Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giám đốc cũng chạy theo đa cấp

Tạp Chí Giáo Dục

Sau gần 20 năm xuất hiện tại Việt Nam, kinh doanh đa cấp đã thu hút được hàng triệu người tham gia, trong đó có cả chủ doanh nghiệp, lãnh đạo bệnh viện, hải quan…

Bà Hằng – một nữ giám đốc doanh nghiệp có thâm niên 20 năm trong nghề trang trí nội thất ở TP HCM bất ngờ tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hơn 2 năm nay.

Bà cho biết, ban đầu rất ghét mô hình kinh doanh này nhưng trong một lần đi dự hội nghị và gặp được lãnh đạo của công ty đa cấp giới thiệu về mô hình bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng mà không phải thông qua các đại lý hay cửa hàng bán lẻ, nên thấy hứng thú. Tiếp xúc và tham gia các khóa học giới thiệu chuyên về sản phẩm làm đẹp, dinh dưỡng, bà quyết định tham gia vào hệ thống.

Tại 3 showroom hàng trang trí nội thất lớn của bà ở quận 1,3 và 7 bắt đầu xuất hiện một tủ riêng để chào bán các món hàng đa cấp chuyên về làm đẹp. Từ đó, trong mối quan hệ với khách hàng của công ty, ngoài bán hàng nội thất bà còn tiện thể giới thiệu luôn sản phẩm đa cấp. Với lợi thế này, năm đầu doanh số bán hàng đa cấp của bà tăng vọt, có tháng hoa hồng mà bà nhận được không dưới 100 triệu. Tuy nhiên, cũng chính vì ngày càng mê mẩn với mô hình mới, bà đã bỏ bê công việc chính để dồn sức vào đa cấp khiến cho các đối tác hay người quen dần xa lánh và rất ngại gặp khi bà điện thoại.

nhieu-giam-doc-doanh-nghiep-tham-gia-mang-luoi-da-cap

Đa cấp thu hút mọi đối tượng tham gia. Ảnh: minh họa.

Bà Linh, 40 tuổi, cũng từng làm Phó tổng giám đốc một công ty bất động sản lớn ở TP HCM cũng dần từ bỏ công việc chính để theo bán hàng đa cấp. 

Trước đây trên trang Facebook cá nhân của bà chỉ gồm các thông tin, hình ảnh sinh hoạt gia đình, công ty thì 2 năm trở lại đây bỗng xuất hiện nhiều câu chuyện triết lý về cuộc sống, xoay quanh hạnh phúc gia đình, sức khỏe vẻ đẹp, rồi lồng vào đó là hình ảnh của một nhãn hiệu sản phẩm mới. Sau đó, bà mời rất nhiều bạn bè, đối tác tham gia hội thảo chia sẻ bí quyết thành công. Ban đầu ai cũng hào hứng, nhưng đến nơi thì mới té ngửa ra là hội nghị giới thiệu sản phẩm đa cấp về chăm sóc sức khỏe, làm đẹp. Sau 2 năm tham gia, giờ đây bà Linh đã buông hẳn công việc bất động sản để chuyển sang bán hàng đa cấp, với các gói sản phẩm làm đẹp cao cấp giá từ 2 triệu đồng trở lên.

Một trường hợp khác là ông Trung, 35 tuổi – Giám đốc công ty truyền thông ở quận 1. Dù công ty đang làm ăn khá tốt, lượng khách hàng đông, thì bất ngờ ông Trung giao lại toàn bộ doanh nghiệp cho chị gái để đi tìm nhân sự chủ chốt tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp của Thái Lan chuyên về sức khỏe và làm đẹp. Khác với 2 doanh nhân trên là tham gia trực tiếp vào bán hàng, ông Trung lại tập trung vào săn nhân sự cấp cao cho hệ thống như nhà báo, trưởng bộ phận kinh doanh, thậm chí là giám đốc doanh nghiệp… Với những nhân sự này, ông chào mức lương 2.000-5.000 USD một tháng cho giai đoạn đầu với trách nhiệm phát triển hệ thống phân phối cấp một.

Sau khi phát triển tốt hệ thống được một thời gian, do cạnh tranh trên thị trường ngày càng mạnh, nhiều công ty đa cấp ồ ạt mở rộng mạng lưới nên vị này phải chuyển sang trực tiếp bán hàng. Tới nay, cựu giám đốc truyền thông này vẫn thường xuyên bay ra Hà Nội hay tới các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên tổ chức hội thảo giới thiệu bán hàng đa cấp.  

Bên cạnh các đối tượng là chủ doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới đa cấp thì còn có cả một số lãnh đạo hải quan, quan chức bệnh viện, giám đốc chi nhánh ngân hàng, giảng viên…

Theo ước tính của Cục Quản lý cạnh tranh, hiện doanh nghiệp đa cấp đăng ký khoảng trên 7.000 mặt hàng, số lượng người tham gia vào khoảng có 1,2 triệu, trong khi năm 2006 chỉ là 235.000 người. Như vậy, trong vòng 10 năm con số này tăng lên gấp 5 lần. Nếu như trước đây, đối tượng chủ yếu của giới bán hàng đa cấp là những người nghèo, tham gia để mong được đổi đời thì đến nay có sự tham gia của đủ mọi tầng lớp trong xã hội. Doanh thu lĩnh vực này cũng tăng 10 lần trong vòng 8 năm, từ 614 tỷ đồng năm 2006 lên 6.447 tỷ đồng năm 2013. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, tổng doanh thu của ngành là 3.200 tỷ.

Còn theo Hiệp hội Bán hàng đa cấp, mô hình này khá mới mẻ so với nhiều ngành nghề khác tại Việt Nam nhưng lại có tốc độ tăng trưởng 20-30% mỗi năm. Năm 2013, số hội viên tham gia Hiệp hội đã lên tới hơn 100 đơn vị. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương – cơ quan trực tiếp quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp, số lượng đơn vị đăng ký chính thức là 65. 

Chia sẻ về sức hút của bán hàng đa cấp, một lãnh đạo cấp trung từng làm ở Hải quan TP HCM cho biết, sở dĩ bà bỏ việc Nhà nước vì quá đam mê với mô hình kinh doanh này.

“Bên cạnh mức thu nhập kiếm được gần gấp đôi nơi cũ, thì điều khiến tôi hứng thú là dưới trướng của mình có vài chục nhân viên, mọi người ai cũng đầy nhiệt huyết và không bị ràng buộc điều gì. Chính vì vậy nhóm chúng tôi có được doanh số tăng mạnh chỉ sau một năm tham gia”, vị này nói và cho biết sau 2 năm bà đã nhanh chóng lọt vào top đầu của công ty đa cấp, thường xuyên được tuyên dương trước toàn công ty và hưởng những chuyến du lịch quốc tế vì thành tích đạt được. Bà cho biết tự đặt ra mục tiêu cán mốc doanh thu một triệu USD cho nhóm trong năm nay.

Quý I/2016, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, giám sát hoạt động 7 doanh nghiệp. Năm 2015, cơ quan này đã kiểm tra và xử phạt hành chính 1,1 tỷ đồng với hoạt động kinh doanh đa cấp, đồng thời, buộc nộp lại vào ngân sách 55,5 triệu đồng số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm. 

Cách đây khoảng một tuần, Thứ trưởng Bộ Công Thương – Trần Quốc Khánh đã ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra các hoạt động liên quan đến việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp tại 7 doanh nghiệp. Trong đó có một số tên tuổi khá đình đám như Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty TNHH Unicity Maketing Việt Nam, Công ty TNHH Amway Việt Nam… Một số doanh nghiệp trước đó cũng đã bị rút giấy phép.

Hồng Châu/ VNE

 

Bình luận (0)