Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Tuyệt đối không để tình trạng dạy chay, học chay trong năm học mới

Tạp Chí Giáo Dục

Năm học mới 2024-2025, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết ngành giáo dục sẽ khắc phục triệt để tình trạng dạy chay, học chay. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “thiết bị đến trường mà không ra lớp”.

TP.HCM tuyệt đối không để xảy ra tình trạng dạy chay, học chay trong năm học mới

Thông tin được lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên ngày 4-9 về công tác quan trọng trong năm học 2024-2025 của TP.HCM.

Theo đó, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Sở GD-ĐT TP.HCM đã xây dựng phần mềm quản lý thiết bị, đồ dùng dạy học tại các cơ sở giáo dục trên toàn thành phố. Ngành giáo dục cũng đã tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm cho các cơ sở giáo dục để triển khai hiệu quả trong năm học 2024-2025.

Các trường học phải khai báo tất cả các thiết bị, phần mềm dạy học hiện có, mã hóa, số hóa đưa lên phần mềm quản lý. Mỗi lần sử dụng thì phải đăng ký sử dụng thiết bị dạy học trên phần mềm.

Từ phần mềm quản lý thiết bị dạy học này, phòng chuyên môn của sở sẽ có thể quan sát, theo dõi và quản lý việc nhà trường sử dụng các thiết bị, phần mềm đó trong năm học như thế nào, có thực sự hiệu quả hay không.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nêu rõ: bất kỳ môn học nào cũng đều có đồ dùng, thiết bị dạy học. Một giờ học có thiết bị dạy học sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, truyền tải kiến thức đúng với trọng tâm và yêu cầu cần đạt của từng môn học. Do đó, muốn giảm tải áp lực học hành cho học sinh thì phương pháp dạy học phải gắn liền với việc sử dụng đồ dùng dạy học.

“Năm học 2024-2025, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ dứt khoát không để xảy ra tình trạng dạy chay, học chay trong mỗi nhà trường. Dứt khoát không để tình trạng dạy học mà không có thiết bị dạy học, có thiết bị đến trường mà không ra lớp” – ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.

Theo ông Hiếu, việc đưa thiết bị vào trong môn học sẽ tác động lớn đến sự thay đổi phương pháp dạy học của thầy cô, từ đó làm giảm áp lực cho học sinh, đặc biệt là với các bộ môn tích hợp ở bậc THCS là Khoa học tự nhiên và Lịch sử – Địa lý.

“Từ năm 2019, TP.HCM đã phối hợp với Trường ĐH Sài Gòn tập huấn, bồi dưỡng giáo viên dạy học các môn tích hợp. Từ đó, việc giảng dạy các môn học này ở bậc THCS diễn ra khá tốt. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn đâu đó một số một số giáo viên chậm đổi mới, ngại đổi mới, dạy theo phương pháp cũ, đó là mang từng môn lý, hóa, sinh để dạy cho học sinh. Điều này không phù hợp với tinh thần của dạy học tích hợp và cũng không đúng với mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 là hướng đến yêu cầu cần đạt của mỗi chủ đề, ảnh hưởng đến việc tiếp nhận môn học của học sinh. Do vậy, cùng với việc tập huấn bồi dưỡng nâng cao ở những chủ đề kiến thức liên môn trong hè cho đội ngũ, việc đưa thiết bị vào trong môn học sẽ buộc thầy cô phải đổi mới phương pháp, cách tiếp cận với học sinh” – ông Hiếu đánh giá.

Nhà vệ sinh là điểm được đặc biệt quan tâm trong năm học mới

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu, năm học 2024-2025 nhà vệ sinh trường học sẽ là một điểm mà Sở GD-ĐT TP đặc biệt quan tâm, đảm bảo tạo môi trường thực sự sạch đẹp, vệ sinh, an toàn, hạnh phúc cho mỗi học sinh.

Ông Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu các phòng GD-ĐT triển khai hiệu quả Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025, trong đó tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu phòng học, phòng học bộ môn, nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục, đầu tư xây dựng phòng học để thay thế phòng học tạm thời, phòng học bán kiên cố đã hết niên hạn sử dụng, phòng học nhờ, mượn, thuê.

Từ đó, ông Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu các cơ sở giáo dục sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị trong tổ chức các hoạt động giáo dục, kiên quyết không để tình trạng “thiết bị đến trường mà không ra lớp”; rà soát nhu cầu và có kế hoạch bổ sung đủ thiết bị dạy học tối thiểu để thực hiện thực hiện Chương trình GDPT theo lộ trình quy định; thực hiện rà soát, đề xuất các nội dung đầu tư tăng cường cơ sở vật chất trường học, các hạng mục, ưu tiên đầu tư, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học để đưa vào kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

Cân đối, bố trí ngân sách phù hợp đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện mua sắm thiết bị dạy học để thực hiện hiệu quả chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Yến Hoa

Bình luận (0)