Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các cơ sở giáo dục ngoài công lập cần tách bạch hoạt động của doanh nghiệp và hoạt động của trường học. Theo quy định của pháp luật, trường học chỉ được tổ chức thu học phí định kỳ, không tổ chức hùn vốn, góp vốn, huy động vốn gây tiềm ẩn nguy cơ, gây khó khăn trong quản lý.
Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) bị phụ huynh đòi nợ từ các gói "đầu tư giáo dục" và hình thức huy động vốn
Chỉ đạo được ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nêu ra tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý nhà nước với các cơ sở giáo dục ngoài công lập năm học 2022-2023 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức sáng 29-9.
Theo ông Hiếu, hiện một số đơn vị giáo dục ngoài công lập không tách bạch hoạt động của doanh nghiệp và hoạt động của trường học. Theo quy định của pháp luật, trường học chỉ tổ chức thu học phí định kỳ, không tổ chức hùn vốn hay góp vốn, huy động vốn, gây tiềm ẩn nguy cơ, gây khó khăn trong quản lý. Thời gian ổn định một chu kỳ học của học sinh khá dài, lên đến 12-15 năm, có thể có nhiều biến động, thay đổi về giá cả dẫn đến khó khăn cho phụ huynh, các cơ sở giáo dục.
“Hợp đồng dân sự giữa phụ huynh học sinh với chủ doanh nghiệp, đầu tư là hoạt động cần phải tách rời ra hoạt động giáo dục trong trường học. Nhà trường chỉ hoạt động gắn với chuyên môn, phụ huynh học sinh gắn với hoạt động dạy, học trong trường…” – ông Hiếu nhấn mạnh.
Đánh giá đóng góp của hệ thống giáo dục ngoài công lập góp phần nâng cao chất lượng giáo dục thành phố, đặc biệt là ngoại ngữ, tin học, song ông Hiếu cho hay hiện nay còn một số trường có yếu tố đầu tư nước ngoài tuyển vượt quá tỷ lệ 50% học sinh Việt Nam, chưa theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Ông yêu cầu các đơn vị cần phải chấp hành chặt chẽ, kiểm soát và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu trường học cần tách biệt hoạt động doanh nghiệp và hoạt động trường học
Còn tình trạng giáo viên nước ngoài ký hợp đồng lao động với đơn vị trung gian dẫn đến rủi ro khi kết thúc hợp đồng lao động tại các trường, gây khó khăn thậm chí dẫn đến mối quan hệ với pháp luật. Ông đề nghị Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở GD-ĐT và các đơn vị, đảm bảo được quyền lợi của người lao động với đơn vị, đảm bảo sự ổn định cho trường… Ngoài ra, hơn 40% trường ngoài công lập chưa có tổ chức công đoàn cần hoàn thiện cơ cấu tổ chức công đoàn để đảm bảo quyền lợi người lao động.
Năm học 2023-2024, bà Lê Thụy Mỵ Châu – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong công tác quản lý; nghiêm túc thực hiện kê khai giá với các trường tư thục và công khai giá với các trung tâm ngoại ngữ, tin học; tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài theo đúng quy định hiện hành, công ước quốc tế; thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho đội ngũ, đảm bảo đủ số lượng cán bộ quản lý.
Các cơ sở giáo dục ngoài công lập được khen thưởng
Đơn vị giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài cần thực hiện nội dung giáo dục phát triển ngôn ngữ tiếng Việt, chương trình tiếng Việt, Việt Nam học đối với người học là công dân Việt Nam, tổ chức thực hiện tốt chương trình tích hợp…
“Sở GD-ĐT TP.HCM luôn tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân cùng tham gia vào lĩnh vực giáo dục, góp phần phát triển xã hội hóa giáo dục tại TP.HCM. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc đơn vị cần kịp thời thông tin về Sở để được hỗ trợ. Phòng giáo dục ngoài công lập cần tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập để có những biện pháp xử lý chấn chỉnh kịp thời đối với những cơ sở có dấu hiệu vi phạm” – bà Châu đề nghị.
TP.HCM hiện có 90 trường tư thục có vốn đầu tư trong nước; 21 trường phổ thông và 27 trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài; 760 trung tâm ngoại ngữ tin học; 112 cơ sở giáo dục ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài; 122 đơn vị giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; 13 trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập; 584 tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học và 24 văn phòng đại diện, với tổng số giáo viên nước ngoài lên đến hơn 7.000 người…
Yến Hoa
Bình luận (0)