Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu đề nghị nhà trường không thực hiện phương thức đưa sách tham khảo, sách bài tập vào chung SGK cho học sinh đăng ký để tránh tình trạng lãng phí SGK.
Yêu cầu được lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nêu ra trong chương trình Đối thoại cùng chính quyền thành phố với chủ đề “Thành phố sẵn sàng cho năm học mới 2024-2025”.
Theo đó, trước băn khoăn của phụ huynh học sinh về tình trạng lãnh phí SGK, vở bài tập trong năm học, nhất là ở cấp tiểu học với một số bộ môn như sách giáo dục thể chất, sách tin học, hoạt động trải nghiệm… và đặt vấn đề là làm sao để có thể khắc phục được tình trạng này trong năm học mới.
Giải đáp băn khoăn của phụ huynh học sinh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có chỉ đạo các nhà trường công khai danh mục SGK được sử dụng trong nhà trường trong năm học mới đến phụ huynh học sinh, để phụ huynh nắm, biết.
Nhà trường không quy định học sinh mua sách nào mà phụ huynh học sinh được đăng ký mua SGK theo chương trình SGK đã được nhà trường lựa chọn.
Với những học sinh đã đăng ký thì nhà trường phối hợp với nhà xuất bản để cung ứng SGK đến cho phụ huynh, tạo thuận lợi và giúp tránh tình trạng phụ huynh mua phải sách giả.
Với sách bài tập, sách thao khảo, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết Sở quy định nhà trường không được phép đưa chung vào gói SGK. Có nhiều NXB đưa luôn cả bộ bao gồm SGK, sách tham khảo, sách bài tập, Sở GD-ĐT đề nghị các trường không thực hiện theo phương thức này mà cho học sinh đăng ký SGK sử dụng trong trường học, tránh lãng phí sách trong nhà trường.
“Sách bài tập thì giáo viên có thể cho bài tập trên lớp, hướng dẫn các em làm để củng cố. Còn sách tham khảo thì tùy theo nhu cầu của phụ huynh học sinh” – ông Hiếu làm rõ.
Thông tin thêm về công tác chuẩn bị cho năm học mới, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, năm học 2024-2025 là năm đầu tiên Chương trình GDPT 2018 triển khai ở các lớp cuối cấp 5, 9 và 12. Đây cũng là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh vào lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018.
Năm học mới, TP.HCM tập trung thực hiện Chương trình GDPT 2018 với định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. TP kiên định mục tiêu đánh giá năng lực học sinh từ 10 năm nay khi từ năm 2014, trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, TP đã bắt đầu đưa các bài toán thực tế vào đề thi, học sinh vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Người đứng đầu ngành GD-ĐT TP khẳng định, đến nay qua từng năm, học sinh, giáo viên đã quen dần với việc đổi mới này. Giáo viên thành phố luôn xác định việc thực hiện chương trình cũ nhưng trên tinh thần phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Do vậy, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 trong năm học tới, giáo viên sẽ không có bỡ ngỡ, bất ngờ…
“Sở sẽ công bố sớm đề thi mình họa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở 3 môn thi tuyển sinh, từ đó các phòng giáo dục có chỉ đạo về chuyên môn cho các trường THCS, chuẩn bị cho kỳ thi. Quan điểm của TP.HCM là dạy học như thế nào thì kiểm tra và thi như vậy. Không để học sinh bị động, bất ngờ, dù có đổi mới nhưng việc đổi mới có định hướng và có chỉ đạo rõ ràng từ đầu năm” – ông Nguyễn Văn Hiếu thông tin, và nhắn gửi phụ huynh học sinh cuối cấp an tâm.
Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, học sinh sẽ thi 4 môn trong đó có 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn lựa chọn trong số 9 môn được học. Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, ngay trong HKI năm học, Sở sẽ chỉ đạo để các trường có đề kiểm tra chung định hướng theo kỳ thi, để các em làm quen. Việc lựa chọn các môn học thi tốt nghiệp THPT cũng sẽ sớm hơn, để đảm bảo cho các em bước vào kỳ thi tốt nhất, đồng thời trường THPT cũng sẽ có những giải pháp hỗ trợ học sinh.
Yến Hoa
Bình luận (0)