Tại Hội nghị Đối thoại giữa Sở GD-ĐT TP.HCM và các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giáo dục chiều 27-8, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, việc phải đấu thầu khi tổ chức chương trình nhà trường là điều hết sức vô lý.
Đấu thầu hay không đấu thầu, cần phải làm rõ
Là một trong những đơn vị có liên kết với trường học về mảng Anh ngữ và tiếng Anh, toán và khoa học thực nghiệm, bà Hoàng Thị Lâm Dung – Tổng Giám đốc Công ty Tri Linh, Chủ quản Trung tâm Ngoại ngữ Liên Lục Địa ICLC cho biết, hiện tại các đơn vị doanh nghiệp và nhà trường liên quan đang rất lo lắng về việc đấu thầu các hoạt động.
Do đó, bà mong muốn Sở GD-ĐT, Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Tài chính cần có hướng dẫn một cách sớm nhất về vấn đề rằng các doanh nghiệp có phải thực hiện đấu thầu khi tổ chức các chương trình nhà trường.
Chung lo lắng về vấn đề đấu thầu trong năm học mới, ông Trịnh Vĩnh Thanh – Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp cho hay, vấn đề này xuất phát điểm từ các buổi tập huấn Luật Đấu thầu 2023 do Sở Kế hoạch – Đầu tư tổ chức. Giảng viên cho rằng tất cả các hoạt động trong nhà trường đều phải đấu thầu với cơ sở pháp lý viện dẫn là căn cứ vào Điều 2 của Luật Đấu thầu 2023, hiệu lực 2024. Trong đó có đề cập các đơn vị sự nghiệp công lập có khoản thu hợp pháp nên phải đấu thầu. Thứ hai là các đơn vị sự nghiệp có dự toán thu chi trên cơ sở đó đặt ra tất cả các hoạt động trong nhà trường đều phải đấu thầu.
Do đó, ông đề nghị Sở Kế hoạch – Đầu tư phải có văn bản trả lời chính thức trước công luận các chương trình nhà trường mà nhà trường đứng ra tổ chức thuê các công ty cung cấp giáo viên để dạy có đấu thầu hay không; nguồn cung cấp thực phẩm trong các bếp ăn mà nhà trường tự nấu thì có đấu thầu hay không.
Bởi vì nếu đấu thầu các nội dung trên sẽ liên quan đến vấn đề thu tiền của học sinh.
Ông phân tích: bếp ăn bán trú tiểu học và mầm non, nếu nhà trường tự nấu, yêu cầu đấu thầu các nguồn cung cấp thực phẩm thì chắc chắn tiền ăn phải tăng lên. Tương tự, yêu cầu đấu thầu các chương trình nhà trường thì tiền thu cũng phải tăng lên để phục vụ cho chi phí đấu thầu. Như vậy, bắt buộc chúng tôi tham mưu UBND quận và UBND quận ban hành các khoản thu phải tính toán đến nội dung này.
Theo ông, nếu khó các trường chuyển qua suất ăn công nghiệp thì liệu suất ăn công nghiệp có cung cấp kịp thời trong thời gian này không. Đặt vấn đề các trường mầm non không cho phép sử dụng suất ăn công nghiệp để phục vụ cho trẻ thì cả trường mầm non sẽ đóng, vì chưa đấu thầu.
“Đây là vấn đề nghiêm trọng. Cần phải giải quyết dứt điểm trước khi bắt đầu năm học mới. Để tránh tình trạng trường học thực hiện xong rồi bảo đấu thầu, trong trường hợp phải đấu thầu các trường làm lại bị vi phạm pháp luật giải quyết hậu quả rất phức tạp. Hiện thời điểm này bản thân tôi chưa dám tham mưu gì cho UBND quận, còn các trường thì đang trong trạng thái rất hồi hộp” – ông Trịnh Vĩnh Thanh nhấn mạnh.
Theo ông Trần Khắc Huy – Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT TP.HCM, việc thực hiện chương trình giáo dục là một trong những nhiệm vụ của nhà trường. Căn cứ vào Khoản 1, Điều 6, Nghị định 24 của Chính phủ quy định về việc quản lý có quy định cụ thể: Cơ sở giáo dục được trực tiếp quyết định các phương pháp hình thức tổ chức hoạt động giáo dục đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục, đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong hoạt động giáo dục nhà trường.
“Như vậy có thể hiểu rằng, các cơ sở giáo dục công lập trực tiếp quyết định các hoạt động giáo dục của nhà trường và phải thông qua hội đồng trường về các hoạt động, khối lớp triển khai, khung nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức, kế hoạch triển khai và các tổ chức, đơn vị phối hợp” – ông Huy phân tích.
“Đấu thầu khi thực hiện chương trình nhà trường là hết sức vô lý”
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu nhìn nhận, hiện nay nội dung đấu thầu là vấn đề nóng nhất đầu năm học. Các nhà trường băn khoăn nội dung nào thực hiện trong trường học thì phải đấu thầu, nội dung nào không đấu thầu.
Đối với việc nhà trường phải đấu thầu khi thực hiện chương trình nhà trường, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thẳng thắn nêu quan điểm rằng đây là điều hết sức vô lý.
Bởi, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục trong nhà trường. Ví dụ, hiệu trưởng có quyền quyết định giới thiệu đến phụ huynh về việc học tiếng Anh tăng cường thì phải học những nội dung nào, nhà trường lựa chọn đối tác có thầy cô bộ môn nào dạy chương trình này. Nhà trường chịu trách nhiệm với phụ huynh về chất lượng giáo dục.
Theo đại diện Sở Kế hoạch – Đầu tư, các câu hỏi liên quan đến gói thầu trong hội nghị quá chung chung. Do đó, cần có sự thông tin thêm về gói thầu. Còn những gói thầu đăng ký tham gia do chủ đầu tư tổ chức, khía cạnh trách nhiệm của Sở Kế hoạch – Đầu tư và Sở Tài chính sẽ bố trí nguồn vốn để thực hiện, công tác hướng dẫn chủ đầu tư. Cho nên câu hỏi này có trao đổi thêm… |
Trong hướng dẫn đầu năm học của Sở GD-ĐT cũng nêu rất rõ hiệu trưởng đứng ra chịu trách nhiệm tổ chức môn học, nội dung và hướng đến năng lực, yêu cầu cần đạt. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trước phụ huynh về những điều này.
“Sở GD-ĐT yêu cầu khi tổ chức một nội dung thuộc chương trình nhà trường, ví dụ như tiếng Anh, tin học thì nhà trường phải làm hết cấp học đó, chứ không phải hôm nay, năm nay chọn đơn vị này để dạy tiếng Anh toán khoa, năm sau lại chọn đơn vị khác thì học sinh lại phải làm quen với lộ trình, một giáo trình khác…” – ông Nguyễn Văn Hiếu nêu giả thiết.
Từ đo, ông đặt vấn đề, nếu sau mỗi năm học, nhà trường đấu thầu một đơn vị khác không đúng mong muốn với yêu cầu đặt ra của nhà trường thì cuối năm học ai sẽ là người chịu trách nhiệm với kết quả này.
“Sở GD-ĐT đề nghị Sở Kế hoạch – Đầu tư cần phải nghiên cứu kỹ vấn đề này, bởi sẽ rất khó khăn cho ngành giáo dục. Từ nay đến cuối tuần, Phòng Kế hoạch Tài chính của Sở GD-ĐT phải làm việc với Sở Kế hoạch – Đầu tư, phối hợp cùng các sở ngành liên quan cùng ngồi lại vào ngày 4-9 trước khai giảng để phân biệt rõ nội dung nào trong nhà trường thì phải đấu thầu, và đấu thầu như thế nào. Tôi đề nghị mời cả các phòng GD-ĐT, trưởng phòng kế hoạch tài chính của các quận, huyện và TP.Thủ Đức để cùng ngồi lại hướng dẫn nội dung thực hiện các hoạt động giáo dục trong năm học mới” – ông Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu.
Yến Hoa
Bình luận (0)