Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn: Tạo sân chơi sinh động giúp HS vững chắc hội nhập

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm gần đây, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tạo nhiều sân chơi giúp học sinh (HS) trung học không chỉ nắm chắc lý thuyết mà còn biết vận dụng lý thuyết một cách linh hoạt vào đời sống thường ngày, tăng cường kỹ năng sống để các em tự tin là một công dân toàn cầu.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn trao bằng khen cho HS tiêu biểu của TP.HCM nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Các Câu lạc bộ (CLB) Nghiên cứu khoa học (NCKH) nở rộ ở từng trường, từng lớp học; các cuộc thi HS mang tính chất gợi mở, tăng cường tính tư duy, sáng tạo hay rèn luyện tay nghề ngày càng tăng… Những sân chơi này giúp HS TP.HCM có thêm cơ hội để giao lưu, học hỏi và vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực tế một cách nhẹ nhàng, sinh động hơn”.

PV: Nhiều năm nay, TP.HCM là địa phương đi đầu cả nước về phong trào NCKH. Vậy ông có thể cho biết, Sở GD-ĐT TP đã có những kế hoạch gì để khuyến khích HS tăng cường tham gia hoạt động này, kết quả ra sao, thưa ông?

Ông Lê Hồng Sơn: Không chỉ có HS trường chuyên mới NCKH mà ngay cả các trường thường, trường mới thành lập cũng được Sở GD-ĐT TP và nhà trường khuyến khích mở các CLB NCKH ngay ở trường. Do đó, các cuộc thi NCKH những năm gần đây thường có HS ở trường THPT thi và đạt giải. Ngoài ra, những HS chuyên về lĩnh vực khoa học xã hội cũng được khuyến khích tham gia và các em đã đưa ra những đề tài rất thiết thực. Chẳng hạn như đề tài “Hệ thống chuyển đổi thổ ngữ thành ngôn ngữ giao tiếp thông thường thông qua nhận diện cử chỉ bàn tay” của hai HS chuyên văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã giành được giải nhất cấp TP năm học này.

Chính nhờ có sự quan tâm, hướng dẫn sâu sát của từng giáo viên, từng cán bộ quản lý giáo dục mà những năm gần đây TP.HCM thường có nhiều thí sinh tham gia cuộc thi NCKH.  Nếu năm 2010-2011 chỉ có 15 đề tài tham dự cuộc thi HS NCKH cấp TP thì đến năm học này đã có đến 450 đề tài (tăng gấp 30 lần so với 5 năm trước). Số lượng HS tham dự cấp quốc gia cũng không ngừng tăng, nếu năm học 2011-2012 (năm đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức thử nghiệm cuộc thi NCKH cấp quốc gia) có 6 đề tài được cử thi quốc gia (3 đề tài đạt giải) thì năm học này có đến 18 đề tài dự thi (13 đề tài đạt giải). Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây TP.HCM luôn có HS đạt giải tại cuộc thi HS NCKH quốc tế, trong tháng 5-2016 này 2 HS Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã giành được giải ba Cuộc thi Intel ISEF tại Mỹ với dự án Thiết bị di chuyển chuyên dụng vượt địa hình cho người già và người khuyết tật. Có thể nói, số lượng và chất lượng giải cuộc thi HS NCKH của HS TP cao nhất khu vực phía Nam và nhiều lần các em đã khẳng định năng lực, bản lĩnh của mình trên đấu trường quốc tế.

Cuộc thi Robothon quốc tế năm 2015 được TP.HCM đăng cai tổ chức

Từ những kết quả này cho thấy HS TP có niềm đam mê NCKH cao và tư duy gợi mở, sáng tạo. Sở GD-ĐT dự kiến sẽ thành lập một vườn ươm NCKH có quy mô lớn dành cho HS, trong đó sẽ thu hút những HS đã từng đạt giải ở các cuộc thi về hướng dẫn cho các em để HS có thêm điều kiện, kiến thức phát huy ý tưởng của mình.

Ngoài cuộc thi NCKH mang tính toàn cầu, TP cũng đã có nhiều đổi mới trong các cuộc thi HS giỏi. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Ngành GD-ĐT TP luôn xác định phải đổi mới phương pháp giảng dạy, đánh giá, thi cử để khuyến khích các em tích cực tham gia học tập. Vì vậy, những năm gần đây đã có nhiều đổi mới trong các cuộc thi HS giỏi để các em xem đây là một sân chơi giúp mình phát huy năng lực vận dụng, sáng tạo. Cụ thể, kỳ thi HS giỏi lớp 9 năm nay là năm đầu tiên Sở GD-ĐT TP tổ chức cho HS thi môn kiến thức tổng hợp thực tiễn nhằm định hướng cho các em không học lệch môn mà học toàn diện.

Môn thi này kiểm tra kiến thức ở mức độ căn bản theo khuynh hướng chiều rộng, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, qua đó HS thể hiện được năng lực vận dụng kiến thức thực tiễn của mình để giải quyết tình huống trong cuộc sống.

Giữa tháng 5-2016 này, Sở GD-ĐT cũng đã tổ chức Cuộc thi toán học – tư duy và thực tiễn cho hơn 700 HS lớp 5 và lớp 6. Đây là lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức nhằm rèn luyện năng lực tư duy và suy luận của HS để các em vận dụng kiến thức toán học vào nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Các bài toán được giám khảo lồng vào từng tình huống thực tiễn, qua đó các em thấy được vai trò của toán học trong đời sống hàng ngày.

Những cuộc thi này không chỉ là một sân chơi giúp các em hăng hái hơn trong học tập mà còn đòi hỏi người giáo viên giảng dạy cũng phải định hướng phương pháp giảng dạy mang tính thực tế hơn. Từ đó, HS sẽ thấy những giờ học trên lớp không còn tính hàn lâm, lý thuyết nữa mà học về những vấn đề rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày của các em.

Được biết, Sở GD-ĐT còn tổ chức rất nhiều hoạt động khác để giúp các em rèn luyện, phát triển kỹ năng tay nghề. Đây là một trong những kỹ năng quan trọng trong quá trình hội nhập. Vậy HS TP đã được tham gia sân chơi này như thế nào?

Giáo dục HS hiện nay không chỉ là dạy về kiến thức mà phải giáo dục toàn diện cho các em. Vì vậy, Sở GD-ĐT đã tổ chức các hội thi như: Khéo tay kỹ thuật, Đầu bếp trẻ, Sáng tác ảnh… thường niên giúp các em nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, kết nối giữa học lý thuyết với ứng dụng, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn.

Đầu năm nay, Sở GD-ĐT đã tổ chức chung kết cuộc thi Khéo tay kỹ thuật lần thứ 3 với 12 môn thi liên quan đến công nghệ, kỹ thuật dành cho HS THCS, Sở GD-ĐT đã trao giải thưởng cho 48 thí sinh và tập thể. Vừa qua, Sở GD-ĐT cũng đã trao giải cho 32 tác phẩm sáng tạo tại cuộc thi Sáng tác ảnh lần thứ 9 dành cho HS trung học. Hội thi này thu hút đến 15.000 HS THPT và 11.000 HS THCS tham gia.

Những sản phẩm mà HS tạo ra thể hiện tay nghề và tính sáng tạo cao. Điều này khẳng định tay nghề và tư duy các em không thua kém bất kỳ công dân toàn cầu nào. Điều quan trọng là chúng ta phải biết nắm bắt và tạo những sân chơi cho các em có cơ hội phát huy sở trường của mình.

Xin cám ơn ông!

Dương Bình (thực hiện)

Bình luận (0)