Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Giảm stress để dạ dày khỏe

Tạp Chí Giáo Dục

Dùng các thuốc kháng viêm giảm đau thường xuyên trên 3 tháng sẽ bị loét dạ dày. Dùng liên tục trên một năm, có thể chảy máu dạ dày.

Đau dạ dày (còn gọi là đau bao tử), là từ dùng để chỉ tình trạng đau có nguồn gốc tổn thương tại dạ dày như viêm hay loét dạ dày.
Vì sao đau dạ dày?
Thức ăn sau khi ăn, được nhai nát ở miệng, đưa xuống dạ dày. Dạ dày tiếp tục xử lý thức ăn thành những chất dễ hấp thu hơn bằng cách tiết ra nhiều acid và men tiêu hóa để phân hủy thức ăn thành những chất dễ hấp thu vào cơ thể.
Thể dục thể thao sau những giờ lao động vất vả là một cách để giảm căng thẳng. Ảnh: Xuân Thảo

Các acid và men này cũng gây hại cho chính bản thân dạ dày nhưng dạ dày còn tiết ra chất nhầy, có tác dụng giúp dạ dày tránh được tác hại do các acid và men. Bình thường có sự cân bằng giữa 2 quá trình này nên dạ dày không bị tổn hại. 
Trong thực tế, có nhiều yếu tố gây ra viêm loét dạ dày, như: Nhiễm vi trùng (có tên là Helicobacter Pylori), dùng thường xuyên thuốc kháng viêm giảm đau trị đau nhức khớp, ăn uống không điều độ, cuộc sống căng thẳng, thường xuyên bị stress. 
Khi các yếu tố này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ dẫn đến viêm dạ dày mãn, loét dạ dày. Các thống kê về y học cũng ghi nhận người cao tuổi dễ bị loét dạ dày hơn người trẻ, người hút thuốc lá dễ bị loét dạ dày hơn người không hút thuốc lá.
Trong số những người bị loét dạ dày, có đến 80% là do vi khuẩn Helicobacter Pylori và có khoảng 25% người đã bị nhiễm Helicobacter Pylori nhưng chưa bị loét dạ dày. 

Tránh thức ăn chua, cay
Việc điều trị viêm hay loét dạ dày là tương đối khả quan nhưng phòng ngừa mới là điều cần lưu ý. Để phòng ngừa, bạn cần lưu ý tránh ăn thức ăn chua, cay, ăn uống đúng giờ; tránh stress, hạn chế căng thẳng trong cuộc sống…; không dùng các loại thuốc kháng viêm giảm đau khi không có chỉ định của bác sĩ. Trong giai đoạn đau nhiều nên ăn thức ăn nhẹ, dễ tiêu như cháo, xúp…

Cho đến khi có những yếu tố thuận lợi như hút thuốc lá, uống cà phê nhiều thì vi khuẩn Helicobacter Pylori có thể tăng độc tính và gây viêm loét dạ dày. Dùng các thuốc kháng viêm giảm đau thường xuyên là nguyên nhân thứ nhì gây viêm loét dạ dày. Tất cả thuốc này đều làm giảm chất bảo vệ dạ dày là prostagladine.
Có khoảng 15% người dùng các thuốc kháng viêm giảm đau thường xuyên trên 3 tháng sẽ bị loét dạ dày. 50%-80% người phải nhập viện vì loét dạ dày đã có dùng thuốc kháng viêm giảm đau. Nếu dùng thuốc kháng viêm giảm đau liên tục trên một năm thì có thể chảy máu dạ dày.
Các biểu hiện
Khi cơ thể có những dấu hiệu sau đây thì bạn đã có thể nghĩ đến đau dạ dày và nên đến bác sĩ để xác định chính xác: Đau bụng vùng trên rốn xảy ra sau khi ăn 2 đến 3 giờ, đôi khi xảy ra ban đêm làm bạn phải thức giấc; đau bụng vùng trên rốn trầm trọng hơn khi đói bụng và giảm sau khi uống sữa, ăn thức ăn hoặc uống thuốc trung hòa acid; nôn hoặc buồn nôn; ăn không tiêu, ợ chua vào buổi sáng hay sau khi ăn 3 đến 4 giờ; sụt cân, mệt mỏi.
Biến chứng và khả năng điều trị
 Viêm dạ dày mãn và loét dạ dày sẽ gây ra các biến chứng sau đây: Chảy máu dạ dày (nôn ói ra máu tươi hay đi tiêu phân màu đen mùi rất hôi… Đây là tình trạng cấp cứu nguy hiểm tính mạng); thủng dạ dày gây viêm màng bụng (đau bụng dữ dội, bụng gồng cứng, sốt, tim đập nhanh, huyết áp hạ thấp… Đây cũng là tình trạng cấp cứu nguy hiểm tính mạng); ung thư dạ dày.
Lưu ý ở người cao tuổi, các biểu hiện đau bụng đôi khi rất mơ hồ nên dễ bị bỏ qua bệnh. Hậu quả là bệnh chỉ được phát hiện khi có các biến chứng xuất huyết dạ dày, chóng mặt do thiếu máu…

Theo Người Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)