Trong 2 ngày 13 và 14-7, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM và Cần Thơ đã có buổi giám sát về tình hình thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng GD-ĐT quận 9 báo cáo tình hình chuẩn bị thực hiện đổi mới chương trình và SGK mới. Ảnh: I.T
Hỗ trợ trường có thêm nguồn thu
Tại TP.HCM, chiều 13-7, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Văn Thị Bạch Tuyết đã có buổi giám sát ở Q.9.
Để đảm bảo đủ giáo viên (GV) nói chung cho năm học sắp tới và GV phục vụ cho chương trình mới ở lớp 1 theo quy định, bà Tuyết mong Quận ủy, UBND Q.9 quan tâm triển khai tốt công việc tuyển dụng GV, chỉ đạo các ngành chức năng trong đó có ngành nội vụ hỗ trợ Phòng GD-ĐT thực hiện tốt công tác tuyển dụng.
“Sở Nội vụ có giai đoạn gặp khó khăn khi giao biên chế cho GD nhưng vẫn tham mưu UBND, HĐND TP đảm bảo cho các địa phương tuyển đủ GV để thực hiện nhiệm vụ. Hiện biên chế đã giao nhưng chưa sử dụng hết, mong Quận ủy, UBND quận quan tâm công việc này hơn nữa”, bà Tuyết nói.
Bà Tuyết cũng cho biết sẽ kiến nghị trực tiếp với Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT và Chính phủ xem xét lại Thông tư 36 của Bộ Tài chính về dành kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Vì hiện tại có sự việc các viên chức tham gia tập huấn nhưng kinh phí không chi, trong đó có ngành GD. Một số GV phản ánh thời gian đầu đi tập huấn được quận cấp hết kinh phí, nhưng khi có Thông tư 36 thì GV phải tự đóng. Thậm chí có đơn vị bị đề nghị thu hồi khoản kinh phí đã đóng trước đó. Việc đào tạo cán bộ nguồn là để phục vụ cho nhiệm vụ chính trị chứ không phải phục vụ cá nhân, nếu không có kinh phí thì nhà trường, GV sẽ gặp khó khăn.
Bà Tuyết cũng góp ý, một số trường học gặp khó khăn về kinh phí vì không có nguồn thu từ bán trú, không hoạt động liên kết, liên doanh. Do đó quận cũng nên xem xét phương án hỗ trợ cho trường sử dụng tốt cơ sở để các trường có thêm nguồn thu, phục vụ nhiệm vụ chung.
Qua buổi giám sát, thay mặt cho đoàn, bà Tuyết ghi nhận kết quả thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Q.9. Quận đã làm tốt công tác tuyên truyền trong hệ thống chính trị, tuyên truyền cho cha mẹ HS hiểu, biết về chương trình GD mới để chuẩn bị cho con trước khi vào lớp 1. Quận cũng làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, GV, đặc biệt cán bộ quản lý cấp tiểu học, GV lớp 1. Các trường cũng chọn xong bộ SGK phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương và đáp ứng được các yêu cầu theo hướng dẫn của UBND TP, Sở GD-ĐT. Đã có sự chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy phục vụ cho chương trình mới, tổ chức sĩ số 35-44 HS/lớp nhằm đảm bảo yêu cầu triển khai chương trình tốt hơn…
Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT Q.9, hiện quận có 107 trường, trong đó 58 trường công lập và 49 trường ngoài công lập. Để thực hiện đổi mới chương trình và SGK, quận đẩy mạnh tuyên truyền về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình, điều kiện thực hiện đến cán bộ, GV, nhân viên các trường và phụ huynh HS. Các GV cốt cán, cán bộ quản lý cốt cán được tham gia tập huấn chương trình mới. Về công tác lựa chọn SGK, hầu hết các trường chọn bộ “Chân trời sáng tạo” trên tinh thần công khai, dân chủ, tôn trọng ý kiến của GV, không có sự áp đặt, định hướng từ các cấp quản lý…
Đảm bảo 100% HS lớp 1 học 2 buổi
Sáng 14-7, đoàn đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ và lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện đã làm việc với Sở GD-ĐT TP.
Đến nay Cần Thơ cơ bản hoàn thành các điều kiện cho năm học 2020-2021. Mạng lưới trường lớp được phân bổ phù hợp, cơ sở vật chất từng bước được cải thiện, các phòng học cơ bản đảm bảo chỉ tiêu sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Toàn TP có 327/455 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 71,86%.
TP đã chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý và GV các cấp, bậc học đạt chuẩn về trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác quản lý và các hoạt động GD. Sở GD-ĐT tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý và đội ngũ GV về chương trình GDPT mới, trong đó cấp tiểu học có 11 lớp với 998 lượt tham dự. Tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới bằng hình thức trực tuyến cho tất cả cán bộ quản lý và GV các cấp. Dự kiến lớp 1 năm học 2020-2021 có 660 GV chủ nhiệm và 746 GV dạy bộ môn.
Tuy đảm bảo quy định về GV/lớp (đạt bình quân 1,4) nhưng tình trạng thừa, thiếu cục bộ vẫn còn, gây khó khăn trong phân công giảng dạy. Việc thiếu GV dạy môn tin học khiến tỷ lệ HS được học môn này thấp. Riêng huyện Thới Lai, hầu hết các trường tiểu học không có GV dạy tin học… Tỷ lệ HS tiểu học được học 2 buổi/ngày là 86,67% nhưng việc tổ chức cho HS học 2 buổi/ngày tại một số trường chưa cao, nhất là các vùng nông thôn. Số HS/lớp ở một số trường khá đông (có lớp trên 45 HS), thường tập trung ở các trường thuộc vị trí trung tâm quận, huyện, ảnh hưởng đến việc đổi mới phương pháp giảng dạy và xét công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
“Qua thống kê, TP còn thiếu gần 400 phòng học phục vụ cho lớp 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học. Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND TP và tăng cường phối hợp các cơ quan chức năng, đặc biệt là UBND quận, huyện tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở GD, đáp ứng các điều kiện để đến cuối năm 2024 đảm bảo cấp tiểu học mỗi lớp 1 phòng học, 100% HS tiểu học được học 2 buổi/ngày, đủ các thiết bị dạy học tối thiểu cho tất cả các cấp học. Trước mắt, Sở GD-ĐT chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các cơ sở GD tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có, xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo để điều chỉnh, sắp xếp lại nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, ưu tiên phòng học đối với cấp tiểu học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày, có thể thu gọn các phòng hành chính không cần thiết nếu còn thiếu phòng học, đảm bảo 100% HS lớp 1 trong năm học 2020-2021 được học 2 buổi/ngày; có phòng âm nhạc, mỹ thuật, đủ bàn ghế đúng tiêu chuẩn và các thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định tại Thông tư số 05/2019/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT. Chỉ đạo các cơ sở GD, nhất là cấp tiểu học, khẩn trương xây dựng bổ sung vị trí việc làm đối với môn tiếng Anh và tin học, xây dựng vị trí định biên đủ định mức số tiết quy định theo chương trình GDPT mới”, ông Nguyễn Phúc Tăng – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ – báo cáo.
Tại buổi làm việc, Sở GD-ĐT đề xuất Quốc hội, Chính phủ cho chủ trương và kế hoạch cấp bổ sung kinh phí mua sắm trang thiết bị thực hiện Chương trình GDPT mới; UBND các quận, huyện kiến nghị TP ban hành các chủ trương để tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chương trình GDPT mới ở lớp 1 như kinh phí xây dựng phòng học nhằm đảm bảo cho HS tiểu học được học 2 buổi/ngày.
Ngọc Trinh – Đan Thơ
Bình luận (0)