Thụy Điển đã áp dụng lại các phương pháp giảng dạy truyền thống, tập trung vào sách in, đọc thầm và luyện viết tay, đồng thời giảm máy tính bảng và nghiên cứu trực tuyến trong trường học.
Các trường tiểu học dành nhiều thời gian cho việc luyện viết và đọc bằng bút và vở. Sự thay đổi này xuất phát từ mối lo ngại ngày càng tăng của giới chuyên gia về khả năng suy giảm các kỹ năng thiết yếu do phương pháp giáo dục siêu số hóa của đất nước, bao gồm cả việc đưa máy tính bảng sớm vào trường mẫu giáo.
Một lớp học tại Thụy Điển |
Chính phủ Hà Lan cũng thông báo, từ ngày 1-1-2024, cấm sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng và đồng hồ thông minh trong lớp học nhằm giúp học sinh tập trung hơn. Các tiết học chỉ tập trung vào bài giảng trên lớp và sách giáo khoa giấy. Thiết bị điện tử chỉ được phép sử dụng trong trường hợp đặc biệt cần thiết, như trong các tiết học về kỹ thuật số vì lý do sức khỏe hoặc người khuyết tật.
TP Springfield, Massachusetts, Mỹ đang có những bước đi nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ trong trường học. Nhóm điều hành các trường công lập Springfield xây dựng chương trình học ưu tiên cho việc trải nghiệm và thực hành, chú trọng sách giáo khoa giấy, giảm sử dụng máy tính bảng và trò chơi điện tử.
Kế hoạch nhằm giảm 20% tỷ lệ sử dụng công nghệ trong một ngày học ở trường tiểu học và 30% ở trường THCS, THPT. Các trường công lập tại Springfield khẳng định, công nghệ sẽ tiếp tục được sử dụng trong lớp học, nhưng sẽ được cân bằng với việc sử dụng sách giáo khoa, đọc, viết và các hoạt động thể chất trong trường học.
Trung Quốc đang chứng kiến nạn cận thị tăng cao ở giới trẻ. Để bảo vệ thị lực của trẻ, chính quyền tỉnh Giang Tô ban hành quy định yêu cầu tất cả trường học trong khu vực cấm học sinh mang điện thoại và máy tính bảng đến lớp. Giáo viên phải tạo cơ hội cho học sinh thư giãn mắt sau mỗi giờ học. Giáo viên cũng được yêu cầu giao bài tập về nhà cho học sinh trên giấy, học trên sách giáo khoa, thay vì sử dụng thiết bị điện tử.
Ngoài ra, học sinh tiểu học và THCS phải có ít nhất một giờ mỗi ngày để hoạt động thể chất, trong khi học sinh mẫu giáo phải có ít nhất hai giờ ở ngoài trời. Những quy định trên được ban hành trong bối cảnh ngày càng có nhiều ý kiến nghi ngờ tính hiệu quả của việc sử dụng công nghệ trong trường học.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) khuyến nghị cấm thiết bị trong trường học để giải quyết tình trạng mất tập trung trong lớp, cải thiện học tập và giúp bảo vệ trẻ em tránh bị bắt nạt qua mạng.
Theo UNESCO, tiếp xúc với màn hình quá nhiều, ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định cảm xúc của trẻ. Công nghệ số, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI), luôn phải dựa trên tầm nhìn giáo dục “lấy con người làm trung tâm” và không bao giờ thay thế được tương tác trực tiếp với giáo viên.
Theo Phương Nam/SGGP
Bình luận (0)