Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Giảm lương là… hạ sách?

Tạp Chí Giáo Dục

Dự báo từ phụ lục báo cáo khảo sát lương của Công ty N, một trong những nhà cung cấp giải pháp tuyển, thì tốc độ tăng lương trong các doanh nghiệp (DN) năm 2009 sẽ chậm lại, trong khi nhu cầu tuyển dụng tiếp tục tăng cao.

Tốc độ tăng lương trên thị trường lao động diễn ra khá nhanh, năm 2006 là 9%, năm 2007 là 12,6% và năm 2008 là 19,5%. Tuy nhiên, tốc độ này sẽ bị hãm lại trong năm 2009 mà nguyên nhân chính là do tác động của suy giảm kinh tế.

Theo nhận định của giám đốc tư vấn nhân sự Công ty N, các dữ kiện kỹ thuật đều cho thấy đến cuối năm 2009, có thể sẽ diễn ra sự tự điều chỉnh mức lương trong một số lĩnh vực và ngành nghề nhất định theo hướng thấp hơn đáng kể so với trước, do cán cân quyết định trên thị trường lao động hiện đang nghiêng về phía các nhà tuyển dụng.

Để đối phó với những khó khăn của suy giảm kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã kêu gọi người lao động chấp nhận giảm thu nhập để cùng “chia sẻ khó khăn”. Đáng chú ý, lực lượng lao động phổ thông đồng lương vốn còm cõi lại là đối tượng chính được “kêu gọi” hi sinh một phần thu nhập để giúp doanh nghiệp… vượt khó. Ví dụ như một số doanh nghiệp may, da giày ở Thủ Đức, phần lớn công nhân nhận lương chỉ bằng 50-70% so với trước. Đối với những doanh nghiệp thiếu đơn hàng, công nhân còn phải làm giãn ca, cách nhật, tổng thu nhập chỉ trên dưới 1 triệu đồng/tháng.

Ông Huỳnh Văn Thôi, tổng giám đốc Công ty CP Việt Thiên Phúc, đưa ra nhận định: sau một thời gian tiền lương giảm, hiện đã có một số ngành nghề, lĩnh vực phục hồi tiền lương ở mức ngang bằng với cuối năm 2008. Riêng một số doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tăng nhẹ. Nhìn chung, mặt bằng tiền lương có tăng nhưng tốc độ chậm hơn so với các năm trước.

Nhiều chuyên gia thị trường lao động cho rằng biện pháp giảm lương được coi là “hạ sách”, có thể tác động xấu, lâu dài đối với sự phát triển của thị trường lao động, mặc dù trước mắt có thể giúp một số doanh nghiệp tồn tại trong tình trạng… thoi thóp. Việc cố tình níu kéo lợi thế của lao động giá rẻ, thậm chí còn bị hạ xuống mức “cực rẻ” như thực tế đang diễn ra chỉ gây hại cho chính thị trường lao động trong tương lai một khi kinh tế hồi phục. Bởi sức lao động bị định giá quá thấp sẽ không tạo động lực cho lực lượng lao động phấn đấu nâng cao năng suất và hiệu quả.

Thực tế cho thấy trong tình hình nhiều khó khăn, vẫn có 67% doanh nghiệp tiếp tục các hoạt động tuyển dụng trong vòng sáu tháng tới, chủ yếu cho các vị trí nhân viên, chuyên viên, nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của các hoạt động kinh doanh hướng tới thị trường nội địa. Đặc biệt thời gian gần đây, hàng chục doanh nghiệp tung ra thị trường lao động những yêu cầu tuyển dụng “bom tấn” với số lượng lên đến hàng ngàn người.

Chỉ riêng khu vực TP.HCM, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển hơn 61.000 lao động. Sự vận động trái chiều giữa nhu cầu tuyển dụng với tốc độ tăng lương có thể coi là một nghịch lý, thể hiện “thế thượng phong” của các nhà tuyển dụng trong cán cân quyết định trên thị trường lao động hiện nay.

VIỆT HƯNG (TTO)

Bình luận (0)