Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giảm học sinh bỏ học từ giáo viên chủ nhiệm

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm gần đây, mặc dù các trường học luôn cố gắng duy trì sĩ số học sinh, thế nhưng tình trạng các em bỏ học vẫn còn nhiều. Đây là một nỗi lo không chỉ của ngành giáo dục mà còn là của toàn xã hội.
Học sinh bỏ học do nhiều nguyên nhân, nhưng tập trung nhiều nhất là ở các nguyên nhân sau: Thứ nhất, kinh tế gia đình khó khăn, phụ huynh đặt “cái ăn, cái mặc” lên trên việc học. Từ đó, cha mẹ không quan tâm đến việc học của con, sẵn sàng cho nghỉ học khi con có thể kiếm tiền để phụ lo toan cuộc sống hàng ngày như bán vé số, phụ bán hàng, đi làm thuê… Thứ hai, học sinh có cha mẹ ly hôn hay thường xuyên bất hòa. Các em thiếu thốn tình cảm, hụt hẫng tinh thần, chán học rồi bỏ học. Thứ ba, học sinh ở các gia đình mà cha mẹ mải lo làm ăn, không có thời gian quan tâm đến việc học của con cái. Các em dần mê chơi hơn học dẫn đến học yếu, chán học rồi bỏ học. Thứ tư, các em tiếp thu chậm, học yếu, gia đình không đủ kiên nhẫn để giúp con em học tập. Từ đó các em nản chí, không muốn đến trường, trốn học, rồi bỏ học.
Để giảm tỉ lệ học sinh bỏ học rất cần sự góp sức của nhà trường, phụ huynh và cả địa phương nơi các em cư trú, nhưng quan trọng nhất chính là giáo viên chủ nhiệm lớp. Theo đó, giáo viên chủ nhiệm giỏi phải là người có khả năng thực hiện các biện pháp để tỉ lệ học sinh bỏ học của lớp mình phụ trách ở mức thấp nhất. Để làm được điều này, ngay từ đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm phải tìm hiểu hoàn cảnh từng học sinh, chú ý đến những em có nguy cơ bỏ học. Sau đó, giáo viên liên hệ sớm với phụ huynh của những em có nguy cơ bỏ học để tư vấn, động viên, giải thích cho phụ huynh thấy tầm quan trọng của việc học đối với tương lai các em. Kế tiếp, giáo viên nhanh chóng trao đổi với ban giám hiệu đề xuất các trường hợp học sinh khó khăn về kinh tế để có thể xin hỗ trợ đồ dùng học tập, miễn giảm các khoản tiền đóng góp hoặc đề xuất xin học bổng của trường, của địa phương. Trong sinh hoạt, học tập hàng ngày, giáo viên chủ nhiệm nên dành thời gian trao đổi, chuyện trò với những học sinh có nguy cơ bỏ học để hiểu được tâm tư, nguyện vọng nhằm kịp thời động viên các em vượt qua khó khăn, cố gắng học tập… Song song đó, các thầy cô phải đổi mới phương pháp dạy học, phải dạy học theo hướng cá thể hóa, phát huy tính tích cực của học sinh để các em học tập một cách hứng thú, chủ động. Trong suốt năm học, giáo viên chủ nhiệm cần động viên, khuyến khích các học sinh trong lớp tham gia tất cả hoạt động của lớp, của trường… Qua các hoạt động ngoại khóa này, học sinh của lớp đoàn kết, yêu thương, gắn bó nhau hơn. Từ đó, các em sẽ thích đến trường, đến lớp hơn vì được thầy yêu, bạn mến mà không còn ý nghĩ bỏ học…n
Lê Phương Trí

Bình luận (0)