Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giám đốc bệnh viện cũng phải đi vùng sâu, vùng xa

Tạp Chí Giáo Dục

“Y tế cơ sở (YTCS) là nền tảng của y tế Việt Nam. Tăng cường YTCS và chất lượng khám chữa bệnh (KCB) là điều kiện thiết yếu để đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần giải quyết triệt để và bền vững tình trạng quá tải bệnh viện, đảm bảo công bằng và hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phát biểu như vậy tại hội nghị góp ý cho đề án “Tăng cường YTCS và nâng cao chất lượng KCB” được Bộ Y tế tổ chức tại TP.HCM mới đây…
Theo TS. Nguyễn Hoàng Long – Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế thì: Trong số trên 10.500 trạm y tế (TYT) xã thì có gần 6.800 trạm cần xây mới và nâng cấp, chiếm 61,6%. Không chỉ vậy, 33,2% TYT xã thiếu các loại thuốc trong danh mục thuốc thiết yếu, 38,5% TYT xã không có đủ cơ số thuốc dành cho phòng chống dịch. Nhân lực YTCS thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực, trình độ. Nguyên nhân là do thu nhập thấp, điều kiện làm việc thiếu thốn, ít cơ hội được học tập và nâng cao trình độ. “Từ những thực tế này dẫn đến người dân chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở nên vượt tuyến, gây quá tải ở bệnh viện tuyến trên”, ông Long nhấn mạnh.
Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã xây dựng đề án “Tăng cường YTCS và nâng cao chất lượng KCB”. Theo đó, mục tiêu của đề án là tạo bước đổi mới căn bản đối với mạng lưới YTCS về tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ y tế và các chính sách… “Từ nay đến năm 2012, Nhà nước tập trung đầu tư mạnh, tạo bước bứt phá để củng cố, hoàn thiện mạng lưới YTCS, nhất là ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số – đảm bảo cơ sở y tế khang trang, đủ trang thiết bị y tế cần thiết như điện tim, đo đường huyết…”, ông Long cho biết.
Bà Tiến cũng cho biết: “Giải pháp lâu dài để giảm tải bệnh viện tuyến trên là TYT (tuyến dưới) cũng được làm dịch vụ, kỹ thuật chất lượng cao. Sắp tới cả bác sĩ là giám đốc, phó giám đốc bệnh viện tuyến trên, giáo sư đầu ngành cũng phải luân phiên đi vùng sâu, vùng xa. Đối với bác sĩ trẻ, sau khi ra trường được đào tạo thêm 2 năm và cấp chứng chỉ hành nghề rồi về vùng sâu, vùng xa công tác ít nhất 3 năm. Những quy định này dần dần sẽ được luật hóa. Còn bác sĩ ở TYT xã cũng sẽ được lên bệnh viện tuyến huyện để cập nhật kiến thức”.
Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)