Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giảm lãi suất: Quả bóng trong chân Ngân hàng Nhà nước

Tạp Chí Giáo Dục

Việc ứng vốn của ngân hàng nhà nước không thể duy trì một cách thường xuyên và lâu dài. Ngay bây giờ, chúng ta cần phải tính đến những giải pháp căn cơ nhằm giúp các ngân hàng thương mại phục hồi thanh khoản của họ, trước hết là làm sống dậy các dòng vốn đã nằm bất động trong các dự án bất động sản dở dang hay trong các cổ phiếu đang mất giá.

Nỗ lực giảm lãi suất bằng những biện pháp chế tài khá mạnh mẽ mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được đón nhận với nhiều thái độ mừng và lo khác nhau từ các doanh nghiệp, các ngân hàng và người gởi tiền.

Đối với doanh nghiệp, giảm lãi suất quả là một tín hiệu đáng mừng. Trong suốt nhiều tháng qua, họ đã phải chịu những áp lực tài chính nặng nề từ lãi suất cao, năng lực cạnh tranh suy yếu dần và nhiều doanh nghiệp nhỏ đã phải ngưng hoạt động.
Theo ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, số lượng bình quân doanh nghiệp mỗi năm phá sản khoảng 6.000 thì từ đầu năm đến nay, con số đã lên gấp đôi do mức lãi suất cao duy trì trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, mức lãi vay được hạ xuống còn 17 – 19% liệu có phải là mức có thể giúp họ sống còn và hoạt động được hay không vẫn là một dấu hỏi vì các đồng nghiệp của họ tại các nước trong ASEAN và Trung Quốc đang vay với một lãi suất thấp hơn rất nhiều.
Mặt khác, liệu các ngân hàng thương mại có đủ nguồn vốn để cho vay với lãi suất nêu trên hay không lại là một vấn đề khác. Ngay cả trong khi lãi suất đang cao ngất ngưởng, vay tiền từ các ngân hàng vẫn không hề là một điều dễ dàng đối với các doanh nghiệp tư doanh.
Đối với các ngân hàng thương mại, giảm lãi suất tiền gởi để giảm lãi suất cho vay là mong muốn trong thâm tâm của họ. Nói gì thì nói, ngân hàng vẫn phải xây dựng lâu bền một mối quan hệ gắn bó máu thịt với các doanh nghiệp khách hàng của mình, một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Các ngân hàng không dại gì giết con gà đẻ trứng vàng chỉ vì tham lợi trước mắt.
Tăng lãi suất trong thời gian qua không chỉ là nỗi khổ của doanh nghiệp mà còn thực sự là nỗi đau thầm kín của nhiều ngân hàng, trong một tình thế chẳng đặng đừng. Họ là những người đi buôn vốn, không ai dại gì chịu mua vốn với giá cao.
Do vậy, nếu các ngân hàng đồng loạt cắn răng mua đồng vốn với giá cao, các nhà lãnh đạo tiền tệ cần phải xem đó là một hiện tượng không bình thường và phải tìm hiểu đằng sau chuyện đó là những khó khăn phức tạp nào để giúp đỡ giải quyết, trước khi áp dụng các biện pháp hành chính buộc họ mua vốn với giá thấp.
Sự vô hiệu lực của các biện pháp này trong thời gian qua đối với hệ thống ngân hàng không phải vì các ngân hàng thiếu kỷ luật tự giác mà là vì họ phải xoay xở để sống còn.
Đối với người gởi tiền, chắc chắn giảm lãi suất không phải là một tin vui, khi những thông tin về lạm phát vẫn còn đang nóng bỏng, nhưng nếu các ngân hàng có thể đồng loạt tuân thủ nghiêm nhặt quy định của NHNN, trong ngắn hạn, người gởi tiền sẽ không có lựa chọn khác. Những kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ và vàng thì hoặc là quá ảm đạm hoặc là quá rủi ro.
Tuy nhiên, tình trạng mang tiền từ ngân hàng này gởi sang ngân hàng khác không phải là không xảy ra. Lần này dòng tiền tiết kiệm mà tỷ lệ tăng trưởng rất kém trong thời gian qua, sẽ không chảy từ nơi có lãi suất thấp sang nơi lãi suất cao mà là từ nơi rủi ro hơn đến nơi an toàn hơn.

Đây sẽ là một điều thiệt thòi không nhỏ cho những ngân hàng nhỏ. Nhưng nếu lạm phát vẫn ở mức hai con số (dự báo khoảng 18%), và nếu giá vàng, giá đôla trong nước vẫn còn nguy cơ biến động do thiếu vắng những biện pháp cân đối vĩ mô cần thiết và hiệu quả, tình trạng đầu cơ ồ ạt vào vàng và đôla theo kiểu bầy đàn, một sự chọn lựa đầy rủi ro của một bộ phận người gởi tiền, có khả năng xảy ra vào cuối năm và có thể làm dấy lên một nỗi lo mới cho hệ thống ngân hàng.
Dù chỉ là những biện pháp nhằm thực thi một quy định về trần lãi suất đã ban hành từ trước nhưng không được – và không thể – chấp hành, quyết định mới đây của NHNN vẫn có thể được xem là một biện pháp giảm lãi suất.
Đây là một dấu hiệu tốt cho thấy các nhà lãnh đạo tiền tệ đã quan ngại đến hậu quả tiêu cực của tình trạng lãi suất cao kéo dài đối với sản xuất kinh doanh trong nước, đối với công ăn việc làm và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Phải thành thật thừa nhận rằng, tám tháng lãi suất cao của năm 2011 đã gây thua lỗ nghiêm trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam và đã đẩy một số không nhỏ đến bờ vực của phá sản. Khu vực kinh tế tư doanh là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Chưa nói đến những khó khăn của những nhà đầu tư (và đầu cơ) bất động sản và chứng khoán mà sự tiêu điều của thị trường và gánh nặng lãi ngân hàng không kham nổi đang khiến họ có nguy cơ trắng tay, các nhà doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh bình thường cũng đang “đứt ruột” giảm hoặc bãi đầu tư nhằm đối phó với tình trạng lãi suất cao.
Nếu không nhanh chóng giảm lãi suất, nền kinh tế nước ta có nguy cơ đối mặt với hiện tượng lạm phát suy thoái (stagflation), một trạng thái trì trệ kinh tế nan giải khi sản xuất kinh doanh sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp cao mà giá cả vẫn tăng nhanh.
Mặt khác, quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước – chúng ta đều mong rằng quyết định đó sẽ trở thành quyết tâm chung của Nhà nước và của toàn xã hội – cho thấy rằng không phải lúc nào cũng buộc chính sách tiền tệ chạy theo đuôi lạm phát bằng cách duy trì một mức lãi suất thực dương.
Theo dự báo, tỷ lệ lạm phát trong năm 2011 sẽ vào khoảng 18 – 20%, trong khi mức trần của lãi suất tiền gởi được quy định là 14%, như vậy, đối với người gởi tiền mức lãi suất thực là một số âm. Và đây không phải là điều mới lạ hay bất bình thường. Nhật Bản và nhiều nước khác trên thế giới cũng nhiều lần áp dụng chính sách lãi suất thực âm để cứu vãn nền kinh tế thoát khỏi vũng lầy trì trệ của lạm phát suy thoái.
Cần thấy rằng tỷ lệ lạm phát dự báo không hề là một chuẩn mực đáng tin cậy cho một chính sách tiền tệ hợp lý và tích cực vì ngoài việc ổn định giá cả, chính sách tiền tệ của chúng ta còn phải hướng đến những mục tiêu vĩ mô hệ trọng khác như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, những mục tiêu sống còn và có thực của nền kinh tế và của xã hội. Giá cả ổn định, đồng tiền giữ vững giá trị nhiều khi là kết quả của tăng trưởng kinh tế và cân bằng toàn dụng thay vì là nguyên nhân.
Nhưng những biện pháp hành chính, dù với chế tài có khắt khe đến đâu, cũng không thể đi ngược lại quy luật của thị trường. Khi cung nguồn vốn không đủ cho nhu cầu vốn, mà nhu cầu vốn ở đây lại còn bao gồm cả nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng thương mại, việc lãi suất tăng cao chính là sự điều chỉnh tự nhiên của thị trường khi không có sự can thiệp của Ngân hàng Trung ương.
Như vậy, quyết tâm giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chỉ có thể trở thành hiện thực khi Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng cung ứng nguồn vốn với mức lãi suất thấp cho các ngân hàng thương mại trong vai trò người cho vay ở giai đoạn cuối.
Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp trước mắt. Việc ứng vốn của Ngân hàng Nhà nước không thể duy trì một cách thường xuyên và lâu dài. Ngay bây giờ, chúng ta cần phải tính đến những giải pháp căn cơ nhằm giúp các ngân hàng thương mại phục hồi thanh khoản của họ, trước hết là làm sống dậy các dòng vốn đã nằm bất động trong các dự án bất động sản dở dang hay trong các cổ phiếu đang mất giá.
Khi những nguồn tài sản này được khơi thông, không những các ngân hàng thương mại sẽ cùng lúc giải quyết được vấn đề nợ tồn đọng và thiếu thanh khoản, các nhà đầu tư trong nước còn giữ lại được những tài sản, những dự án nhà đất có tiềm năng, có triển vọng không bị mất vào tay các quỹ đầu tư nước ngoài.
Đến lúc đó, hệ thống ngân hàng thương mại của chúng ta có thể tự mình đứng vững và có đủ các điều kiện cung ứng cho các doanh nghiệp Việt Nam những nguồn vốn đầy đủ với lãi suất chắc chắn thấp hơn mức lãi suất hiện nay. Khi phí tổn tài chính xuống thấp, các doanh nghiệp sẽ đủ điều kiện để giảm giá thành, giảm giá bán sản phẩm và đó chính là yếu tố tích cực làm giảm lạm phát.
Trong lâu dài, NHNN phải tính đến mục tiêu hỗ trợ năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong việc xây dựng chính sách tiền tệ, đặc biệt đối với tỷ giá và lãi suất. Lãi suất áp dụng trong hệ thống ngân hàng các nước trong khu vực sẽ là những tham khảo hữu ích.
Cuối cùng, nếu mong muốn đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế đồng thời không tạo ra lạm phát, chúng ta rất cần một sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Trong sự phối hợp này, hiệu quả tối ưu chỉ có thể đạt được khi chính sách tài khóa thực hiện nghiêm minh mục tiêu tiết kiệm, giảm bớt tỷ lệ khiếm hụt, tiến đến cân bằng ngân sách để không tạo ra lạm phát, còn chính sách tiền tệ cần tích cực hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và thực hiện toàn dụng nguồn nhân lực.
Quả bóng giảm lãi suất đang ở trong chân của Ngân hàng Nhà nước. Mong rằng người lãnh đạo mới của ngành ngân hàng có thể sút thành bàn thắng, vì lợi ích của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
HUỲNH BỬU SƠN / DNSG

Bình luận (0)