Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

“Giảm giá” để được tuyển dụng

Tạp Chí Giáo Dục

Cân nhắc ghi mức lương đề nghị vào đơn tìm việc có thể giúp người lao động dễ được tuyển dụng hơn. Trong ảnh: Ứng viên đăng ký tìm việc tại Báo NLĐ – Ảnh: D.Quốc

Việc chấp nhận mức lương thấp hơn mức lương đề nghị đang trở thành xu hướng phổ biến trong giới tìm việc.

Suy giảm kinh tế đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) phải cắt giảm, sắp xếp lại lao động. Hoạt động tuyển dụng, tìm việc trên thị trường lao động cũng có những thay đổi so với trước đó. Trong lúc nhà tuyển dụng phải “thắt lưng buộc bụng” thì người lao động (NLĐ) chấp nhận giảm lương và phúc lợi. Đó là một sự chia sẻ khó khăn với DN, đồng thời cũng là cách NLĐ dễ dàng tìm việc làm hơn trong tình hình khó khăn.

Chấp nhận giảm lương, phúc lợi

Các thống kê từ hoạt động tuyển dụng, tìm việc tại Công ty Loan Lê cho thấy tùy theo cấp độ lao động, mức giảm lương và phúc lợi có khác nhau. Ở nhóm lao động phổ thông, công nhân sản xuất, do tính chất việc làm bấp bênh và mức lương thấp, tỉ lệ người chấp nhận giảm lương không cao hoặc mức chấp nhận giảm lương ít. Thay vào đó, khi tìm kiếm việc làm, phần đông nhóm lao động này chấp nhận làm thêm việc, thêm giờ với hy vọng nâng cao thu nhập.

Ngược lại, nhóm lao động trung cấp, mức chấp nhận giảm lương thấy rõ từ khoảng 5% – 20%. Một kế toán trước kia lương 5 triệu đồng/tháng, nay có thể chấp nhận 4 triệu đồng/tháng. Một sinh viên tốt nghiệp ĐH được thỏa thuận trả lương thử việc 2,5 triệu đồng/tháng, nhưng sau đó “cắt” xuống còn 2 triệu đồng/tháng vẫn chấp nhận.

Đòi hỏi chất lượng cao

Tương ứng với xu hướng chấp nhận giảm lương của NLĐ, cùng một vị trí tuyển dụng, nhiều DN cũng đưa ra mức lương thấp hơn trên dưới 20% so với trước. Theo xu hướng này, nhà tuyển dụng bắt đầu “kén cá, chọn canh”; đòi hỏi cao hơn năng lực chuyên môn, chất lượng làm việc của NLĐ. Hiện có xu hướng thay đổi nhân sự cấp cao từ mức khá lên giỏi, từ giỏi lên xuất sắc để giúp DN xử lý các tình huống khó khăn trong kinh doanh, giúp DN trụ lại trong khó khăn.

Một số DN chọn giải pháp chia lương thành hai phần: lương cố định và lương theo doanh thu. Như vậy, NLĐ vừa có thể được bảo đảm một mức lương tối thiểu để trang trải cuộc sống vừa có cơ hội được tăng thu nhập từ những đóng góp thiết thực vào kết quả hoạt động của DN. Giải pháp này giúp các DN giảm chi phí cố định mà vẫn giữ được nhân viên và làm cho nhân viên gắn bó hơn với hoạt động kinh doanh của DN.

Tình hình việc làm vẫn sẽ còn nhiều khó khăn. Vì vậy, NLĐ càng phải sát cánh chia sẻ cùng DN nhiều hơn. Sự chia sẻ hay những đòi hỏi về tiền lương trong quan hệ tuyển dụng theo hướng tự “giảm giá” của NLĐ có thể kéo dài trong một hoặc hai năm nữa.

 

Hơn 80% lao động cao cấp chấp nhận giảm lương

Mức giảm từ 10% đến 50% so với mức lương và các phúc lợi trước đó của họ. Người trước đây có mức lương và phúc lợi càng cao, tỉ lệ chấp nhận giảm càng nhiều. Một số ứng viên nước ngoài dự tuyển làm việc tại VN trước kia mong muốn mức lương 12.000 USD/tháng, nay giảm còn 8.000 USD/tháng, hoặc từ 6.000 USD/tháng giảm còn 4.000 USD/tháng.

Một số ứng viên cao cấp VN trước có mức lương 3.000 USD/tháng, nay có thể chấp nhận 1.500 USD/tháng hoặc 2.000 USD/tháng. Ngoài ra, một số ứng viên không giảm lương nhưng chấp nhận giảm phúc lợi hoặc mong muốn giữ nguyên mức lương và phúc lợi cũ nhưng bày tỏ sự cố gắng để làm việc hiệu quả hơn, cam kết rõ ràng hơn về mức độ đóng góp cho DN.

Chung quanh việc tuyển dụng và làm việc hiện có hai xu hướng nổi bật:

1. Đối với nhà tuyển dụng: Hầu hết DN đều giảm mức lương trả cho nhân viên mới. Cùng một vị trí, mức trả hiện nay thường chỉ bằng 70% – 80% so với trước.

2. Đối với ứng viên: Do nhận biết tình hình khó khăn, không dễ có việc làm nên chấp nhận mức lương thấp hơn. Có ứng viên đang làm vị trí cao cũng có thể chấp nhận vị trí thấp hơn, đồng nghĩa với lương thấp hơn…

Theo Lê Thị Thúy Loan / NLĐ

 

Bình luận (0)