Giáo dục nghề nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động nghề hiện đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Việc này đã ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đại biểu chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Cần sự đầu tư
Ông Tống Thanh Nhân – Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng cho biết, để mở rộng hoạt động đào tạo, nhà trường đã xin ý kiến đầu tư xây dựng thêm cơ sở ở huyện Hóc Môn từ năm 2016. Tuy nhiên do vướng mắc về hồ sơ mãi cho đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành. “Chúng tôi rất mong dự án này sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động để nhà trường có cơ sở vật chất phục vụ việc giảng dạy, nâng cao nguồn nhân lực”, ông Nhân bày tỏ.
Nguyễn Đức Huy – Giám đốc Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao chia sẻ, hiện nay TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn. Thời gian qua, trung tâm có cơ hội tiếp cận với các đối tác đào tạo một khâu nhỏ trong ngành bán dẫn là thiết kế vi mạch. Tuy nhiên, khâu này lại chưa được công nhận là một nghề trong khi người lao động có thể tham gia học tập để chuyển đổi nghề mà không cần nền tảng ban đầu. “Chúng tôi rất muốn thiết kế vi mạch được công nhận là nghề để bổ sung vào chương trình đào tạo của trung tâm, góp phần tạo ra nguồn nhân lực phục vụ cho đất nước”, ông Huy bày tỏ.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết (đại diện cho một doanh nghiệp thuộc Khu Công nghiệp Tây Bắc, huyện Củ Chi) cho hay, doanh nghiệp đang gặp khó khăn ở hai vấn đề. Thứ nhất, hiện nay có những sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rất giỏi, năng động, sáng tạo. Bên cạnh đó cũng có những bạn chưa giỏi nhưng lại cho mình có năng lực và đòi hỏi mức lương khá cao (từ 15-20 triệu đồng/tháng). Thực tế, những bạn này chưa đáp ứng nhu cầu mà doanh nghiệp cần, phần lớn những hiểu biết của các bạn chỉ tập trung vào lý thuyết, chưa vững thực hành. Thứ hai, doanh nghiệp đang gặp khó trong việc tìm nguồn nhân lực đối với nghề y tế doanh nghiệp. “Yêu cầu của chúng tôi chỉ cần lao động biết sử dụng máy tính, biết làm báo cáo, sơ cứu, cấp thuốc. Tuy nhiên chúng tôi đã tuyển hơn 1 năm qua nhưng chưa tìm được lao động phù hợp. Có những lao động đến xin việc nhưng do được đào tạo với vai trò là y tế bệnh viện nên họ chỉ biết chăm sóc người bệnh, không thành thạo các kỹ năng về tin học, viết báo cáo… Chúng tôi mong các trường nghề chú trọng thực hành để đáp ứng nhu cầu nhân lực”, bà Tuyết chia sẻ.
8 vướng mắc cần được giải quyết
Ông Lê Văn Thinh – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, bình quân hàng năm có hơn 195.000 người học tốt nghiệp các trình độ giáo dục nghề nghiệp và tham gia thị trường lao động. Chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động của TP và các tỉnh xung quanh.
Nếu giáo dục nghề nghiệp được đầu tư xứng tầm sẽ tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội
Tuy nhiên, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM đang gặp 8 khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết sớm. Một là, chính sách miễn, giảm học phí cho người học có nhiều thay đổi về mức chi, cách thức thực hiện khi Chính phủ ban hành Nghị định số 81 năm 2021 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Hai là, công tác liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là việc liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập gặp khó khăn khi các đơn vị chưa được phê duyệt Đề án quản lý, sử dụng tài sản công. Hoặc các đơn vị chưa nghiên cứu đầy đủ quy định nên khi triển khai còn có nội dung chưa được sự đồng thuận giữa hai bên, còn chưa đảm bảo theo quy định. Ba là, công tác phối hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp còn trở ngại do cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp chưa đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn nhà giáo giáo dục nghề nghiệp ở năng lực nghiệp vụ sư phạm. Bốn là, chế độ chính sách dành cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp chưa đủ hấp dẫn. Năm là, công tác giao đất, cho thuê đất cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được thực hiện hiệu quả. Nguồn đất sạch, có quy hoạch là đất giáo dục hiện đang khan hiếm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khó tiếp cận nguồn đất này do không có thông tin liên quan. Sáu là, học sinh học nghề trình độ trung cấp không còn được hưởng chính sách tạm hoãn nghĩa vụ quân sự nên phần nào cũng gây khó khăn cho các trường trung cấp khi tổ chức tuyển sinh. Bảy là, công tác chuyển đổi số chưa thực hiện hiệu quả, còn nhiều nội dung bắt buộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải sử dụng bản giấy. Tám là, việc triển khai thực hiện một số chính sách đào tạo nghề trong thời gian gặp trở ngại khi mức chi phí ngân sách hỗ trợ thấp, người học phải đóng phần chênh lệch học phí cao (công tác đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự; công tác đào tạo nghề cho người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; đào tạo nghề cho người bị thu hồi đất, lao động nông thôn; người chấp hành xong hình phạt tù) nên người dân ít tham gia các khóa đào tạo nghề. “Chúng tôi mong muốn TP giải quyết những khó khăn, vướng mắc và có những đầu tư xứng tầm cho giáo dục nghề nghiệp. Có như vậy, giáo dục nghề nghiệp mới phát triển và đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn hiện nay”, ông Thinh bày tỏ.
Hồ Trinh
Bình luận (0)