Chương trình giáo dục phổ thông mới bậc tiểu học vừa được công bố đã làm xôn xao các giáo viên đang dạy tiểu học. Bởi trên lý thuyết, chương trình mới là giảm môn, giảm tải. Thế nhưng, với giáo viên tiểu học, chương trình giáo dục phổ thông mới bậc tiểu học không giảm mà là tăng.
Về môn học ở tiểu học, chương trình mới không giảm môn học nào cả mà phải nói là ghép môn học thì chính xác hơn. Môn lịch sử và môn địa lý trong chương trình lớp 4, lớp 5 hiện tại được ghép thành một môn “Lịch sử và địa lý”. Môn mỹ thuật và môn hát nhạc ở chương trình hiện nay được ghép thành một môn “Nghệ thuật”. Môn thủ công ở lớp 1, lớp 2, lớp 3 và môn kỹ thuật ở lớp 4, lớp 5 được phát triển thành phần công nghệ ở môn “Tin học và công nghệ” trong chương trình mới. Như vậy, chương trình mới không giảm môn nào cả mà còn tăng thêm môn “Ngoại ngữ 1” và phần tin học (trong môn “Tin học và công nghệ”) vì hiện nay môn ngoại ngữ và tin học chỉ là môn học tự chọn, các trường học hai buổi có điều kiện thì tổ chức dạy, không bắt buộc. Thêm nữa, chương trình giáo dục phổ thông mới còn có một hoạt động giáo dục bắt buộc là “Hoạt động trải nghiệm”. Như thế, chương trình mới đã tăng 2 môn học và 1 hoạt động giáo dục so với chương trình hiện tại chứ không hề giảm.
Số môn học tăng thì số lượng kiến thức tăng, số tiết học tăng, như thế làm sao có thể nói chương trình mới giảm tải? Chính vì tăng môn, tăng tiết, chương trình tiểu học mới buộc phải thiết kế học 2 buổi/ngày. Biện minh rằng tiết học ở chương trình mới chỉ có 35 phút và mỗi ngày chỉ học không quá 7 tiết là giảm tải là không hợp lý. Chương trình hiện tại được thiết kế học 1 buổi, mỗi buổi học 5 tiết. Các tiết học ở tiểu học dao động từ 35 đến 45 phút. Với những bài khó hoặc dài hay đối tượng học sinh chậm, giáo viên thường phải dạy 45 phút để đảm bảo mục tiêu bài dạy và để học sinh nắm vững kiến thức. Với chương trình hiện nay, các trường học 2 buổi cũng chỉ học 7 tiết/ngày; trong đó chỉ có 5 tiết học bắt buộc của chương trình. Các tiết còn lại các em sẽ được tham gia học ngoại ngữ với người nước ngoài, học kỹ năng sống… và tham gia các hoạt động ngoại khóa khác. Như thế chương trình hiện tại và chương trình mới, chương trình nào nhẹ nhàng hơn đối với học sinh về lượng kiến thức và số lượng tiết học bắt buộc?
Chương trình tiểu học mới được thiết kế học 2 buổi/ngày và lại nêu rằng các trường chưa đủ điều kiện, học sinh chỉ học 1 buổi sẽ có hướng dẫn riêng. Vậy là lại phải cắt xén chương trình mới! Vậy là học sinh ở các trường học 2 buổi và các trường học 1 buổi lại có độ chênh về kiến thức! Vậy chương trình giáo dục phổ thông bậc tiểu học mới có thật sự “mới”, có thật sự khả thi so với chương trình hiện nay?
Lê Phương Trí
Bình luận (0)