Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Giảm mạnh học sinh đi xe buýt đến trường

Tạp Chí Giáo Dục

Chất lượng xe, dịch vụ đi xuống, mức trợ giá thấp, giao thông tắc nghẽn… là những hạn chế tồn đọng khiến cho hiệu quả công tác đưa rước học sinh (HS) bằng xe buýt trên địa bàn thành phố ngày càng giảm sút. Ngoài ra, công tác này mới chỉ được xem là phương thức hỗ trợ, chưa được coi là nhu cầu thực tế cũng là nguyên nhân.

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, lượng HS đi xe buýt giảm trong 2 năm trở lại đây là do chất lượng, dịch vụ giảm và cả công tác tham gia, quản lý từ các đơn vị phòng GD-ĐT chưa đạt

Đây là những vấn đề được nhấn mạnh tại Hội nghị đưa rước HS trên địa bàn thành phố do Sở GTVT TP.HCM tổ chức chiều 20-7.

Nhiều hạn chế tồn đọng

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (HKCC) TP.HCM, đưa rước HS bằng xe buýt được tổ chức từ năm 2001-2002. Thời gian đầu có 6 trường tham gia với 252 HS được vận chuyển mỗi ngày và tăng lên 274 trường năm 2013-2014, số lượng HS vận chuyển mỗi ngày là hơn 92 ngàn em. Điều này cho thấy, công tác đã nhận được sự quan tâm của HS, phụ huynh HS và nhà trường. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, thành phố chỉ còn 133 trường/1.805 trường tham gia, mỗi ngày đưa rước chỉ hơn 32 ngàn HS.

Đại diện Phòng GD-ĐT quận 12 cho biết: “Chất lượng, dịch vụ đi xuống là nguyên nhân khiến phụ huynh không yên tâm để con cái đi phương tiện này. Cũng có một số phụ huynh sau này chưa nắm bắt rõ về giá trị của xe buýt nên đưa rước HS đến trường bằng các phương tiện khác. Thời gian đầu quận 12 mới thực hiện, có đến 100% HS THCS, TH trên địa bàn tham gia. Nhưng 2 năm trở lại đây giảm còn 2 trường”.

Theo vị này, quận 12 có nhiều khu công nghiệp, phụ huynh đi làm cả ngày không có thời gian đưa đón con cái, nhu cầu đi xe buýt sẽ rất cao. Hơn nữa, đây cũng là địa bàn có quốc lộ 1A giao quốc lộ 22, nhiều xe lớn lưu thông vô cùng nguy hiểm nên việc tổ chức xe buýt là hết sức cần thiết. Nhưng, chỉ khi chất lượng được nâng cao thì mới có khả năng thu hút HS.

Tại quận Tân Phú, ít có HS sử dụng xe buýt hơn vì đa số HS học gần nhà. Nhưng một vị đại diện Phòng GD-ĐT quận này chia sẻ, một số trường nằm trong hẻm, nếu có muốn tổ chức nhưng cũng không được đường thì nhỏ, xe buýt thì to. Mặt khác, thực trạng ở các quận trung tâm thường xảy ra ùn tắc, HS có thể sợ trễ giờ học nên cũng e ngại tham gia.

So với các đơn vị trường học, các doanh nghiệp vận tải đang tham gia đưa rước cũng gặp không ít khó khăn, nổi bật là vấn đề thủ tục giấy tờ liên quan trợ giá phức tạp, rườm rà và trợ giá thấp, không tương xứng chi phí bỏ ra ban đầu.

Để thu hút lại HS đi xe buýt, PGS.TS Bùi Thị Minh Hằng (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) góp ý: Các đơn vị vận tải phải khảo sát ý kiến phụ huynh HS vì sao mà họ không cho con đi học bằng xe buýt. Phải thiết kế lại hệ thống xe để tạo sự thuận tiện, an toàn, hiệu quả và cần có sự phân nhóm HS các cấp trong đưa rước. Về phía Sở GD-ĐT, nhà trường nên đưa cuộc vận động “HS đến trường cùng xe buýt” tới giáo viên, HS, phụ huynh HS; tăng cường giáo dục, tuyên truyền hơn nữa…

Ông Nguyễn Tấn Tạo, Phó Giám đốc HTX Vận tải số 15 cho hay: “Hiện trợ giá cho phép 2 lượt/ngày, riêng huyện Cần Giờ 4 lượt/ngày, tuy nhiên có trường có HS đi học 2 buổi/ngày, dẫn đến HTX có vận chuyển nhưng không được thanh toán. Chưa kể, mức trợ giá được xây dựng từ 2006 nhưng đến nay chưa cập nhật các chi phí nhân công, nhiên liệu; chưa có chính sách hỗ trợ phương tiện mới…”.

Đồng tình với những hạn chế trên, ông Lê Hoàn, đại diện Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải HKCC TP.HCM còn nêu thêm các nguyên nhân khiến loại hình vận tải này giảm sút là do các doanh nghiệp không tập trung vào phát triển loại hình đưa rước mà chỉ duy trì hoạt động, không tạo được sự an tâm cho nhà trường, phụ huynh. Về phía trung tâm, công tác quản lý từ chưa theo kịp sự phát triển dẫn đến không đủ nhân lực cũng như chưa có phương pháp, công cụ quản lý phù hợp. Công tác quản lý thủ công, chưa nâng cao được ứng dụng công nghệ trong quản lý.

Nhiều đơn vị giáo dục còn thờ ơ

Theo ông Lê Hoàn, vận tải HS bằng xe buýt hiện chưa được coi là nhu cầu thực tế và trách nhiệm của nhà trường mà mới chỉ được xem là phương thức hỗ trợ, là trách nhiệm của Sở GTVT TP.HCM. “Nhiều trường cho rằng không đủ nhân lực, không có kinh phí dành cho nhân viên tham gia kiểm soát khối lượng HS nên e ngại tham gia. Riêng phòng GD-ĐT các quận huyện, một số đơn vị cũng chưa thực sự quan tâm”, ông Lê Hoàn cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cũng thừa nhận số lượng HS đi xe buýt giảm trong 2 năm trở lại đây là do chất lượng, dịch vụ giảm và cả công tác tham gia, quản lý từ các đơn vị phòng GD-ĐT chưa đạt. Ngay buổi hội nghị, tất cả các phòng GD-ĐT quận, huyện được mời tham gia để nêu ý kiến, tháo gỡ khó khăn, tìm giải pháp nâng cao chất lượng nhưng cũng chỉ 14 phòng tham gia, trong đó có 2 trưởng phòng, còn lại là đại diện.

“Các đơn vị phải nhìn lại sự quan tâm, công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh HS cho con em tham gia hiện nay như thế nào? Phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về lợi ích của xe buýt cho HS hiểu để tham gia đông đảo hơn nữa. Sử dụng phương tiện này, không chỉ đem đến sự an toàn, tiện lợi cho HS, tiết kiệm kinh phí, thời gian cho phụ huynh HS mà còn góp phần giảm ùn tắc giao thông cho thành phố”, bà  Thu cho biết.

Về phía Sở GTVT, bà Thu kiến nghị, cần nghiên cứu lại tuyến xe để HS thuận tiện, phụ huynh HS yên tâm. Mọi kế hoạch hợp tác giữa các đơn vị vận tải với nhà trường cần công khai, minh bạch. Đặc biệt, nên nhanh chóng triển khai thẻ định danh RFID để giảm khối lượng xác nhận HS cho nhà trường và thuận lợi trong quản lý.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

Bình luận (0)