Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Trường học không phải đấu thầu khi tổ chức chương trình nhà trường

Tạp Chí Giáo Dục

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu thông tin, nhà trường không phải đấu thầu khi tổ chức các chương trình nhà trường trong năm học 2024-2025.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu thông tin, việc tổ chức chương trình nhà trường thì không phải thông qua đấu thầu

Thông tin được lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nêu ra tại Hội nghị hướng dẫn triển khai thực hiện thu, sử dụng học phí, các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục và các khoản thu tổ chức các hoạt động giáo dục khác của cơ sở giáo dục và đào tạo công lập trên địa bàn TP.HCM từ năm học 2024-2025, chiều 4-9.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, các hoạt động thuộc chương trình nhà trường là hoạt động nhà trường chỉ tổ chức hộ cho phụ huynh học sinh, do đó nhà trường không phải đấu thầu khi tổ chức.

Riêng việc tổ chức căn tin, bãi xe, nhà trường cần phải đấu thầu theo văn bản quy định của UBND TP để tổ chức phục vụ cho học sinh của trường. Việc tổ chức đấu thầu phải công khai, minh bạch.

Tuy vậy, ông Hiếu đề nghị UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện cần thống nhất khung chung để các trường căn cứ vào đó thực hiện không vượt quá quy định song không cào bằng.

Ví dụ, về nội dung giảng dạy tiếng Anh thì có trường có thể dạy tăng cường 2 tiết, nhưng trường lại dạy 4 tiết… như vậy UBND các quận, huyện phải đưa ra mức khung chung cho các trường trong cùng một khu vực để trường căn cứ thực hiện. Phòng GD-ĐT không thể tham mưu UBND đưa ra mức thu chi tiết cho từng trường được.

Khi đã ban hành khung rồi thì hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm cao nhất về vấn đề này. Hiệu trưởng phải xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn khi tổ chức, trình thông qua hội đồng trường.

“Tôi đề nghị các phòng chuyên môn cần hướng dẫn nhà trường một cách chặt chẽ trong quá trình thực hiện. Đơn cử như khi tổ chức dạy tiếng Anh với giáo viên bản ngữ thì hiệu trưởng nhà trường phải nhận định được rằng học sinh của mình đang ở trình độ, mức độ nào và cần dạy thời lượng bao nhiêu, dạy giáo trình nào… để học sinh có thể phát triển được. Hiệu trưởng phải quyết định được chuyện đó, có hồ sơ thông qua hội đồng trường, đảm bảo hội đồng trường có thể giám sát bất cứ lúc nào việc thực hiện hoạt động chuyên môn của nhà trường”- ông Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu.

Các ý kiến trong hội nghị xoay quanh vấn đề băn khoăn về đấu thầu chương trình nhà trường trong năm học mới đều đã được giải đáp

Đặc biệt, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh: Chương trình nhà trường không phải là chương trình bắt buộc. Do vậy, cần tính tự nguyện rất cao của phụ huynh học sinh. Chỉ khi phụ huynh học sinh đồng thuận mới được xếp lớp.

Năm học này, Sở GD-ĐT sẽ lắng nghe tình hình, báo chí phản ánh nơi nào có hiện tượng không lấy ý kiến phụ huynh hoặc phụ huynh chưa đồng thuận mà bố trí lớp thì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm.

Nói thêm về tổ chức thu các dịch vụ giáo dục, ông Hiếu khẳng định, nếu cùng một dịch vụ mà nhà trường tăng lên quá 15% trong năm học mới thì không đúng. Tuy nhiên, riêng nội dung chuyển đổi số thì rất rộng, nếu trong năm học mới nhà trường triển khai thêm các nội dung khác như học liệu số, học bạ số… thì phải làm đề án gửi lên Sở GD-ĐT, báo cáo giải trình cụ thể về nội dung phát sinh. Sở sẽ thực hiện so sánh giữa các trường THPT cùng khu vực, tham khảo ý kiến các phòng chuyên môn, nếu phù hợp thì sẽ báo cáo HĐND TP để có có ý kiến, sao cho trường thực hiện không trái với quy định.

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên – Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức cho rằng cần có văn bản thống nhất việc không phải đấu thầu khi tổ chức chương trình nhà trường

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên – Trưởng Phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức đánh giá, việc hiệu trưởng được chủ động lựa chọn đơn vị phối hợp tổ chức các hoạt động trong chương trình nhà trường và không phải thông qua đấu thầu là thuận lợi rất lớn. Năm học 2023-2024, TP.Thủ Đức đã thực hiện đấu thầu một số nội dung, thực tế tốn rất nhiều thời gian, công sức.

Mặc dù vậy, ông cho rằng khi không phải đấu thầu các nội dung này thì cần có sự thống nhất chung giữa tất cả các ban ngành trong toàn thành phố, với văn bản hướng dẫn chính thức, đồng bộ để phòng GD-ĐT có tham mưu cho UBND TP vì năm học mới đã rất cận kề. Tránh trường hợp trường thực hiện theo đúng hướng dẫn của Sở GD-ĐT nhưng khi kiểm toán, tài chính thực hiện kiểm tra thì lại thực hiện chưa đúng…

Trao đổi thêm, ông Trần Khắc Huy – Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, qua nghiên cứu và trao đổi với Trung tâm Tư vấn Đấu thầu và Hỗ trợ Đầu tư, thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thì các hoạt động giáo dục bổ trợ trong chương trình nhà trường trên nguyên tắc thu đủ, chi đủ, không để kết toán, không có dư, do vậy không thuộc đối tượng phải đấu thầu. Song khuyến khích các đơn bị tổ chức đấu thầu để đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch.

Các hoạt động nhà trường chỉ “làm hộ” phụ huynh thì không phải đấu thầu

Tại hội nghị, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM nêu rõ, các hoạt động thuộc chương trình nhà trường là hoạt động mà nhà trường chỉ đứng ra “làm hộ” cho phụ huynh học sinh theo tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh. Đo đó, căn cứ theo Luật Đấu thầu năm 2023 thì không thuộc đối tượng phải tổ chức đấu thầu.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thông tin tại hội nghị

 

Quyết liệt chấn chỉnh lạm thu vì quyền lợi học sinh và danh dự của nhà giáo

Tại hội nghị, ông Trần Khắc Huy – Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT TP.HCM nêu rõ, qua kiểm tra, nắm tình hình năm học vừa qua, tình trạng lạm thu đầu năm học xảy ra chủ yếu từ nguyên nhân hiệu trưởng chưa vận dụng và sâu sát Thông tư 16 của Bộ GD-ĐT về tài trợ cơ sở giáo dục và Thông tư 55 về kinh phí hoạt động cha mẹ học sinh. Nhiều hiệu trưởng còn lẫn lộn 2 thông tư này, dẫn đến tình trạng tạo ra dư luận không tốt trong cha mẹ học sinh.

Từ đó, ông đề nghị các trường nghiên cứu thật kỹ Thông tư 16 và Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT trong năm học 2024-2025 khi triển khai các hoạt động vận động phụ huynh.

Bày tỏ sự quyết liệt chấn chỉnh tình trạng làm thu trong năm học mới 2024-2025, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu thẳng thắn: Làm ngành giáo dục mà để đầu năm học có những từ phản cảm không phải giáo dục, tôi đi họp cũng xấu hổ! Tôi chưa thấy hiệu trưởng nào bỏ tiền túi riêng nhưng cách làm thì sai quy định, thứ tự làm chưa đúng…

Ông Hiếu đề nghị các phòng giáo dục phải chỉ đạo quyết liệt hiệu trưởng đơn vị. Hiệu trưởng nào làm sai phòng GD-ĐT phải có biện pháp xử lý. Riêng hiệu trưởng các trường THPT khi sai thì Giám đốc Sở GD-ĐT sẽ xử lý.

“Chúng ta phải quyết liệt với nhau như vậy, phải bảo vệ mình trước hết là vì quyền lợi của học trò nhưng còn vì là danh dự của nhà giáo. Đầu năm học, khi sơ kết học kỳ 1 thì chỉ nên để nhìn nhận rằng nhà trường đã làm được rất nhiều thứ cho học trò chứ không phải ngồi lại kiểm điểm xem trường này làm đúng cái này, sai cái kia…”- ông Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ.

Yến Hoa

Bình luận (0)