Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ: Ưu tiên cho những trường vùng sâu, vùng xa

Tạp Chí Giáo Dục

Trước những thuận lợi và khó khăn của ngành giáo dục Hà Nội hiện nay, báo Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội (ảnh) xung quanh vấn đề này.

PV: Trong năm học 2008-2009, địa giới của Hà Nội đã được mở rộng, đồng thời nhiệm vụ đặt lên vai ngành giáo dục cũng rất lớn. Xin ông cho biết, trong năm học tới, ngành giáo dục Hà Nội sẽ làm gì để giảm thiểu sự chênh lệch về trình độ cả giáo viên và học sinh giữa Hà Nội và Hà Tây?

– Chúng tôi xác định là sau khi Hà Nội hợp nhất thì cũng có những thuận lợi và khó khăn. Khó khăn là nằm trong kế hoạch cần phải quan tâm. Chúng tôi đã xác định là đưa ra trong năm học này 4 giải pháp quan trọng. Một là phải xây dựng được kỷ cương nghiêm và chất lượng thật như mọi năm, kỷ cương tròng điều hành, kỷ cương trong việc dạy và học của thầy và trò cũng như trong hoạt động quản lý, trong tất cả các công việc xây dựng được nề nếp, quy chế làm việc thống nhất, từ đó xây dựng được sự đoàn kết, nhất trí cao trong toàn thể ngành giáo dục.

Còn việc nâng cao chất lượng các trường trong toàn thành phố thì đây là một mục tiêu mà cả hai đơn vị đều đã làm. Bởi mỗi vùng đều có vùng thuận lợi và khó khăn như Hà Nội trước đây cũng có vùng rất khó khăn như Sóc Sơn. Nhưng quan trọng nhất là trong năm nay, chúng tôi sẽ rà soát lại tất cả các văn bản chính sách đang thực hiện của hai địa phương sau đó sẽ thống nhất là có văn bản tham mưu trình cho ủy ban để ban hành văn bản xây dựng cơ chế chính sách, theo đó sẽ có ưu tiên cho các vùng khó khăn để nâng cao độ đồng đều và để đảm bảo công bằng trong giáo dục. Thứ hai là việc quan tâm đến đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý trong giáo dục. Chúng tôi cho rằng đây vừa là động lực, vừa là mục tiêu để nâng cao chất lượng giáo dục. Với việc đó, TP đã ban hành kế hoạch mà chúng tôi đã rà soát lại toàn bộ đội ngũ giáo viên của Hà Nội, sắp tới chúng tôi sẽ rà soát lại đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của Hà Tây, huyện Mê Linh và 4 xã của Lương Sơn, Hòa Bình. Trên cơ sở đánh giá đội ngũ như vậy, chúng tôi sẽ có kế hoạch bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cũng như cán bộ quản lý, không chỉ chuẩn về đào tạo mà còn phải chuẩn về nghề nghiệp.

Thứ ba là đổi mới cơ chế tài chính theo sự chỉ đạo của năm nay. Cơ chế chính sách hiện nay là mức chi trên đầu của mỗi học sinh ở từng vùng miền có sự khác nhau.

* Đối với những trường vùng sâu vùng xa của Hà Tây, cơ sở vật chất còn rất nhiều hạn chế, Sở có biện pháp gì để hỗ trợ, thưa ông?

– Trước mắt, về cơ sở vật chất của những trường vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các trường mầm non, tiểu học và THCS. Theo phân cấp thì các quận huyện, thành phố sẽ có cơ chế phân bổ ngân sách cho các địa phương, trên cơ sở phân bổ ngân sách ưu tiên cho những trường khó khăn. Các quận huyện sẽ chủ động lập kế hoạch, chúng tôi sẽ trình UBND thành phố để tham mưu về vấn đề này. Những trường THPT trực thuộc thành phố thì chúng tôi sẽ chủ động rà soát và sẽ có kế hoạch lập dự án ưu tiên cho những trường vùng sâu vùng xa này.

* Xin cảm ơn ông!

Thiên Lam

Bình luận (0)