Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu: Nâng cao chất lượng đội ngũ từ đổi mới công tác tuyển dụng giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Năm học 2024-2025, TP.HCM xây dựng nhiều điểm mới trong công tác tuyển dụng, trong đó đẩy mạnh phân cấp trao quyền tuyển dụng cho các nhà trường, tăng cường tuyển dụng từ nguồn sinh viên xuất sắc. Đặc biệt, ngành cũng xây dựng nhiều chính sách để thu hút nguồn tuyển.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu

Giáo dục TP.HCM đã có những trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM xung quanh vấn đề tuyển dụng giáo viên của TP.HCM.

+ Phóng viên: Xin ông cho biết những điểm mới trong công tác tuyển dụng giáo viên của ngành giáo dục thành phố trong năm học này?

– Ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Năm học 2024-2025, đối với công tác tuyển dụng, ngành giáo dục thành phố tiếp tục thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức nêu quy định về thẩm quyền tuyển dụng viên chức: “Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện”.

Tiếp tục thực hiện Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND của UBND thành phố ban hành Quy định phân cấp tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của UBND TP.HCM.

Tính đến nay Sở GD-ĐT đã phân cấp thực hiện việc tuyển dụng viên chức cho 29 đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên trực thuộc Sở GD-ĐT. Trong đó, năm 2024, Sở GD-ĐT đẩy mạnh phân cấp thực hiện việc tuyển dụng viên chức cho hiệu trưởng của 9 đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên trực thuộc Sở GD-ĐT có trụ sở trường xa trung tâm thành phố bao gồm 7 đơn vị tại huyện Củ Chi và 1 đơn vị tại TP.Thủ Đức, 1 đơn vị tại huyện Bình Chánh.

Năm học 2024-2025, việc tuyển dụng viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở GD-ĐT có 3 điểm mới đáng chú ý: Người dự tuyển được đăng ký 2 nguyện vọng (cũ là 3 nguyện vọng); Tại Vòng 1 chỉ còn tổ chức thi kiểm tra Phần I (Kiến thức chung) bằng hình thức trắc nghiệm trên máy vi tính và không tổ chức thi Phần II (Ngoại ngữ) do các vị trí việc làm cần tuyển không còn yêu cầu ngoại ngữ trong tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng và theo bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm.

Đặc biệt, ngay sau kỳ tuyển dụng mà phát sinh nhu cầu tuyển dụng mới đối với vị trí việc làm có yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện như vị trí việc làm mà người dự tuyển đã đăng ký, Sở GD-ĐT xem xét, quyết định việc trúng tuyển đối với người dự tuyển có kết quả tuyển dụng thấp hơn liền kề so với kết quả tuyển dụng của người trúng tuyển cho đến khi đủ nhu cầu tuyển dụng phát sinh.

+ Ông đánh giá công tác tuyển dụng giáo viên của thành phố hiện nay đang gặp những khó khăn nào? Hiện nay, ngành đang xây dựng những chính sách gì để thu hút nguồn tuyển với những bộ môn khó tuyển, thưa ông?

– TP.HCM hiện nay chỉ gặp khó khăn về nguồn tuyển dụng viên chức vị trí giáo viên của cấp học theo môn. Cụ thể: bậc tiểu học thì gặp khó tuyển ở các môn âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh, tin học, giáo dục thể chất; THCS là các môn âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh, tin học, công nghệ; THPT với các môn âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ. Trong đó khó khăn nhất là tuyển dụng giáo viên đối với cấp học tiểu học và THCS do không có hoặc có rất ít người đăng ký dự tuyển hoặc người đăng ký dự tuyển không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, hiện nay ngành GD-ĐT TP đã xây dựng những giải pháp sau: Tăng cường công tác tuyên truyền việc tuyển dụng viên chức trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm thu hút nguồn nhân lực tại chỗ và thu hút nguồn lực ở các tỉnh, thành đến công tác tại TP.HCM.

Sớm hoàn thiện Đề án chính sách thu hút đối với giáo viên tiểu học tại các trường tiểu học công lập trên địa bàn TP.HCM đối với các bộ môn khó tuyển dụng như tiếng Anh, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật nhằm thu hút nguồn nhân lực tham gia, đảm bảo đáp ứng nguồn nhân lực kịp thời để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018 và làm nền tảng cho đề án thu hút đối với giáo viên các cấp học còn lại.

Tiếp tục đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực tại các trường đại học trên địa bàn TP.HCM để tuyển dụng vào vị trí giáo viên các cấp học.

Tiếp tục phối hợp triển khai, thực hiện tốt chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển toàn diện giáo dục.

Tiếp tục rà soát, phân cấp tuyển dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên trực thuộc Sở GD-ĐT thuộc diện nhiều năm liền khó có người trúng tuyển viên chức đồng ý đến nhận việc và ký kết hợp đồng làm việc.

+ Năm học 2023-2024 là năm đầu tiên Sở GD-ĐT TP.HCM thực hiện thí điểm tuyển dụng từ nguồn sinh viên xuất sắc. Năm nay, ngành tiếp tục tuyển dụng giáo viên từ nguồn này với một giáo viên trúng tuyển được phân về Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Sau 1 năm đầu thí điểm, ông đánh giá hiệu quả như thế nào, thưa ông?

– Việc tuyển dụng từ nguồn sinh viên xuất sắc được Sở GD-ĐT thực hiện theo Quyết định số 3373/QĐ-UBND ngày 11-8-2023 của UBND thành phố về ban hành Kế hoạch tuyển dụng công chức, viên chức thành phố từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ năm 2023 và theo Thông báo số 5697/TB-SNV ngày 19-10-2023 của Sở Nội vụ về tuyển dụng công chức, viên chức thành phố từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ năm 2023 theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP.

Theo đó, năm 2023, Sở GD-ĐT có 2 trường hợp sinh viên xuất sắc trúng tuyển viên chức vị trí giáo viên THPT hạng III; Sở đã tiếp nhận và phân công về công tác tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và THPT chuyên Lê Hồng Phong. Qua quá trình công tác, các bạn giáo viên trẻ đã phát huy được kiến thức, năng lực và có nhiều đóng góp trong hoạt động chuyên môn cho cơ quan, đơn vị mình.

Năm nay, nhằm tiếp tục phát huy chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, TP.HCM tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP cho 19 vị trí. Sở GD-ĐT TP.HCM có 1 ứng viên trúng tuyển vị trí giáo viên THPT và được phân công về Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Đây là những nhân tố tiêu biểu, chất lượng, là lực lượng tiên phong trong đổi mới sáng tạo, đóng góp hết mình cho công cuộc xây dựng và phát triển ngành giáo dục TP.HCM.

Theo phân công của UBND thành phố Sở GD-ĐT đã ban hành các văn bản gửi ĐHQG TP.HCM, các trường đại học trên địa bàn thành phố để tăng cường, phổ biến tuyên truyền chủ trương này trong sinh viên; phối hợp theo dõi, tiếp nhận thông tin về sinh viên tốt nghiệp xuất sắc để làm nguồn giới thiệu các sinh viên đủ điều kiện đăng ký dự tuyển vào diện thu hút ngay sau khi được tốt nghiệp. Tính đến nay, Sở GD-ĐT đã nhận được danh sách 356 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc đến từ các trường như Trường ĐH Khoa học Tự nhiên; Trường ĐH Sài Gòn; Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM; Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM; Trường ĐH Kinh tế TP.HCM; Trường ĐH Công thương TP.HCM.

+ Xin cảm ơn ông!

Đỗ Yến Hoa thực hiện

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)