Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần nghỉ hưu ở tuổi cao hơn

Tạp Chí Giáo Dục

Bên cạnh các viên chức có trình độ Tiến sĩ, viên chức có chức danh Giáo sư, Phó giáo sư, đối tượng viên chức được bổ nhiệm giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần cũng có thể được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tối đa là 5 năm.
 Việc kéo dài thời gian công tác đối với viên chức không quá 5 năm tính từ thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu
Việc kéo dài thời gian công tác đối với viên chức không quá 5 năm tính từ thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu

Theo dự thảo Nghị định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao trong đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây viết tắt là dự thảo Nghị định) đang được Bộ Tư pháp thẩm định, các trường hợp được kéo dài tại dự thảo Nghị định là viên chức có trình độ tiến sĩ, viên chức có chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Bên cạnh các nhóm đối tượng nêu trên, dự thảo Nghị định quy định thêm đối với đối tượng viên chức được bổ nhiệm giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần, do đặc thù chuyên môn lĩnh vực này (thời gian đào tạo dài, phải có thời gian công tác trong ngành, lĩnh vực) và tính chất công việc phức tạp, độc hại, nguy hiểm… nên nguồn nhân lực rất ít và khó khăn trong tuyển dụng.
Cụ thể, dự thảo Nghị định quy định thống nhất: việc kéo dài thời gian công tác đối với viên chức không quá 5 năm (60 tháng), tính từ thời điểm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại điều 4, Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18-11-2020 của Chính phủ. Để bảo đảm tính ổn định của đội ngũ, cũng như việc thực hiện các quy định của pháp luật về kéo dài thời gian công tác tại các nghị định của Chính phủ trước khi nghị định này có hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp nêu: viên chức giữ chức danh giảng viên của cơ sở giáo dục đại học công lập hoặc viên chức giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập đã được cấp có thẩm quyền quyết định kéo dài thời gian làm việc theo quy định của pháp luật từ trước ngày nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Trường hợp cấp có thẩm quyền thực hiện việc kéo dài thời gian công tác đối với viên chức theo từng năm thì tiếp tục thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền và bảo đảm thời gian kéo dài không quá 5 năm tính theo nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 3 dự thảo nghị định này.
Viên chức khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, không giữ chức vụ quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ. Trong thời gian nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nếu viên chức có nguyện vọng nghỉ làm việc hoặc nghỉ hưu thì được giải quyết chế độ theo quy định của pháp luật, để bảo đảm quyền của viên chức về nghỉ việc, nghỉ hưu.
Để thực hiện việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, trước hết đơn vị sự nghiệp công lập căn cứ định hướng phát triển và tình hình nhân lực của tổ chức, thông báo chủ trương và nhu cầu kéo dài thời gian công tác. Viên chức đáp ứng các điều kiện quy định, có đơn đề nghị kéo dài thời gian công tác, gửi cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý quyết định kéo dài trước thời điểm nghỉ hưu ít nhất 6 tháng.
Tiếp đó, cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý quyết định kéo dài xem xét, đánh giá các điều kiện của viên chức có nguyện vọng được kéo dài thời gian công tác và quyết định.
Bước cuối cùng là quyết định kéo dài thời gian công tác được gửi cho tổ chức, cá nhân có liên quan biết trước thời điểm nghỉ hưu ít nhất 3 tháng.
ANH PHƯƠNG (theo SGGP)

Bình luận (0)