Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giảm tải bệnh viện bằng mạng lưới bác sĩ gia đình

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 4-11, tại Sở Y tế TP.HCM đã diễn ra hội thảo Việt – Bỉ: “Định hướng và dự án bác sĩ gia đình tại TP.HCM”.
Theo số liệu tổng hợp của Sở Y tế TP.HCM, hiện các bệnh viện (BV) trên địa bàn thành phố cung cấp khoảng 30 ngàn giường bệnh, tương đương 30 giường/vạn dân. Ngoài ra, các BV này còn phải “gánh” thêm bệnh nhân cho các tỉnh, thành khác. Theo đó, hầu hết các BV, nhất là các BV tuyến trên đều quá tải. Hình ảnh 2 – 3 bệnh nhân nằm một giường, bệnh nhân nằm la liệt ngoài hành lang đã không còn xa lạ tại BV này…
“Để giảm áp lực quá tải cho các BV, Sở Y tế đã có những giải pháp như tăng số giường, chú trọng đầu tư các BV cửa ngõ, tăng cường nguồn nhân lực. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa cao. Vì vậy cần phải có mạng lưới bác sĩ gia đình (BSGĐ), đây là con đường duy nhất để giải quyết tình trạng quá tải BV cũng như giải quyết nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của người dân một cách tốt nhất”, bác sĩ Nguyễn Văn Châu – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định.
BSGĐ là những bác sĩ được đào tạo đa khoa với định hướng tiếp cận bệnh nhân đa tuyến, nhận biết được các vấn đề của bệnh nhân trong bối cảnh gia đình, môi trường và văn hóa của chính người bệnh. Theo đó, BSGĐ sẽ xử lí vấn đề của người bệnh một cách toàn diện và phù hợp, tạo được sự tin tưởng, thân thiết của bệnh nhân. Qua hệ thống BSGĐ, người bệnh chỉ được chuyển đến BV chuyên khoa khi cần thiết, nhờ đó giảm quá tải cho các BV chuyên khoa. Mặt khác, những trường hợp cần có sự theo dõi, chăm sóc lâu dài sau khi can thiệp chuyên khoa sâu cũng không nhất thiết phải tới BV tái khám mà chỉ cần sự theo dõi của BSGĐ…
Nói về lợi ích của mạng lưới BSGĐ, giáo sư Didier Giet (Trường ĐH Liège – Bỉ) cho biết: “Khi mạng lưới BSGĐ phát triển sẽ làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, ở những bệnh nhân bị bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp… Chỉ cần thêm 1 BSGĐ/10.000 dân là giảm được 6% tỷ lệ tử vong. Việc thiết lập mạng lưới BSGĐ hiệu quả sẽ giải quyết được 80 – 90% nhu cầu chăm sóc y tế của người dân”.
Một nghiên cứu của bác sĩ Võ Thành Liêm (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cho thấy, tại TP.HCM, trung bình 1 tháng trong 1.000 người dân thì có gần 650 người có vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên số người cần phải đến BV chuyên khoa, BV tuyến cuối chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do vậy, mạng lưới BSGĐ là cần thiết và khả thi tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.
Năm 2009, UBND TP đã đồng ý đưa mạng lưới BSGĐ là một trong những chương trình chăm sóc sức khỏe của thành phố. Theo đó, từ nay đến hết năm 2010, dự án BSGĐ sẽ được triển khai thí điểm tại Q.1, 8 và huyện Củ Chi. Ngoài 3 phòng khám BSGĐ đặt tại 3 quận, huyện trên sẽ có thêm 2 phòng khám đăt tại phòng khám đa khoa tư nhân. Dự án sẽ được sự hỗ trợ về kỹ thuật từ ĐH Liège (Bỉ). Sau khi có kết quả khoa học về tính hiệu quả của dự án thì mô hình BSGĐ sẽ được triển khai rộng khắp tại các xã, phường trên địa bàn thành phố.
Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)