Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu: Học sinh lớp Một đã biết đọc, biết viết

Tạp Chí Giáo Dục

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu thông tin, theo đánh giá của phụ huynh học sinh và qua công tác kiểm tra của Sở GD-ĐT, đến thời điểm này dù học trực tuyến từ đầu năm học nhưng học sinh lớp Một TP.HCM đã đạt được các yêu cầu cần đạt. Các em đã biết đọc, biết viết, đạt được yêu cầu, nội dung đề ra ở từng thời điểm. Kết quả đạt được là rất khả quan.


Học sinh lớp Một TP.HCM đã biết đọc, biết viết, đạt được yêu cầu đề ra

Thông tin trên được lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nêu ra trong cuộc họp giao ban trực tuyến với Bộ GD-ĐT sáng 9-11.

Học sinh lớp Một đã đạt được các yêu cầu cần đạt

Báo cáo thêm, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, từ ngày 20-10, TP đã thí điểm dạy và học trực tiếp cho gần 250 học sinh khối 1, 2, 6, 9, 12 Trường TH Thạnh An và THCS- THPT Thạnh An (huyện Cần Giờ). Kết quả của Thạnh An là tiền đề để thành phố rút kinh nghệm chỉ đạo cho địa phương khác. Hướng dẫn về khoanh vùng, cách ly hẹp nhất khi có sự cố của ngành y tế giúp ít ảnh hưởng đến các hoạt động dạy và học khi dạy học trực tiếp trở lại.

“TP.HCM vẫn trong điều kiện dịch COVID-19 tiếp diễn với số ca nhiễm hàng ngày dao động khoảng 1.000 ca. Do vậy, việc tổ chức đi học trực tiếp cho học sinh được hTP ết sức cẩn trọng, từng bước, theo cấp độ dịch”, ông Nguyễn Văn Hiếu đánh giá.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu, năm học 2021-2022, TP.HCM gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Trước hết là khó khăn về thiết bị học tập của học sinh. Mặc dù đã kéo giảm được đáng kể so với điểm đầu năm học song hiện nay toàn TP vẫn còn gần 18.000 học sinh thiếu thiết bị, phải học nhờ thiết bị của ba mẹ. Việc học trên điện thoại cũng hông phải là thiết bị đạt chuẩn. “Tới đây khi có điều kiện, TP sẽ trang bị máy tính bảng, laptop cho học sinh, đảm bảo việc học trên môi trường internet đạt hiệu quả”, ông Hiếu nói.

Cạnh đó, tiến độ xây dựng phòng học cũng gặp nhiều khó khăn. Hàng năm, TP.HCM xây trên 2.000 phòng học mới với số học sinh tăng khoảng 60.000. Năm nay, TP chỉ xây mới được 800 phòng học, tăng khoảng 18.000 học sinh.

Dịch COVID-19 khiến hơn 150 trường mầm non ngoài công lập toàn TP giải thể, ngưng hoạt động, tác động đến trên 800 cán bộ, giáo viên. Công tác tuyển dụng giáo viên bị chững lại, đến nay TP vẫn chưa tuyển dụng được giáo viên; Đồng thời gần 8.000 giáo viên toàn TP mắc COVID-19, gây khó khăn cho việc chuẩn bị daỵ và học trực tiếp.

Kiến nghị hạ tầng, phần mềm chuẩn dạy học trực tuyến

Nhận định dạy học trên internet là phương thức daỵ học chính thức trong điều kiện bình thường mới, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu kiến nghị Bộ GD-ĐT kiến nghị Chính phủ xây dựng hệ thống hạ tầng về internet đủ mạnh, đảm bảo các cơ sở giáo dục chủ động trong thực hiện dạy học trực tuyến.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, hiện nay giáo viên đa phần sử dụng các nền tảng, phần mềm của nước ngoài nên rất phụ thuộc, bị động. Nhiều giáo viên vẫn dạy trực tuyến theo kiểu livestream không hiệu quả. “Bộ GD-ĐT cần xây dựng chuẩn phần mềm dạy học trực tuyến, đảm bảo mô phỏng được một lớp học trên internet. Hệ thống máy, trang thiết bị cho học sinh khi học trực tuyến cũng cần có sự đầu tư về bản quyền để học sinh có máy tính được cài đặt, đủ phần mềm học tập, thuận tiện hơn, hạn chế nguy cơ và tính không an toàn khi học sinh học trên điện thoại”, ông Nguyễn Văn Hiếu nói.

Đặc biệt, TP.HCM kiến nghị cần có thêm chủ trương của Trung ương về giảm, miễn thuế trong 3-5 năm tới cho chủ doanh nghiệp mầm non ngoài công lập, để các doanh nghiệp có thời gian tái đầu tư, có động lực đầu tư trở lại, hỗ trợ công tác giáo dục của địa phương khi mở cửa trường học.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, hiện nhiều tỉnh thành đang biên soạn khung nội dung tài liệu giáo dục địa phương thống nhất cho bậc phổ thông từ lớp 1-12. TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT có chủ trương phê duyệt khung nội dung này, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt của việc đổi mới chương trình GDPT.

Bên cạnh đó, các hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về tài liệu giáo dục địa phương chỉ hướng dẫn về nội dung, hồ sơ thẩm định, phê duyệt. Khâu in ấn, phát hành rất bế tắc, gây khó khăn cho Sở GD-ĐT khi tham mưu UBND TP trong việc chọn NXB có chức năng để biên soạn tài liệu này. Do đó, TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu, có chỉ đạo, “gỡ khó” cho các địa phương, có thể theo hướng xã hội hoá…

Cuối cùng, TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT và BHXH Việt Nam có chỉ đạo thống nhất trong cả nước về chi trả cho lao động thất nghiệp theo Nghị quyết 116 và Nghị định 60 của Chính phủ để giáo viên được thụ hưởng chính sách một cách đồng bộ.

Yến Hoa

Bình luận (0)