Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TP (bên phải) cùng ông Hứa Ngọc Thuận – Phó chủ tịch UBND TP thăm hỏi các VĐV tham dự Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc tại TP.Cần Thơ tháng 8-2012
|
Mùa hè đến là lúc các em học sinh, sinh viên (HSSV) có dịp được vui chơi và thư giãn sau một năm học đầy vất vả, tuy nhiên với tập thể cán bộ quản lý ngành GD-ĐT, đây là giai đoạn để thực hiện công tác tuyển sinh cho năm học mới, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất (CSVC), trường lớp để đảm bảo đủ chỗ học cho con em nhân dân trong năm học 2013-2014… Xung quanh vấn đề này, Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Sơn – Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM.
PV: Thưa ông, nhằm đảm bảo đủ chỗ học cho 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1 (khoảng 109 ngàn HS, tăng 6.000 HS so với năm học trước) và 100% HS đã hoàn thành chương trình TH vào lớp 6, ngành GD-ĐT TP đã có những biện pháp nào?
– Ông Lê Hồng Sơn: Hằng năm số lượng người dân các tỉnh vào TP.HCM sinh sống, lao động, công tác… luôn tăng, dẫn đến số lượng HS vào học trong ngành GD-ĐT của TP năm học nào cũng tăng. Nhưng dưới sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP và sự phối hợp thực hiện của các sở, ban, ngành, quận, huyện thì việc xây dựng trường lớp cho ngành GD-ĐT được đầu tư rất tốt, nhất là những năm gần đây. Bình quân, mỗi năm TP xây mới và đưa vào sử dụng trên 1.000 phòng học đạt chuẩn với trang thiết bị hiện đại. Cụ thể năm học 2012 -2013 đưa vào sử dụng 1.310 phòng học mới. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành GD-ĐT TP đảm bảo đầy đủ chỗ học cho các lứa tuổi dù các em có hộ khẩu thường trú hay tạm trú. Tôi cũng lưu ý rằng, hệ thống trường lớp ở TP.HCM, dù ở ngoại thành hay nội thành đều được đầu tư về CSVC như nhau, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đều đạt chuẩn hoặc trên chuẩn nên các bậc phụ huynh hãy yên tâm và cho con em mình học đúng tuyến, đúng quận huyện nơi mình sinh sống, tránh tình trạng gây áp lực cho một số điểm trường, tạo sự vất vả cho bản thân phụ huynh và HS.
Riêng tuyển sinh vào lớp 10 công lập, TP có hai hình thức là xét tuyển và thi tuyển. Xét tuyển dành cho các trường THPT trên địa bàn huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, quận 2, quận 6, quận 9, Thủ Đức và Bình Tân, các quận, huyện còn lại thì thực hiện thi tuyển. Ngoài các trường THPT công lập thì các trường THPT ngoài công lập, các TTGDTX, các trường TCCN cũng là những lựa chọn cho HS để sau khi tốt nghiệp THCS có thể vào học.
Hiện nay còn một số dự án xây dựng trường, lớp bị chậm tiến độ thi công hoặc không khởi công được, vấn đề này được giải quyết như thế nào, thưa ông?
Niềm vui của các em HS Trường TH Đinh Tiên Hoàng (Q.1) trong ngôi trường mới
|
– Khó khăn chung của TP là ngân sách ghi vốn cho các công trình, dự án đã được phê duyệt, mặc dù việc xây dựng trường lớp luôn được lãnh đạo TP ưu tiên. Sở GD-ĐT đang phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, quận, huyện để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án xây dựng trường, lớp mới. Tổ công tác liên ngành về xây dựng trường lớp cũng đã có các buổi làm việc cụ thể với từng quận, huyện nhằm nắm bắt được những khó khăn của từng dự án để kịp thời tháo gỡ. Ngoài ra, lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo các sở Kế hoạch – Đầu tư, Quy hoạch – Kiến trúc, Tài chính và Xây dựng nhằm thống nhất các công trình, dự án cấp thiết phải xây mới, sửa chữa ngay trong dịp hè để phục vụ năm học mới, từ đó trình UBND TP phê duyệt thực hiện.
Trong mỗi dịp hè, sân chơi cho HS-SV có nhu cầu rất lớn. Vậy tổ chức các hoạt động hè năm 2013 của Sở GD-ĐT tới các đơn vị thành viên như thế nào, thưa ông?
– Để triển khai có hiệu quả các hoạt động hè, các đơn vị giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội tổ chức cho HSSV tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật, rèn luyện kỹ năng sống và các hoạt động vui chơi lành mạnh bổ ích khác. Các đơn vị giáo dục cũng cần tổ chức tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của gia đình trong việc chăm sóc, quản lý, giáo dục HSSV trong kỳ nghỉ hè; làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt chú ý phòng, chống tai nạn đuối nước, điện giật, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông… Đối với HS có học lực yếu, kém, các trường phải tổ chức phụ đạo giúp các em hệ thống lại những kiến thức đã học trong năm học cũ để có thể tiếp tục học tốt hơn ở năm học mới. Với các em HS khá giỏi, nhà trường cần tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ của các em. Thư viện, các nhà thi đấu, hồ bơi… trong nhà trường cũng phải luôn hoạt động để cho các em đến sinh hoạt, vui chơi, giải trí trong dịp hè.
Xin cám ơn ông!
Lê Quang Huy
UBND TP chỉ đạo Sở GD-ĐT: Ban chỉ đạo hè các cấp xây dựng sân chơi sinh hoạt hè, các hoạt động định kỳ thường xuyên đáp ứng nhu cầu sinh hoạt vui chơi, giải trí lành mạnh, bổ ích trong dịp hè như: Hội trại, liên hoan, các hội thi, hội diễn văn nghệ, thể dục thể thao, tham quan, du khảo, về nguồn… Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc phối hợp với ban chỉ đạo sinh hoạt hè quận, huyện để tổ chức các hoạt động hè cho HS, thiếu nhi trên địa bàn các quận, huyện; tạo điều kiện về CSVC, mở cổng trường và thư viện cho các em vào vui chơi, sinh hoạt hè tại trường dưới sự hướng dẫn của cán bộ phụ trách Đội TNTP và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. |
Bình luận (0)