Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng – Phó chủ tịch UBND quận 9
Tại quận 9, hầu hết các trường học, số học sinh mỗi năm đều tăng, đặc biệt trong những năm gần đây, số lượng học sinh tăng quá nhanh. Chỉ riêng năm học 2008-2009, khối mầm non: trẻ học mẫu giáo tăng 668 em, trẻ 5 tuổi tăng 590 em; bậc tiểu học tăng 817 học sinh; bậc THCS: khối lớp 6 tăng 228 học sinh. Nguyên nhân chủ yếu là: Số lượng học sinh là dân nhập cư gia tăng vượt bậc trong năm học này; có một phường chưa có trường THCS, do đó áp lực học sinh tại phường này sẽ dồn qua một số phường lân cận; chương trình, sách giáo khoa mới chỉ phù hợp và đạt hiệu quả nếu học sinh được học 2 buổi/ngày, vì vậy càng gây áp lực về chỗ học cho học sinh.
Biện pháp cơ bản mà bất kỳ địa phương nào cũng thực hiện (hoặc dự kiến thực hiện) là xây dựng thêm trường học, tăng số phòng học. Quận 9 cũng đang áp dụng biện pháp này. Riêng năm học 2008-2009, quận đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng Trường THCS Tăng Nhơn Phú B, Trường Tiểu học Nguyễn Minh Quang, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng. Hiện nay quận 9 cũng đang hoàn thành hồ sơ xây dựng trường tiểu học và THCS tại phường Phước Long A. Chuẩn bị đưa vào sử dụng trường mầm non tại phường Hiệp Phú.
Kinh nghiệm của chúng tôi là thực hiện phân tuyến tuyển sinh các lớp đầu cấp để tránh tình trạng “chạy trường, chạy lớp”, gây áp lực cho các trường trọng điểm. Chúng tôi cũng hết sức chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa nguồn vốn để đẩy nhanh tốc độ xây dựng trường học. Một mặt có được sự đầu tư của nhà nước, một mặt được sự đóng góp, hỗ trợ của nhân dân, tình trạng quá tải học sinh như hiện nay sẽ được giảm bớt khi các trường mới được đưa vào sử dụng. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tích cực triển khai nhiều mô hình giáo dục ngoài công lập để huy động tốt hơn nữa nguồn lực đầu tư từ các cá nhân.
Ông Huỳnh Thanh Nhân – Phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức
Tại quận Thủ Đức cũng không tránh khỏi thực trạng chung của các quận ven TP là tình trạng dân số tăng nhanh, trong đó tăng cơ học do lực lượng người lao động từ các tỉnh đến sống và làm việc trên địa bàn quận, đa phần là lực lượng trẻ do đó con cái còn trong độ tuổi đi theo học vào cùng cha mẹ, nâng số trẻ trong độ tuổi đến trường của quận năm sau tăng cao hơn năm trước, tạo nên áp lực học sinh tăng không dàn đều trên địa bàn 12 phường mà tập trung vào một số trường tại các phường có các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong khi đó cơ sở vật chất chưa phát triển kịp với tốc độ gia tăng dân số, dù hàng năm quận có tập trung đầu tư cho xây dựng trường, lớp cho ngành giáo dục. Tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn đầu tư, tiến độ thực hiện một số công trình chậm chưa hoàn thiện kịp đưa vào phục vụ trong dịp khai giảng năm học 2008-2009.
Ngay từ đầu hè 2008, quận đã triển khai kế hoạch tuyển sinh năm học 2008-2009 và phân bổ theo địa bàn dân cư, kiên quyết không để xảy ta tình trạng chạy trường. Kế hoạch tuyển sinh được phối hợp giữa ngành giáo dục và hội đồng giáo dục các phường từ khâu rà soát, thống kê lập danh sách trẻ đủ tuổi vào lớp 1, lớp 6 trên địa bàn và phát phiếu đăng ký nhập học theo danh sách đã lập. Tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trường lớp cho ngành giáo dục (chỉ tính năm học 2008-2009 quận đã đưa vào sử dụng 57 phòng học/tổng kinh phí 30,279 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách thành phố 5 tỷ đồng, ngân sách quận 21,879 tỷ và vốn kích cầu 3,4 tỷ đồng).
Đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch sử dụng đất dành cho giáo dục để tạo quỹ đất cho đầu tư xây dựng trường, lớp theo quy hoạch đã được phê duyệt. Trong đó sẽ tập trung xây thêm trường học từ mầm non đến trung học trên các địa bàn phường hoặc liên phường; phấn đấu đến năm 2010 sẽ xây dựng mới 2 trường tiểu học, 2 trường THCS và xây tăng thêm phòng học và phòng chức năng ở một số trường. Kêu gọi xã hội hóa giáo dục từ nhiều nguồn, để phát triển các cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT. Về phía ngành giáo dục quận phải tập trung nâng chất lượng giảng dạy tại các trường cho đồng đều, không tập trung vào một số trường điểm để tránh tạo ra sức ép từ sự chọn lựa trường.
Phan Ngọc Quang (thực hiện)
Bình luận (0)