Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu: “Vắc xin” trách nhiệm, yêu thương cho năm học mới

Tạp Chí Giáo Dục

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, nếu như bác sĩ, quân đội là lực lượng tuyến đầu trong phòng chống dịch thì các thầy cô cũng là lực lượng tuyến đầu “rẽ sóng COVID” đưa tri thức đến với học sinh. Hơn bao giờ hết, “vắc xin” cho năm học mới là “vắc xin” của trách nhiệm, yêu thương, của những đôi bàn tay đưa ra dìu dắt…

Vắc xin cho năm học mới là vắc xin trách nhiệm, yêu thương

+ Phóng viên: TP.HCM đang là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, dịch bệnh đã tác động sâu và mạnh đến mọi ngành nghề, đời sống của người dân TP. Giữa muôn vàn những khó khăn, thiếu thốn, ngổn ngang của cả thầy, trò, của phụ huynh, thưa ông, vì sao TP.HCM vẫn quyết định bắt đầu năm học mới vào đầu tháng 9 với hình thức trực tuyến, mà không phải “chậm lại thêm một chút nữa”?.

Ông Nguyễn Văn Hiếu: Trước hết, cần phải nói rằng, lãnh đạo TP, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP rất chia sẻ, thấu hiểu với những khó khăn của phụ huynh, học sinh, của các thầy cô trong bối cảnh dịch COVID-19 tại TP đã kéo dài trong nhiều tháng qua, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống và đặc biệt là sức khoẻ.

Tuy nhiên, với diễn biến của dịch, chủng virus lây lan rất nhanh, dự báo dịch có thể sẽ còn kéo dài, việc lùi thời gian bắt đầu năm học thêm 1 tuần, 2 tuần hay 1 tháng, 2 tháng, liệu chúng ta có chắc chắn rằng học sinh TP sẽ được đến trường học tập bình thường, hay sẽ vẫn tiếp tục học trực tuyến?.

Trong Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhìn nhận rằng, chỉ khi nào vắc xin được tiêm đầy đủ cho học sinh thì khi đó, các em mới được trở lại trường học bình thường.

Tại TP.HCM, học sinh đã có một khoảng thời gian rất dài ở nhà phòng chống dịch (từ giữa tháng 5-2021), việc khởi đầu năm học mới vào thời điểm này còn nhằm duy trì thói quen học tập cho học sinh. Khi được kết nối với bạn bè, thầy cô, các em sẽ có động lực học tập, suy nghĩ tích cực, giảm bớt những căng thẳng, tù túng trong suốt thời gian qua. Đó là chưa kể, việc lùi thời gian học tập càng dài thì áp lực hoàn thành chương trình sẽ càng lớn.

Căn cứ trên tình hình đó, Sở GD-ĐT TP đã tham mưu UBND TP, xây dựng thời gian năm học 2021-2022, xác định học trực tuyến hết HKI, bắt đầu từ ngày 1-9 là tập trung học sinh trung học, và từ ngày 8-9 là tập trung học sinh tiểu học. Trước khi bắt tay vào học những kiến thức mới, thầy, trò sẽ có khoảng thời gian gần 1 tuần để làm quen, hướng dẫn và thống nhất về phương pháp học trực tuyến.

Quyết định bắt đầu năm học mới vào đầu tháng 9 bằng hình thúc trực tuyến còn dựa trên đặc thù của ngành GD-ĐT TP. Giáo viên, học sinh TP đã có quá trình gần 2 năm làm quen với dạy và học trên internet với phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”. Việc dịch chuyển phương thức dạy học truyền thống sang môi trường lớp học ảo, việc sử dụng kỹ năng CNTT, khai thác kho học liệu số…, dù ít dù nhiều, các thầy cô đã có tâm thế chuẩn bị từ rất sớm. Ngành giáo dục cũng đã xây dựng rất nhiều phương án, giải pháp, dự trù những khó khăn khi triển khai việc dạy và học, quản lý chuyển đổi số, sẵn sàng cho năm học nhiều thách thức.

Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, mỗi ngành, mỗi nghề đều có một vai trò, trọng trách riêng, bằng cách này hay cách khác, nhưng đều sẽ góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Đối với ngành giáo dục, đó chính sự thay đổi về tâm thức, tâm thế để thực hiện sứ mệnh giáo dục học sinh. Thay đổi để thích ứng, để tiến về phía trước, biến những hy sinh thành giá trị, biến những thách thức, đau thương thành sức mạnh, biến đường chưa đi thành lối mở. Đây là lúc học sinh cần các thầy cô giáo, hỗ trợ không chỉ là kiến thức mà còn là động viên, chia sẻ.

Nếu như bác sĩ, quân đội là lực lượng tuyến đầu trong phòng chống dịch thì các thầy cô cũng là lực lượng tuyến đầu “rẽ sóng COVID” đưa tri thức đến với học sinh. Hơn bao giờ hết, vắc xin cho năm học mới là vắc xin của trách nhiệm, yêu thương, của những đôi bàn tay đưa ra dìu dắt…

+ Để sẵn sàng cho một năm học mới chưa từng có trong tiền lệ, Sở GD-ĐT-ĐT TP đã chuẩn bị những gì nhằm hỗ trợ cho nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh?

Năm học mới, ngành giáo dục TP.HCM xác định dạy học trực tuyến không còn là giải pháp tình thế mà là giải pháp dạy học phù hợp trong bối cảnh hiện nay, phù hợp trong chuyển đổi số.

Dạy học trực tuyến không chỉ dừng lại là livestream qua zoom, qua Microsolf Team. Đây chỉ là một hoạt động rất nhỏ trong hoạt động dạy học trực tuyến.

Hoạt động dạy học trực tuyến là cả một quá trình, có quản lý, theo dõi, kiểm tra, đánh giá quá trình học của học sinh thông qua hệ thống phần mềm dạy học. Thời gian tương tác, livestream trực tuyến giữa giáo viên và học sinh qua phần mềm là  truyền giảng kiến thức mới, củng cố nhắc nhở học sinh về tinh thần, thái độ, tình cảm, phương pháp. Còn chủ yếu là hoạt động tự học có hướng dẫn của giáo viên thông qua nền tảng công nghệ.

Để hỗ trợ các nhà trường chuyên nghiệp hơn trong dạy học trực tuyến, Sở đã và đang chuyển hệ thống phần mềm LMS cho các trường. Đồng thời, xây dựng kho học liệu số từ lớp 1-lớp 12 cho giáo viên. Riêng lớp 1, 2, 6, đang xây dựng các kênh dữ liệu số theo hình thức cuối chiếu với tiến độ dạy học. Sở cũng đang phối hợp với các đơn vị để miễn, giảm cước phí về đường truyền internet cho học sinh, giáo viên khi học trực tuyến.

Hệ sinh thái trong dạy học trực tuyến đòi hỏi giáo viên phải có kỹ năng sử dụng CNTT. Về điều này, ngay trong đợt tập huấn hè, Sở đã chú trọng trang bị cho giáo viên kỹ năng CNTT để khai thác, sử dụng các tài liệu dạy học trên kho tài nguyên học liệu số, linh hoạt đưa vào bài giảng của mình. Giáo viên cũng cần chú ý khai thác thêm kho học liệu số của Bộ GD-ĐT trên VTV7.

Ngành giáo dục kêu gọi người dân chung tay hỗ trợ học sinh khó khăn

+ Xác định năm học mới bắt đầu bằng hình thức trực tuyến, chắc chắn sẽ có một bộ phận học sinh, nhất là học sinh gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch, không thể tiếp cận với phương thức học tập này. Để không một học nào bị bỏ lại phía sau, để hạn chế thấp nhất khoảng cách trong giáo dục, ngành GD-ĐT TP đã có những giải pháp gì nhằm hỗ trợ đối tượng học sinh này, thưa ông?.  

Sở đã chỉ đạo các nhà trường thống kê, ghi nhận số học sinh không thể tiếp cận với học trực tuyến. Từ đó, căn cứ vào tình hình thực tế tại đơn vị mình, lãnh đạo nhà trường chủ động vận động trong phụ huynh, mạnh thường quân, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ thiết bị học tập cho học sinh khó khăn.

Đồng thời, chỉ đạo các trường phải có kế hoạch kèm cặp, giúp đỡ học sinh bằng mọi hình thức. Ngay khi có điều kiện đi lại, giáo viên có thể đến tận nhà, hỗ trợ các em. Trong đó, đặc biệt lưu tâm đến những học sinh đang “kẹt” ở quê với ba mẹ mà vẫn tiếp tục theo học tại trường. Theo thống kê, đầu năm học, TP có khoảng 100 ngàn học sinh đang “kẹt” ở quê với ba mẹ, chủ yếu là học sinh tiểu học.

Sở GD-ĐT TP rất hiểu và chia sẻ với người dân, phụ huynh bị ảnh hưởng của dịch, mất việc làm, mất thu nhập, không có điều kiện lo cho con học tập trực tuyến. Ngoài sự chủ động của các nhà trường, Sở rất mong mỗi giáo viên trong thời điểm này, nhất là giáo viên tiểu học, hãy quan tâm sâu sát đến từng đối tượng học sinh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo xây dựng những giải pháp hỗ trợ đến từng em, không để em nào tụt lại phía sau.

Về vấn đề SGK, UBND TP đã chỉ đạo, mỗi trường trang bị khoảng 50 bộ SGK dùng chung, học sinh nào quá khó khăn sẽ được nhà trường cho mượn.

Về phía Sở GD-ĐT, đã và đang xây dựng mạng lưới tình nguyện viên, giao phiếu học tập đến tận nhà cho học sinh. Mỗi một cơ sở giáo dục không phân biệt mầm non, phổ thông sẽ có ít nhất một tình nguyện viên làm đầu mối để chuyển giao những tài liệu hướng dẫn học tập, phiếu giao nhiệm vụ học tập đến tận tay học sinh không tiếp cận được môi trường học tập trên internet.

Ngành giáo dục kêu gọi người dân, mạnh thường quân có thiết bị công nghệ cũ như điện thoại thông minh, máy tính, máy tính bảng không có nhu cầu sử dụng quyên góp cho các nhà trường để hỗ trợ học sinh khó khăn.

Sở cũng đang xin ý kiến UBND TP, kết nối với các doanh nghiệp cung ứng thiết bị công nghệ học trực tuyến, kết nối với các ngân hàng hỗ trợ các gia đình có nhu cầu, mua trang thiết bị học trực tuyến trả góp không lãi suất.

Không đặt nặng, không chạy theo phân phối chương trình

+ Nhiều ý kiến cho rằng, việc dạy trực tuyến cho học sinh tiểu học, nhất là khối lớp 1, 2  sẽ không đạt hiệu quả cao. Ông nhìn nhận ý kiến này như thế nào, và Sở có giải pháp nào để tháo gỡ.

Để việc dạy và học trên internet đạt hiệu quả, quan trọng cần phải có môi trường học tập, trong đó bao gồm đường truyền, trang thiết bị học tập, phương pháp giảng dạy của giáo viên, không gian học tập của học sinh.

Với học sinh tiểu học, Sở đã phối hơp với Đài truyền hình TP ghi hình các tiết dạy, sẽ phát sóng vào giữa tháng 9, hướng dẫn phụ hynh học sinh cùng học với con ở bậc lớp 1.

Tới đây, học sinh, phụ huynh tiểu học sẽ có hơn một tuần (từ 8-19/9) để làm quen với phương pháp dạy học của giáo viên. Giáo viên sẽ thông tin, trao đổi đến phụ huynh, học sinh về phương pháp hỗ trợ con em mình trong quá trình tự học.

Đặc biệt, Sở cũng đã quán triệt, đối với học sinh tiểu học, nhất là lớp 1, 2 nội dung dạy học sẽ tinh gọn, cô đọng, tập trung dạy Tiếng Việt, Toán. Mục tiêu của dạy học trực tuyến trong thời đỉểm này với lớp 1, 2 chỉ là đạt được yêu cầu cần đạt tối thiểu, học sinh biết đọc, biết viết, biết làm toán, không yêu cầu cao, không chạy theo tiến độ dạy học và phân phối chương trình, không tạo áp lực cho học sinh. Chính vì thế mà phụ huynh lớp 1, 2 không nên quá hoang mang, lo lắng. Điều cần thiết là hỗ trợ, tạo môi trường để các em ham thích học, biến quá trình học tập hàng ngày thành hoạt động vui học.

Giáo viên cần chia nhỏ quá trình dạy học thành nhiều chặng với các yêu cầu cần đạt từng chặng để phát huy đánh giá bằng nhận xét, giúp học sinh tiến bộ hơn. Việc đánh giá dạy học trực tuyến, phải dựa trên quá trình học và tự học của học sinh ở nhà, quá trình thực hiện các yêu cầu của giáo viên, không chú trọng đánh giá kết quả đạt được trong thời gian ngắn, quan tâm đánh giá cuối kỳ theo thông tư đánh giá mới mà thầy cô đã được hướng dẫn.

Kiên dịnh mục tiêu giáo dục

+ Dù còn ngổn ngang khó khăn, dù phía trước là gập ghềnh “những đường chưa mòn, lối chưa mở”, thế nhưng mùa thu khai trường năm nay vẫn còn đó là vẹn nguyên những háo hức, mong chờ của học sinh. Trước thềm năm học mới, ông có nhắn nhủ gì đến các nhà quản lý, đến giáo viên, phụ huynh, học sinh?.

Tôi rất xúc động khi năm học mới học sinh TP không thể đến trường, không thể có lễ khai giảng. Với rất nhiều thách thức còn ở phía trước, tôi mong rằng, toàn ngành giáo dục, ở mỗi vị trí khác nhau, từ cấp quản lý, nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh đều sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn, đem đến lợi ích tốt nhất cho học sinh, đặc biệt là những ngày đầu tiên “đi học”.

Mỗi một Hiệu trưởng hãy phát huy vai trò quản lý, chủ động phân cấp, phân quyền, quan tâm, hỗ trợ, động viên, tạo điều kiện cho đội ngũ, nhất là các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, giáo viên chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch, đồng lòng đạt chất lượng giáo dục nhà trường trong năm học này.

Với mỗi giáo viên, tôi mong rằng, thầy cô sẽ vượt qua những khó khăn của riêng mình, toàn tâm toàn ý “đứng lớp”, kiên định với mục tiêu giáo dục, dù khó khăn đến đâu cũng cố gắng dạy tốt học tốt.

Trên hết, tôi mong sẽ nhận được sự chia sẻ của phụ huynh học sinh với ngành giáo dục, đồng thuận với chủ trương dạy học trên internet, dành thời gian, không gian, trang thiết bị cho con khi học trực tuyến.

Mỗi thầy cô giáo, mỗi phụ huynh học sinh hãy thường xuyên động viên các em khi học trực tuyến, giúp các em vượt qua những bất tiện, tù túng khi học trên internet. Phát huy tốt đa sự linh hoạt, sáng tạo, bằng mọi hình thức để các em hứng thú khi học trực tuyến.

Với mỗi học sinh, thầy biết rằng khi học trên internet sẽ có nhiều bất tiện, ức chế, thầy mong các em vượt qua được những khó khăn bất tiện này, tăng cường tự học, tự rèn, giữ gìn sức khoẻ, tận dụng chính khoảng thời gian này để bứt phá bởi tương lai trong tay các em. Đó cũng là cách chúng ta chung tay cùng TP, cùng cả nước phòng chống dịch, để một ngày sớm nhất thầy trò sẽ lại được đến trường.

+ Xin cảm ơn ông!

Yến Hoa (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)