Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giảm sĩ số để có thể dạy tốt hơn

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi rất đồng tình với bài viết “Sĩ số học sinh tỉ lệ nghịch với chất lượng giáo dục” của thầy Nguyễn Thanh Dũng đăng trên trang Nhịp cầu sư phạm (ngày 17-1-2011). Không chỉ ở THCS mà ở tiểu học, sĩ số học sinh đã ảnh hưởng rất lớn đến việc giảng dạy. Chẳng hạn, gần đây nhất, ở tiểu học triển khai “Phương pháp và kĩ thuật dạy hợp tác. Những phương pháp, kĩ thuật này rất hay nhưng để áp dụng thực tế ở những lớp có sĩ số đông thì không thể đạt hiệu quả. Ví dụ ở phương pháp “Khăn phủ bàn”, với sĩ số 40 học sinh thì giáo viên thực hiện thế nào? Tôi đã đi dự giờ một số lớp, có giáo viên đã vận dụng cho phù hợp bằng cách chỉ cho 5/10 nhóm học sinh trình bày (40 học sinh chia thành 10 nhóm) mới kịp thời gian dạy. Theo tôi, như thế là không hiệu quả, vì đối với học sinh tiểu học, trình bày trước lớp là tập các em diễn đạt mạch lạc vấn đề và với các em là niềm vui khi hoạt động học tập của nhóm mình được mọi người lắng nghe, chưa kể những nhóm còn lại có ý hay hơn hay ý sai cần sửa chữa. Ở lớp khác, giáo viên đã vận dụng sáng tạo cho phù hợp là chia nhóm 8 em (40 học sinh là 5 nhóm) như thế cũng không hiệu quả vì 1 nhóm quá đông, các em không tập trung mà nói chuyện riêng hoặc nêu ý kiến hay làm theo bạn. Ở phương pháp “Những mảnh ghép”, đông học sinh di chuyển từ 1 “nhóm chuyên sâu” sang 1 “nhóm mảnh ghép” thì kém hiệu quả vì có nhiều em cùng biết một vấn đề nhưng chỉ có một em phát biểu, còn em khác sẽ ngồi chơi. Áp dụng “Phương pháp góc” còn nan giải hơn, lớp học đông, chật hẹp, dạy phương pháp này giáo viên phải cùng học sinh khiêng bớt bàn ghế ra ngoài để xây dựng các “góc, một góc quá đông học sinh thì xảy ra tình trạng: Có em làm việc có em ngồi chơi, còn chia quá nhiều “góc” thì không có chỗ để thầy trò di chuyển…
Chính vì vậy, những phương pháp kĩ thuật này, giáo viên thường chỉ dạy “biểu diễn” khi có dự giờ hay lên chuyên đề chứ không thể áp dụng thường xuyên được.
Giảm sĩ số để có thể dạy tốt hơn là điều tất cả giáo viên chúng tôi đều mong mỏi.
Lê Phương Trí
(Trường Tiểu học Đống Đa, Q.4)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)