Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Không hạ điểm chuẩn hay cho tuyển bổ sung chỉ tiêu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sở GD-ĐT TP.HCM đã chính thức công bố điểm chuẩn vào lớp 10 THPT năm 2022. Năm nay, với việc áp dụng công thức tính điểm chuẩn theo hệ số 1 ở cả 3 môn thi tuyển sinh, toàn thành phố có 35 trường THPT có điểm chuẩn dưới 15 điểm; 9 trường có điểm chuẩn 10,5 điểm và 1 trường có điểm chuẩn 10,75 điểm.


Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu

Điểm chuẩn tương đồng với năm 2020

+ Phóng viên: Nhìn vào điểm chuẩn năm nay, ông có đánh giá gì thưa ông?

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu: Năm nay là năm đầu tiên TP.HCM áp dụng công thức tính điểm chuẩn theo hệ số 1 ở cả 3 môn thi tuyển sinh, vì vậy nhìn qua thì thấy điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 vừa có vẻ thấp hơn so với mọi năm. Trong đó, nhiều trường có mức điểm chuẩn dưới 15 điểm (điểm bình quân dưới 5 điểm/môn), đặc biệt năm nay thành phố có 9 trường điểm chuẩn là 10,5 điểm (điểm bình quân 3,5 điểm/môn).

Thế nhưng, nếu so sánh điểm chuẩn năm 2022 với điểm chuẩn của năm 2020 (năm thành phố vẫn áp dụng heo hệ số 2 ở môn văn, toán và hệ số 1 môn ngoại ngữ) thì thấy điểm chuẩn năm nay hoàn toàn phù hợp, có sự tương đồng so với năm 2020, bao gồm cả các trường tốp đầu và tốp cuối.

Cụ thể, khi tôi so sánh thì Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền vẫn là trường có mức điểm chuẩn cao nhất toàn thành phố. Năm 2020 trường có điểm chuẩn NV1 là 41 điểm. Năm học này trường tiếp tục có điểm chuẩn cao nhất với 24.25 điểm, top các trường THPT ở huyện Cần Giờ, Bình Chánh vẫn là các trường có điểm chuẩn thấp nhất. Năm 2020 vẫn chừng ấy trường có điểm chuẩn là 16 điểm (tương đương với 3,2 điểm/môn).

TP.HCM đã rất mạnh dạn khi tính hệ số 1 ở cả 3 môn thi tuyển sinh, đưa việc đánh giá môn tiếng Anh ngang bằng với môn toán, ngữ văn. Điều này không chỉ phù hợp với việc đánh giá học sinh theo thông tư mới của Bộ GD-ĐT mà còn giúp các nhà trường nhìn nhận đúng thực chất năng lực học sinh trong việc học ngoại ngữ để xây dựng chương trình giáo dục phù hợp, nhất là khi thành phố đang triển khai các đề án dạy và học tiếng Anh theo chuẩn quốc tế.

+ Trong bối cảnh năm học này chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc điểm chuẩn vào lớp 10 các trường THPT năm nay tương đồng với năm 2020 theo ông xuất phát từ những lý do gì?

– Năm học 2021-2022, TP.HCM chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh thành phố phải học trực tuyến suốt học kỳ 1. Học kỳ 2 đi học trực tiếp cũng liên tục bị gián đoạn do vừa học vừa phòng chống dịch.

Việc dạy và học trên môi trường Internet cũng phần nào ảnh hưởng tới việc dạy và học, do nhiều yếu tố như: trang thiết bị dạy học, đường truyền, sự chuẩn bị của gia đình và học sinh cho việc học trực tuyến có nhiều ảnh hưởng. Sở cũng nắm chặt chẽ, sát sao tình hình dạy và học cũng như kiểm tra, đánh giá từng cơ sở giáo dục phổ thông, đặc biệt là lớp 9 và lớp 12. Với học sinh lớp 9, thành phố chủ động trong việc chỉ đạo dạy, học, kiểm tra đánh giá và đề tuyển sinh vào lớp 10.

Ngay từ đầu năm học, Sở đã phổ biến đến các trường THCS về ma trận, cấu trúc, kiến thức trong kỳ thi tuyển sinh 10 với việc đề thi không ra vào các phần nội dung kiến thức đã được Bộ GD-ĐT tinh giản trong quá trình học trực tuyến; Đề thi sẽ có khoảng 70-80% kiến thức ở mức độ nhận biết, thông hiểu, phần vận dụng chiếm từ 20-30% và được tính toán phù hợp với năng lực học sinh trong quá trình học trực tuyến song vẫn có khả năng phân hóa để chọn được học sinh vào các trường THPT phù hợp nhất.

Như vậy, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay hoàn toàn phù hợp với bối cảnh dạy và học của các nhà trường, vừa sức với năng lực học sinh thành phố khi phải học trực tuyến.

Dù kết quả thi tuyển sinh vẫn còn trên 45% thí sinh dưới điểm trung bình môn toán, tiếng Anh song nhìn lại kết quả tuyển sinh trong vòng 5 năm gần đây (từ năm 2018) thì thấy rằng năm nay lại là năm thí sinh có mức điểm tuyển sinh cao nhất khi tỷ lệ thí sinh có điểm trên trung bình cao hơn so với mọi năm. Điều này cho thấy giáo viên và học sinh thành phố đã rất nỗ lực rất lớn trong việc dạy và học.

Đề thi sẽ đổi mới theo hướng vận dụng thực tế

+ Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2022 được các giáo viên, nhà trường đánh giá là có sự đổi mới theo hướng thực tế, một lần nữa đặt ra cho các nhà trường, giáo viên yêu cầu đổi mới trong quá trình giảng dạy. Xin ông cho biết, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 trong các năm tới sẽ được TP.HCM tiếp tục triển khai theo định hướng như thế nào, thưa ông?


Học sinh tham gia thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2022

– Chủ trương đổi mới theo hướng thực tế, dạy chương trình hiện hành theo hướng phát huy năng lực và phẩm chất học sinh theo Chương trình GDPT 2018 là chủ trương chung của Bộ GD-ĐT.

Bằng cách đổi mới phương pháp giáo dục chương trình hiện hành, tiếp cận theo năng lực của học sinh nên việc kiểm tra, đánh giá cũng phải theo hướng đó. Không kiểm tra đánh giá nặng nề. Do vậy, TP.HCM kiên trì định hướng đề thi tuyển sinh lớp 10 theo hướng vận dụng. Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã chỉ đạo các trường tập trung hướng dẫn các em học sinh hiểu, vận dụng kiến thức là chủ yếu, không định hướng thuộc lòng. Dạy như thế rất áp lực, không mang lại lợi ích cho học sinh cũng như hình thành phẩm chất, năng lực cho nguồn lao động trong tương lai.

Nói như vậy có nghĩa là đề thi tuyển sinh vào lớp 10 các năm tiếp theo sẽ được TP.HCM tiếp tục thực hiện theo hướng vận dụng, gắn kiến thức với thực tiễn để học sinh giải quyết các vấn đề cuộc sống bằng kiến thức đã học. Học sinh không thể học tủ, học vẹt, học thuộc lòng; giáo viên không thể dạy theo hướng truyền thụ một chiều…

Lớp 10 THPT công lập không phải là con đường duy nhất

+ Khi TP.HCM công bố điểm chuẩn sẽ có những thí sinh rớt cả 3 nguyện vọng. Ông có chia sẻ gì với phụ huynh, học sinh trong trường hợp này, thưa ông?

– Khi xác định chỉ tiêu vào các trường THPT công lập trong năm nay, chúng tôi cũng đã có trừ hao dự phòng ở các trường, đã nâng chỉ tiêu cao lên một chút so với các năm trước. Hiện nay, với điểm chuẩn này TP tuyển được 96,8% tổng số học sinh theo chỉ tiêu nên khá đạt. Sở GD-ĐT không hạ điểm chuẩn hay cho tuyển bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh 10 vào các trường THPT công lập để đảm bảo chất lượng giáo dục và phù hợp với quy định của Bộ GD-ĐT.

Việc đậu vào lớp 10 THPT công lập không phải là con đường duy nhất, các em còn rất nhiều hướng lựa chọn khác phù hợp với năng lực, điều kiện gia đình. Ngoài hơn 72.000 chỉ tiêu vào lớp 10 THPT công lập, năm học 2022-2023 TP.HCM còn có trên 50.000 chỗ học ở các hướng học khác như GDNN-GDTX, trường THPT ngoài công lập, trường trung cấp, cao đẳng nghề, trường có yếu tố nước ngoài… Bất kỳ hướng lựa chọn nào các em vẫn hoàn toàn có thể tham gia thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào các trường ĐH như là học THPT công lập.

Với riêng học sinh đã đậu vào lớp 10 THPT công lập, hiện các trường THPT đã có phương án bố trí, sắp xếp học sinh vào học các môn được lựa chọn trong tổ hợp môn lớp 10 THPT. Hầu hết các trường đều có kế hoạch sắp xếp, hài hòa giữa nguyện vọng của phụ huynh học sinh và điều kiện của nhà trường về cơ sở vật chất, đội ngũ để đảm bảo thực hiện đúng chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GD-ĐT là phân hóa dần ở các bậc học. Môn học tự chọn, lựa chọn sẽ nhiều hơn môn học bắt buộc.

Cho nên, học sinh có thể lựa chọn môn học mình yêu thích trên điều kiện các trường có thể đáp ứng được. Sở đã có nhiều văn bản hướng dẫn và các trường cũng chủ động bố trí các phương án rất linh hoạt.

+ Xin cảm ơn ông!

Yến Hoa (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)