Theo Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, hiện cả nước có khoảng 27.000 trẻ em (chiếm 6-7% tổng số trẻ em) phải lao động trong điều kiện tồi tệ, nhất là năm kinh tế nước ta bị suy giảm, lạm phát tăng cao.
Điều đáng nói là phần lớn các em phải làm việc kéo dài, tiền công thấp và nguy cơ bị ngược đãi, xâm hại và lạm dụng rất cao.
Thời gian làm dài, tiền công thấp
Kết quả điều tra 300 trẻ em (TE) lao động ở tại 8 tỉnh, thành phố về thời giờ lao động – do Trung tâm Nghiên cứu lao động nữ và giới (Viện Khoa học lao động và xã hội) công bố mới đây – cho thấy thời gian làm việc bình quân/ngày của TE khoảng 5,6 giờ. Trong đó, nhóm TE có độ tuổi từ 15-17 có thời gian làm việc bình quân 6,5 giờ/ngày; nhóm TE làm thuê có thời gian làm việc 6,2 giờ/ngày, tiếp đến là nhóm TE tự làm và thấp nhất là nhóm làm việc trong các hộ gia đình.
Trẻ em làm việc tại các làng nghề. Ảnh: Lao Động
Thời giờ làm việc của TE cũng phụ thuộc vào lĩnh vực kinh tế mà các em tham gia. Qua khảo sát, TE làm việc trong một số ngành như dệt-may, da-giày hay chế biến thực phẩm có thời gian làm việc tới 8-9 giờ/ngày, thậm chí là 12 giờ/ngày nếu vào vụ sản xuất, lễ, tết… TE lao động trong các ngành này nếu còn đang đi học thì gian làm cũng lên tới 4-5 giờ/ngày.
Thời gian làm việc dài, công việc vất vả, nhưng thu nhập bình quân/tháng của TE chỉ khoảng 509,9 ngàn đồng/tháng. Cụ thể, đối với nhóm TE làm trong các hộ gia đình, với vai trò phụ giúp bố mẹ, khoản tiền các em "tiết kiệm" được từ 300.000-500.000 ngàn đồng/tháng. Với nhóm TE làm thuê: Nhóm 6-10 tuổi, thu nhập chỉ bằng phần nhỏ so với người lớn; nhóm 11-14 tuổi, thu nhập bằng nửa người lớn; 15-17 tuổi, nếu làm việc liên tục, thu nhập cũng ngang bằng người lớn.
Qua khảo sát, đối với việc may giày, tùy vào từng loại giầy, tiền công mỗi đôi là 2.100 – 3.500 đồng/đôi, một đứa trẻ bình quân có thể khâu được từ 4-8 đôi/ngày, thu nhập bình quân từ 8.500-17.000 đồng/ngày. Với TE tự làm như đi bán hàng rong, vé số, lượm ve chai… thu nhập khoảng 20-30 ngàn đồng/ngày và thu nhập bình quân tháng chỉ ở mức 700-800 ngàn đồng/tháng.
Chính quyền chưa vào cuộc
Ở hầu hết các tỉnh, chính quyền chưa quan tâm nhiều đến các hoạt động phòng và chống LĐTE. TP.Hồ Chí Minh là một điển hình. Theo số liệu đăng ký, có 1,8 triệu TE, trong đó có tới 30% là trẻ nhập cư. Sở LĐTBXH TP ước tính có tới 90% số TE đường phố, làm giúp việc gia đình, làm thuê trong các cơ sở sản xuất kinh doanh… là trẻ đến từ 35 tỉnh, thành trong cả nước, chủ yếu là các tỉnh miền Trung và miền Nam và phần lớn đã bỏ học.
Tuy nhiên, theo thống kê chính thức của sở LĐTBXH nhiều tỉnh, số trẻ em bỏ học để lao động của tỉnh rất thấp. Nhiều tỉnh không nắm được con số TE rời gia đình đi nơi khác làm việc và công việc của các em ở nơi đó như thế nào. Chỉ khi tỉnh, thành phố ở đầu đến liên hệ trả các em về địa phương, tỉnh đầu đi mới biết TE của tỉnh mình đi đâu và làm gì! Nếu chính quyền địa phương tiếp tục thờ ơ thì công tác giảm thiểu TE phải lao động sớm vẫn còn là thách thức.
Kết quả điều tra cho thấy: Thu nhập bình quân của LĐTE dao động ở mức 500.000-800.000đồng/tháng. Phần lớn thu nhập được gửi về gia đình (trên 65%); khoảng 7,6% thu nhập được trẻ tiết kiệm riêng; các khoản chi giao tiếp xã hội chiếm khoảng 1,3% thu nhập của trẻ. |
(Đan Thư, Lao Động)
Bình luận (0)