng điểm ưu tiên. Sau khi cộng điểm ưu tiên như hiện tại, tỷ lệ TS có tổng điểm 3 môn dưới 22,5 của nhóm có cộng điểm ưu tiên gần bằng nhóm TS không được cộng điểm ưu tiên. Như vậy, cộng điểm ưu tiên gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH cho những TS có điều kiện học tập khó khăn hơn.
Phổ điểm môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021
Tuy nhiên, tỷ lệ TS đạt điểm cao, từ 22,5 điểm trở lên của nhóm được ưu tiên tăng vọt, cao hơn hẳn, thậm chí cao gấp đôi, so với nhóm TS không được ưu tiên. Điều này dẫn tới sự mất công bằng khi những TS không được cộng điểm ứng tuyển vào các ngành, trường có mức độ cạnh tranh cao.
Để tạo công bằng cho TS giữa các vùng/khu vực, Bộ GD-ĐT thay đổi cách tính điểm ưu tiên khu vực theo hướng giảm tuyến tính từ mức điểm gây mất công bằng. Điểm ưu tiên đối với TS đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về thang điểm 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ bắt đầu giảm dần đến 0 khi TS đạt tổng 30 điểm/3 môn. Điều chỉnh này đảm bảo công bằng và khắc phục tình trạng TS đạt điểm tuyệt đối vẫn không trúng tuyển.
Chênh lệch lớn môn ngoại ngữ, toán giữa vùng thuận lợi và khó khăn
Tuy vậy, thống kê của Bộ GD-ĐT đưa ra chưa xét đến các tổ hợp khác nhau của tuyển sinh ĐH. Tình trạng điểm chuẩn xấp xỉ hoặc trên 30 điểm chỉ xảy ra với các tổ hợp không có môn ngoại ngữ và toán. Đối sánh thứ hạng điểm các môn thi năm 2021 cho thấy, thứ hạng môn ngoại ngữ và toán có sự chênh lệch rất lớn giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn, trong khi các môn thi khác chênh lệch ít hơn.
Môn ngoại ngữ và toán của các tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển như: TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Nam Định, Ninh Bình, An Giang, Vĩnh Phúc… có thứ hạng trung bình điểm thi luôn cao hơn hẳn các tỉnh có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn như: Bắc Kạn, Lạng Sơn, Trà Vinh, Đắk Nông, Hậu Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang…
Học sinh các thành phố lớn có điều kiện thuận lợi hơn trong việc học ngoại ngữ. PHƯƠNG NHI
Các môn thi khác có sự chênh lệch ít hơn, một số địa phương thuận lợi nhưng xếp hạng các môn văn, sử, địa, GDCD, lý, hóa, sinh ở mức thấp. Chẳng hạn, TP.HCM có thứ hạng các môn: văn (thứ hạng 20), sử (10), địa (22), GDCD (19), lý (53), hóa (47), sinh (30). Bà Rịa-Vũng Tàu: văn (24), sử (36), địa (34), GDCD (23), lý (54), hóa (54), sinh (41). Hà Nội: văn (25), sử (39), địa (52), GDCD (47), lý (16), hóa (62), sinh (62). Đà Nẵng: văn (47), sử (62), địa (61), GDCD (54), lý (38), hóa (53), sinh (58)…
Trong khi một số tỉnh khó khăn nhưng thứ hạng các môn trên tương đối cao, như Bắc Kạn: văn (46), sử (11), địa (10), GDCD (18), lý (21), hóa (23), sinh (22). Điện Biên: văn (36), sử (26), địa (41), GDCD (52), lý (58), hóa (21), sinh (23).
Vì vậy, giải pháp cộng điểm ưu tiên phù hợp và công bằng nên là: điểm ưu tiên khu vực giảm tuyến tính từ mức tổng điểm là 22,5 trở lên và giảm dần đến 0 khi TS đạt tổng 30 điểm/3 môn đối với tất cả các tổ hợp. Riêng các tổ hợp có ngoại ngữ và toán, ưu tiên khu vực vẫn giữ như quy định hiện tại, nếu sau khi cộng điểm ưu tiên có tổng trên 30 thì lấy tổng điểm là 30.
Theo Hồ Sỹ Anh/TNO
Bình luận (0)