Sáng 20-11, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức Chương trình kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982/20-11-2022) gặp gỡ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên tiêu biểu thành phố và trao giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 25 năm 2022.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu nhắn gửi thầy cô hãy tự hào với nghề
Tham dự có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê; Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cùng 636 nhà giáo tiêu biểu, nhà giáo đạt giải Võ Trường Toản qua 25 năm.
Thầy cô hãy tự hào với nghề!
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu đánh giá, ngành giáo dục thành phố đang trải qua những ngày tháng khó khăn, nhiều thử thách. Khó khăn từ đại dịch khiến cả xã hội phải điều chỉnh, ngành giáo dục, với sự tích cực, năng động của quý thầy cô, đã thích ứng linh hoạt trong dạy học, cùng thành phố thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế thành phố, đưa năm học 2021-2022 về đích an toàn và tạo tiền đề để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành giáo dục vào những năm học tiếp theo.
Thử thách của ngành còn đến từ lộ trình thay đổi chương trình GDPT, đến từ những kỳ vọng ngành giáo dục sẽ tạo ra động lực then chốt thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước, của thành phố trong giai đoạn mới mà đại hội Đảng các cấp đã gửi gắm. Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra nhiệm vụ đối với ngành giáo dục thành phố phải “đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên, phát huy vai trò trung tâm giáo dục – đào tạo của cả nước”. Đại hội đã thông qua các chương trình, đề án của ngành giáo dục có tính chiến lược, toàn diện với những yêu cầu rất cụ thể.
Thứ Trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc trao Cờ thi đua Bộ GD-ĐT cho Sở GD-ĐT TP.HCM
"Trong thời gian tới, chính các thầy giáo, cô giáo là những người trực tiếp tiếp tục cụ thể hóa các nhiệm vụ, yêu cầu trên thành thực tiễn, giúp đào tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao, những công dân trẻ sống tốt, sống có ích, góp phần xây dựng, phát triển thành phố và đất nước. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, tôi kêu gọi mỗi thầy giáo, cô giáo tiếp tục nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”" – ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhận định, nghề giáo là một nghề đặc biệt. Thầy cô vừa là những kỹ sư kiến thiết nền tảng về tri thức và nhân cách cho học sinh, vừa là những nghệ sĩ trên bục giảng để truyền cảm hứng, niềm đam mê và hoàn thiện tâm hồn cho những công dân trẻ. Thầy cô có tác động rất lớn đến nhân sinh quan, thái độ, tình cảm của học trò nên phải luôn trau dồi nhân cách, nêu gương tốt, tích cực học tập để không bị lạc hậu trong kỷ nguyên số.
Ông nhắn gửi, thầy cô hãy tự hào với nghề, với sự tiên phong của ngành giáo dục và đào tạo thành phố với các chương trình, đề án đột phá nhằm đổi mới căn bản, toàn diện, nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực, hướng đến trình độ quốc tế. Đồng thời chỉ rõ, để thực sự trở thành động lực then chốt cho sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, là trung tâm giáo dục đào tạo của cả nước và vươn tầm quốc tế; học sinh thành phố cần được tạo điều kiện để phát triển năng lực, phẩm chất cá nhân, tính sáng tạo, kỹ năng tự học và năng động, dễ dàng thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế. Công dân thành phố mang tên Bác phải chủ động vận dụng kiến thức vào cuộc sống, tích cực nghiên cứu khoa học, sống có trách nhiệm, mạnh dạn đấu tranh với tiêu cực, bảo vệ lẽ phải và góp phần xây dựng xã hội hạnh phúc.
Cần có thêm chính sách chăm lo đời sống giáo viên Từ thực tế đổi mới tại đơn vị nhà trường, cô Bùi Minh Tâm – Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1) nhìn nhận, áp lực công việc và áp lực xã hội đang đè nặng lên đôi vai giáo viên. Nếu có thêm sự đồng hành, tiếp sức từ nhiều phía thì thầy cô sẽ đi nhanh, đi xa hơn, là động lực phát triển thành phố. "Với sự kiên định với nghề, thầy cô vẫn đang là điểm tựa cho mỗi học sinh. Thế nhưng, đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn, mong rằng sẽ tiếp tục được duy trì những chính sách hỗ trợ hiện tại và nhận được những chính sách hỗ trợ phù hợp trong thời gian tới để giáo viên được an tâm công tác đồng thời có thêm những chính sách chăm lo cho đời sống giáo viên, bao gồm đời sống vật chất và đời sống tinh thần" – cô Bùi Minh Tâm kiến nghị. NGƯT, TS. Phạm Hữu Lộc – Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng (TP.HCM) khẳng định, để thành phố phát triển nhanh, bền vững, hội nhập quốc tế, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt để Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045… việc ưu tiên tập trung phát triển nguồn nhân lực tay nghề cao là rất cần thiết và quan trọng. Muốn vậy phải tập trung tối đa nguồn nhân lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát luật đồng bộ, thống nhất tạo điều kiện cho giáo dục nghề nghiệp phát triển… "Cần có thêm cơ chế, chính sách đối với nhà giáo như tiền lương, tiền công, phụ cấp, đào tạo bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng, khen thưởng và tặng các danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú"…" – NGƯT, TS. Nguyễn Hữu Lộc kiến nghị. PGS, TS. Lê Minh Triết cho rằng, việc chăm lo chính sách đãi ngộ cho giáo viên, đặc biệt là các giáo viên trẻ mới ra trường bám trụ được với nghề; tạo cơ chế cho giáo viên, giảng viên trẻ phát huy tính sáng tạo. "Đây chính là gốc của việc giải quyết các vấn đề dạy thêm, học thêm khi đảm bảo mức sống cho giáo viên, giảng viên"- PGS, TS. Lê Minh Triết khẳng định. |
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, lãnh đạo thành phố nhận thức rõ, chính đội ngũ cán bộ quản lý và các thầy cô giáo là những nhân tố trực tiếp triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, thực hiện các giải pháp đổi mới của ngành để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế cho thành phố. Những chính sách đầu tư cho ngành giáo dục thành phố, đặc biệt là chủ trương thu nhập tăng thêm cho giáo viên thành phố trong những năm vừa qua là sự động viên lớn cho đội ngũ.
Thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành. Xây thêm 1.000 phòng học mỗi năm, ưu tiên trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em thành phố. Thành phố cũng tạo điều kiện triển khai nhiều chế độ, chính sách đặc thù thu hút đội ngũ giỏi cho ngành giáo dục; triển khai hiệu quả nhiều đề án, chương trình có tính đột phá, làm tiền đề nhân rộng cho cả nước…
"Với truyền thống năng động, sáng tạo, tích cực đổi mới, đội ngũ nhà giáo thành phố cũng luôn chủ động tự học, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao tay nghề, tất cả vì sự phát triển chung của ngành, của thành phố, vì tâm huyết với nghề, trách nhiệm với các thế hệ học trò. Đó là cơ sở quan trọng giúp giáo dục thành phố vững vàng là ngọn cờ đầu của cả nước, đáp ứng niềm tin yêu, kỳ vọng của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Thành phố.
Nhân buổi lễ hôm nay, tôi kêu gọi đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên, người lao động toàn ngành, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, kiên định với đường lối đổi mới, luôn giữ cho mình tâm sáng, trí bền, xứng đáng là những nhà giáo chân chính"- Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu nhắn gửi.
Yến Hoa
Bình luận (0)