Ngày 7-9, Bộ GD&ĐT đã gửi công văn đến các Sở GD&ĐT trong cả nước về việc thực hiện hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy và học giáo dục phổ thông.
Theo đó, Bộ đã ban hành tài liệu Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy và học các môn học phù hợp với chuẩn kiến thức, kỹ năng, phù hợp với thời lượng dạy và học với điều kiện thực tế của nhà trường từng địa phương.
Công văn nêu rõ việc điều chỉnh nội dung dạy và học theo hướng cắt giảm các nội dung quá khó, trùng lặp chưa thật sự cần thiết đối với học sinh, các câu hỏi, bài tập đòi hỏi phải khai thác sâu kiến thức lý thuyết để giáo viên, học sinh dành thời gian cho các nội dung khác, tạo thêm điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông. Hướng dẫn này dựa trên SGK của NXB Giáo dục VN ấn hành năm 2011 (là SGK chương trình chuẩn đối với cấp THPT) và được áp dụng từ năm học này. Nếu giáo viên, học sinh sử dụng SGK của các năm trước thì cần đối chiếu với SGK 2011 để điều chỉnh áp dụng cho phù hợp.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, cô Dương Thu Trang, giáo viên dạy văn, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6), cho biết: “Việc dạy và học đã diễn ra từ 15-8 mà giờ mới ban hành tài liệu giảm tải rồi bắt giáo viên thực hiện, dường như Bộ chưa tôn trọng đội ngũ giáo viên chúng tôi. Năm nào Bộ cũng có cái làm mới, khi thì SGK, khi thì đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhưng những chủ trương này toàn bất thình lình. Xem qua chương trình giảm tải môn văn THPT chưa thấy tính hiệu quả và chất lượng giảm tải mà học sinh thụ hưởng khiến giáo viên chúng tôi thấy việc giảm tải hô hào có giảm nhưng cũng như không”.
“Mấu chốt giảm tải hay phải bắt đầu từ người đứng lớp trực tiếp chứ không phải từ trên xuống nhưng có bao giờ ở trên tham khảo ý kiến giáo viên một cách nghiêm túc đâu. Muốn giảm tải phải bắt đầu từ giáo viên, học sinh chứ không phải từ người quản lý” – cô Trang chia sẻ.
Một giờ học tiếng Anh được tổ chức theo nhóm thảo luận của học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM.
Một giáo viên dạy văn cấp 2 cũng cho biết chương trình giảm tải nhìn chung là hợp lý, tuy nhiên không áp dụng trực tiếp được mà phải chờ hướng dẫn thống nhất. Vì vậy, mặc dù biết bài học đó có giảm tải nhưng chưa có hướng dẫn nên giáo viên, học sinh vẫn phải dạy, học chứ không tự ý cắt giảm. Nếu đã có chủ trương giảm tải thì nên ban hành và có hướng dẫn sớm để giáo viên chủ động thực hiện, tránh cập rập như hiện nay.
Những chia sẻ thực tế từ giáo viên, qua trao đổi, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông (Bộ GD&ĐT), cho biết: Các trọng tâm giảm tải đã được lưu ý, ghi chú, sửa chữa loại bỏ những kiến thức những sai sót, dư thừa trong SGK phát hành trước 2011. Giáo viên chỉ cần đối chiếu và thực hiện đúng hướng dẫn để đảm bảo tính thống nhất của chủ trương. Bộ cũng đã hướng dẫn các phó giám đốc Sở GD&ĐT 63 tỉnh, thành thực hiện cho đúng trọng tâm. Bộ sẽ có đánh giá sau một thời gian thực hiện khi đến những kỳ thi học kỳ. “SGK bậc THPT năm 2011 tương đối chuẩn về lượng kiến thức trong yêu cầu giảm tải, về phần học sinh học SGK những năm trước, giáo viên chỉ cần ghi chú, đánh dấu trọng tâm lượng kiến thức hướng dẫn trong tài liệu giảm tải”.
Muốn giảm tải: Phải biết học sinh cần gì
Giảm tải chương trình học không phải là giảm với số lượng bao nhiêu vì kiến thức không thể đong đếm được. Quan trọng là giảm những gì và phải làm sao để nội dung học phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Lâu nay, nhất là cấp tiểu học, học sinh đang bị nhồi nhét một lượng kiến thức quá lớn trong khi tâm sinh lý, nhân cách của chúng chưa được phát triển hoàn thiện. Đơn cử học sinh 10, 11 tuổi chưa nhất thiết phải học về tổ chức Liên Hiệp Quốc, tình dục, dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai… trong khi chưa chắc các em đã biết nói lời cảm ơn, xin lỗi, hay chào hỏi cho đúng.
Ngành giáo dục muốn giảm tải chương trình học cho đúng và có hiệu quả phải chú trọng đến mục tiêu đào tạo con người ở mỗi cấp học, phải biết được ở tuổi đó các em cần gì từ sức khỏe, đạo đức, văn hóa… để đáp ứng đủ và hợp lý nhất. Ngành phải rà soát lại từng bộ môn, thấy nội dung nào không sát với thực tế, với tâm sinh lý học sinh, trình độ và môn học thì phải mạnh dạn cắt ngay hoặc thay thế nội dung khác phù hợp hơn.
Bà TÔN TUYẾT DUNG, nguyên Trưởng phòng PTCS, Sở GD&ĐT TP.HCM, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie
PHẠM ANH ghi
Năm nhóm nội dung giảm tải
1. Những kiến thức được viết trong chương trình, SGK để dạy học ở nhiều môn khác nhau.
2. Những nội dung trùng lặp dạy cả ở lớp dưới và lớp trên do chưa lường hết hạn chế của cách xây dựng chương trình, SGK theo nguyên tắc đồng tâm.
3. Những bài tập, câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.
4. Rà soát, điều chỉnh những kiến thức mang đặc điểm địa phương.
5. Những bài học trước đây sắp xếp chưa hợp lý nay sẽ được sắp xếp lại.
(Nguồn Bộ GD&ĐT)
|
Theo QUỐC VIỆT
(PL)
Bình luận (0)